Chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế tư nhân

(ĐTTCO) - 17 năm qua, kể từ khi có nghị quyết đầu tiên về kinh tế tư nhân (KTTN), với những nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, KTTN đã có những bước phát triển vượt bậc, với hơn 700.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận. 

Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực KTTN vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn năng suất của khu vực tư nhân còn thấp, tính phi chính thức cao, nền kinh tế có quá ít DN cỡ vừa và lớn, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu yếu… 

Vẫn loay hoay tháo và gỡ 
Hiện khu vực KTTN đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đây là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình. Đóng góp cho tăng trưởng hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng. 
Tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm đạt top 50 thế giới, lọt vào top 3, top 4 trong ASEAN, vẫn phải là ưu tiên quan trọng nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực KTTN.
Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 3-6-2017 đã đề ra mục tiêu khu vực KTTN trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030. Đó là những mục tiêu hiện thực. Với triển vọng như vậy, và giả định rằng khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục đóng góp tối thiểu 20% GDP trong thời gian tới, khu vực KTTN sẽ đóng góp ít nhất 80-85% GDP vào năm 2030. 
Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhóm 3-4 nền kinh tế hàng đầu ASEAN, và càng xa so với chuẩn mực của các nền kinh tế phát triển (OECD).
Thứ hạng năng lực cạnh tranh thể chế trong những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh như khởi sự DN, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản DN đang xếp ở nhóm trung bình thấp của thế giới với thứ hạng 100/190 nền kinh tế được WB xếp hạng.
Chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế tư nhân ảnh 1 Sân bay Vân Đồn - hình ảnh tiêu biểu cho khu vực KTTN xây dựng. 
Cần giải pháp đột phá mở đường 
Để tạo sự bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, tôi đề nghị thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm, bằng việc giao Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), và các hiệp hội DN chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh; thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ; báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ ngành. 
Hiện nay, tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên đã thông, dưới chưa thoáng”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”… vẫn còn. Ở nhiều tỉnh thành phố, rào cản trong thực thi thủ tục hành chính vẫn còn nằm ở cấp sở, ban, ngành, quận, huyện. Muốn duy trì kỷ luật thực thi, phải tăng cường các cơ chế giám sát, phát huy vai trò của người dân và DN, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội DN.
Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh, thành phố giao các hiệp hội DN xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành để giám sát và tăng cường kỷ luật thực thi của bộ máy điều hành và công chức. Bằng cách này sẽ chuyển được “lửa” cải cách xuống cơ sở, tạo dựng niềm tin, động lực và áp lực cải cách ở các địa phương.
Giải pháp đột phá không thể thiếu nữa, là xã hội hóa dịch vụ công và thực hành đối tác công tư (PPP) trong mọi lĩnh vực - là con đường huy động sức dân cho các mục tiêu phát triển. Đây cũng là yêu cầu quan trọng trong nội dung cải cách của các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Theo đánh giá của VCCI, so với các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và phi chủ quản hóa các DNNN, nhiệm vụ xã hội hóa các dịch vụ công các bộ ngành đang triển khai rất chậm. 
Để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển KTTN, là tạo điều kiện khu vực tư nhân, nhất là DNNVV có thể tham gia mua cổ phần của DNNN, tham gia các dự án của Nhà nước và các gói thầu mua sắm công… Thực tiễn những công trình lớn tiêu biểu khu vực KTTN đã thực hiện như các khu đô thị lớn nhất, tòa nhà cao nhất, các sân bay, bến cảng, tuyến đường cao tốc đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành xây dựng và chất lượng xây dựng, các dự án sản xuất ô tô, dịch vụ hàng không, thành phố thông minh… đầy triển vọng.  
 Tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm đạt top 50 thế giới, lọt vào top 3, top 4 trong ASEAN, vẫn phải là ưu tiên quan trọng nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực KTTN.

Các tin khác