Dang dở mục tiêu tái cơ cấu DNNN

(ĐTTCO) - Hôm nay 25-9, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030”.
Theo báo cáo nghiên cứu, một trong những giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay là cơ cấu lại DNNN. Mục tiêu đến năm 2020 chuyển DNNN thành DN đa sở hữu thông qua việc cổ phần hóa (CPH) khoảng 750 DNNN. Tuy nhiên, đánh giá chung của việc tái cơ cấu lại DNNN, cho thấy mục tiêu đặt ra vẫn chưa đạt được. Theo Quyết định 707/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, mục tiêu 1 (sắp xếp, CPH thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn) chỉ hoàn thành ở mức thấp. Cơ cấu DNNN đã thay đổi, nhưng chưa hợp lý. 
Với mục tiêu 2 (đầu tư không dàn trải; nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý, năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bình đẳng với DN khác) cũng chỉ hoàn thành ở mức độ trung bình. Quản trị DNNN còn khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế. Với mục tiêu 3 (tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém phù hợp với quy định pháp luật, theo cơ chế thị trường) chưa hoàn thành. Thí dụ, 12 dự án thua lỗ ngành công thương, tuy đã xử lý theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Với mục tiêu 4 (hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát; sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương) cũng hoàn thành ở mức độ trung bình. 
Một trong những tồn tại lớn bộc lộ tại DNNN là vấn đề thể chế và quản trị DN. Năm 2006, Ngân hàng Thế giới đánh giá tình hình tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quản trị công ty Việt Nam, bao gồm cả DNNN, là “căn bản chưa được tuân thủ”. Sau 13 năm, nhìn lại 6 nguyên tắc và 30 tiêu chí theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quản trị DNNN ở Việt Nam còn khoảng cách xa so với thông lệ quốc tế; đặc biệt khi xem xét đến các tiêu chí đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ máy quản lý DNNN (HĐQT, HĐTV), trách nhiệm giải trình về hoạt động của DNNN, tính chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả của cơ quan đại diện chủ sở hữu…
Trên thực tế, DNNN chưa được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Thứ nhất, hạn chế về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của DNNN. Thứ hai, hạn chế về quyền tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, điều hành DNNN. Quy định hiện hành về điều kiện bổ nhiệm người quản lý, trước hết là điều kiện về quy hoạch cán bộ, sẽ rất khó để tìm kiếm, lựa chọn, ký kết hợp đồng với người quản lý giỏi từ thị trường để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý DNNN. Thứ ba, hạn chế quyền tự do thỏa thuận tiền lương. Thí dụ, pháp luật quy định tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh nhưng vẫn khống chế mức hưởng tối đa.
Ngoài ra, còn có các tồn tại như chưa tách bạch hoàn toàn giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý nhà nước (kể cả đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN), tiềm ẩn nguy cơ đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế; chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của nhà nước; cách thức điều hành tại nhiều DNNN còn lạc hậu, thiếu công cụ quản lý hiện đại dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh, gây thất thoát, tiêu cực trong kinh doanh; kiểm soát, giám sát nội bộ hình thức, chưa hiệu quả.
Những bất cập trên cho thấy, thể chế hiện hành chưa tạo áp lực mạnh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Nhiệm vụ được giao chủ yếu dưới hình thức phê duyệt kế hoạch đăng ký của DN, chưa thể hiện trách nhiệm cũng như mong muốn của chủ sở hữu nhà nước. Điều này vừa không tạo động lực, vừa không có áp lực buộc DN phải thực hiện, điển hình là áp lực tối đa hóa lợi nhuận đối với DN kinh doanh…

Các tin khác