TIÊU CHÍ HÀNG VIỆT THỜI TOÀN CẦU HÓA

Đổi mới cơ chế công nhận hàng Việt

(ĐTTCO) - Thương mại mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Chính vì thế các quốc gia, hãng sản xuất tự nguyện phụ thuộc lẫn nhau để được hưởng những lợi ích thương mại mang lại, bao gồm cả tranh chấp thương mại (TCTM), cho đến sự lựa chọn vì lợi ích chung cho sự phát triển xã hội. 
Xây dựng thương hiệu quốc gia
Việt Nam là quốc gia tiêu biểu trong xuất khẩu lúa gạo đến nhiều quốc gia trên thế giới. Có được vị thế này chưa hẳn các nước đó không trồng được lúa gạo, mà chủ yếu vì chúng ta có lợi thế so sánh.
Nghĩa là chúng ta có chi phí cơ hội thấp hơn khi sản xuất mặt hàng này, nên cơ hội được trao cho chúng ta trồng và xuất khẩu lúa gạo. Còn những quốc gia khác sẽ chuyên biệt hóa để tập trung sản xuất mặt hàng họ có lợi thế so sánh hơn. Thương mại sẽ đảm bảo cho tất cả cùng có lợi. 
 Việc bắt buộc hàng hóa phải hoàn toàn có linh kiện sản xuất trong nước mới được gọi là hàng Việt là chưa hợp lý. Quan niệm này khiến hàng hóa nguồn gốc Việt bị hãm năng lực cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác.
Thế nhưng có sự thật hiển nhiên, thương mại quá mức lại không tốt, giống như ăn quá no sẽ bội thực. Cán cân thương mại thâm hụt đối với Mỹ, và quá mức thặng dư đối với Trung Quốc là thí dụ. Và chiến tranh thương mại giữa 2 bên càng khiến sự thâm hụt thương mại này bùng ra bên ngoài.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, quan hệ thương mại song phương Mỹ - Trung Quốc tăng 17% trong năm 2018, đạt 323,32 tỷ USD trong tình trạng “bội thực”, là mức thặng dư kỷ lục cao nhất trong hơn 1 thập niên trở lại đây. 
Và khi TCTM bùng nổ, khiến thế giới bắt đầu né tránh sự phụ thuộc lẫn nhau quá mức, né tránh sự “bội thực” trong cán cân thương mại, đặc biệt ở quy mô quốc gia. Vì thế, dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc hay dàn trải đầu tư đang là xu hướng của các tập đoàn lớn, cho dù TCTM có diễn tiến và thỏa thuận tốt đẹp mấy đi nữa.
Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao trong những tháng đầu năm 2019. Do vậy tận dụng được nó chính là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Thực tế, trước khi TCTM diễn ra, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia thật khó khăn, vì thế giới ít quan tâm. Giống như chúng ta sẽ khó trình bày về bản thân với người không có nhu cầu tìm hiểu về chúng ta. Nay một trật tự về giá trị cảm nhận thương hiệu hàng hóa dịch vụ quốc tế đã được minh chứng.
Vì thế, 2019 và những năm sắp tới có thể nói là thời điểm hoàng kim, những nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia sẽ được lắng nghe, sẽ được tìm hiểu, tiếp nhận dễ hơn bao giờ hết. Và đây chính là cơ hội cho chúng ta trong xây dựng thương hiệu quốc gia.
Đổi mới cơ chế công nhận hàng Việt ảnh 1 Vinfast - thương hiệu ô tô Việt không phải sản xuất 100% tại Việt Nam, nhưng thông tin sản phẩm được ghi chi tiết sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam.
Nhưng phải trong chuỗi giá trị toàn cầu
Nguồn gốc quốc gia của hàng hóa có ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận của người mua. Giống như đối với người tiêu dùng Việt Nam, mua chiếc xe hơi ngoại nhập có cảm giác yên tâm hơn về chất lượng. Nhưng nếu nguồn gốc hàng hóa là quan trọng nhất, có lẽ Nhật Bản đã không vượt qua được Mỹ để trở thành một cường quốc về sản xuất ô tô, đặc biệt Mỹ mới chính là quốc gia đưa nhân loại từ việc di chuyển trên những vó ngựa, lên chiếc xe hơi 4 bánh. 
Người tiêu dùng hiện nay ngày càng thông minh, đặc biệt nhờ có thương mại điện tử. Vậy họ sẽ chọn hàng hóa 100% sản xuất tại Việt Nam, hay chọn hàng hóa có linh kiện sản xuất từ hàng chục quốc gia khác nhau và phục vụ tốt hơn nhu cầu của họ? Thực ra quan điểm về chất lượng, thí dụ hàng Việt Nam chất lượng cao, không đơn giản là vấn đề về nguồn gốc địa lý của sản phẩm, mà nó là hệ giá trị, hệ thông tin chi tiết, cụ thể chứng minh sự rõ ràng về chất lượng đối với người tiêu dùng. 
Toàn cầu hóa và thương mại đa phương đã mang lại cho người tiêu dùng thói quen được sử dụng hàng hóa đa dạng. Một người Việt Nam sử dụng chiếc laptop Macbook của Apple, mặc bộ quần áo H&M ngoại nhập, là chuyện hết sức bình thường. Chất lượng hàng hóa và sự lựa chọn của người tiêu dùng rõ ràng bị ảnh hưởng bởi giá trị cảm nhận đến từ nguồn gốc quốc gia của sản phẩm.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt hơn đó chính là giá trị thực sự của sản phẩm có phục vụ được cho người tiêu dùng hay không. Một minh chứng cho vấn đề này là việc người Mỹ vẫn bỏ tiền ra mua xe hơi của Nhật Bản, đơn giản vì ô tô Nhật tiết kiệm năng lượng, bền, phù hợp nhu cầu sử dụng. 
Sự chuyên biệt hóa trong sản xuất hiện nay rất sâu sắc, giống như Huawei sẽ “rung chuyển” nếu không được sử dụng hệ điều hành Android. Hay Apple vẫn đang tiếp tục chuyển một phần sản xuất của mình sang Trung Quốc trong bối cảnh TCTM.
Trong xu thế này, Việt Nam không nên đặt mộng tưởng hàng hóa phải 100% thực hiện sản xuất tại Việt Nam. Điều đó sẽ khiến thương mại chết lâm sàng ở tầm vi mô. Và khi hàng hóa không có sức mạnh cạnh tranh trong việc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bản thân nó sẽ bị đào thải. Vì thế, mở cửa cho đầu tư FDI sẽ giúp Việt Nam có thêm việc làm, gia tăng năng lực sản xuất, đặc biệt ở nhiều mảng chúng ta còn yếu như công nghệ, điện tử… 

Gấp rút điều chỉnh bộ tiêu chuẩn hàng Việt
Để tiếp tục đón nhận vốn FDI, chúng ta cần định nghĩa lại bộ tiêu chuẩn đánh giá hàng Việt Nam theo hướng chính trực với người tiêu dùng. Thí dụ, sản phẩm được công nhận là hàng Việt Nam cần được phân loại chi tiết hơn, nhất là phụ lục kê khai nguồn gốc linh kiện, bao nhiêu phần trăm sản xuất tại Việt Nam phải được phân nhóm rõ ràng. Điều này sẽ mở cửa cho các hãng sản xuất chú trọng vào năng lực cạnh tranh, thay vì chú trọng nguồn gốc linh kiện, hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo tránh được rủi ro cho hàng Việt trong TCTM. 
Giả sử kịch bản xấu xảy ra, Mỹ muốn áp thuế hàng hóa Việt có nguồn gốc linh kiện từ Trung Quốc, họ sẽ có đủ thông tin nhóm hàng hóa có bao nhiêu phần trăm linh kiện Trung Quốc mới bị áp thuế, những nhóm hàng hóa có tỷ trọng nhỏ, hoặc 100% sản xuất tại Việt Nam sẽ không bị vạ lây. 
Bộ phân loại hàng hóa, có bổ sung nguồn gốc xuất xứ linh kiện, giúp minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng thông minh sẽ chấp nhận hàng hóa cạnh tranh về giá có thành phần linh kiện nguồn gốc giá rẻ. Tức họ sẽ yên tâm khi mua hàng nguồn gốc Việt với chi tiết sản phẩm có thông tin cụ thể. Điều quan trọng không đánh đồng thành một rổ gọi là hàng Việt, dễ gây vạ lây cho những nhóm hàng hóa khác. 
Bên cạnh đó, đảm bảo mở cửa cho đầu tư FDI, bất kể đó là nhà đầu tư Trung Quốc. Bởi lẽ hiện Mỹ không phải là thị trường lớn duy nhất đối với hàng Việt xuất khẩu. Giả sử hàng hóa nguồn gốc Việt có tỷ trọng lớn nguồn gốc linh kiện Trung Quốc bị áp thuế cao khi xuất khẩu vào Mỹ, nhưng nó sẽ vẫn được chào đón ở những thị trường khác, đặc biệt là khu vực EU, khi Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 
Tóm lại, Việt Nam cần gấp rút thiết kế bộ đánh giá công nhận nguồn gốc hàng hóa một cách chi tiết hơn, nhằm tránh rủi ro bị áp thuế vạ lây cho hàng hóa khác có nguồn gốc Việt Nam, nhưng vẫn mở cửa cho FDI, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế thông qua sản xuất phục vụ nhu cầu người tiêu dùng đến từ mọi quốc gia trên thế giới. 

Các tin khác