Đón đọc ĐTTC bộ mới số 16 phát hành thứ hai ngày 22-7

Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 16 phát hành ngày 22-7 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 16 phát hành thứ hai ngày 22-7 ảnh 1
- Triển vọng thu hút vốn gián tiếp từ Anh: Ngay sau khi về nước sau chuyến công tác xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Vương quốc Anh (từ ngày 2 đến 8-7), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết đây là chuyến đi hứa hẹn thành công nhất từ trước đến nay. Dù chưa đong đếm được ngay kết quả cụ thể các cuộc tiếp xúc song phương giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Anh, nhưng đó là những dấu ấn bước đầu rất quan trọng, cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp Anh với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Anh có những tiến triển thương mại tốt nhưng vẫn dưới mức tiềm năng mà 2 nước có thể hợp tác. (Ngọc Quang)
- Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế - Khát vọng chính đáng, nhưng…: Nói về việc TPHCM đang xây dựng đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TS.Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đây là khát vọng chính đáng, nhưng đây phải là ý chí thống nhất của cả đất nước. Theo đó, muốn đạt được khát vọng này, chúng ta phải tạo ra cơ sở hạ tầng, thiết chế và chính sách đặc thù để giúp nhà đầu tư, từ đó những người giỏi nhất về ngoại hối sẽ đến Việt Nam thay vì đến New York, London, Tokyo… (Trần Hải - Yên Lam)
- Phải bước qua những rào cản: Thực ra việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính (TTTC) của cả nước, và từng bước thành TTTC của khu vực ASEAN đã được lên kế hoạch từ năm 2002. Song ý tưởng này đến nay vẫn còn dang dở. Và để thực hiện khát vọng này phải gỡ cho được những rào cản. (Đỗ Linh)
- Hướng đến mô hình Fintech Hub: Đối với vấn đề phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế, theo tôi nên phát triển theo hướng Fintech Hub, tức là xây dựng TPHCM trở thành trung tâm về fintech. Bởi vì hiện trên thế giới chứng kiến sự thay đổi rất nhanh của fintech, làm xuất hiện những sản phẩm công nghệ mới hoàn toàn chưa có trong khung pháp lý. Chính phủ các quốc gia sẽ phản ứng như thế nào? (PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Đại học Quốc gia TPHCM)
- Trở thành TTTC phải là trung tâm kinh tế: Điều làm New York trở thành một trong những nơi trung chuyển vốn lớn nhất thế giới không phải là các tòa nhà chọc trời, mà là hệ sinh thái các dịch vụ tài chính. Tất cả các TTTC khác trên thế giới đều như vậy. (TS. Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Quỹ Tactical Global Management, Brisbane, Australia)
- Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam - Cân nhắc tốc độ, vốn vay: PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới (IWEP), nguyên thành viên Ban nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, điều dư luận lo lắng là tính hiệu quả kinh tế chưa rõ ràng. Đây là dự án lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công cao hiện nay việc huy động nguồn vốn lớn như vậy cho dự án phải được tính toán, cân nhắc cực kỳ cẩn thận. Còn GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng cần chú trọng vào độ an toàn hơn là tốc độ, chỉ nên đầu tư đường sắt tốc độ 200km/h. (Lưu Thủy)
- Tàu cao tốc nhìn từ Nhật Bản: Cách đây đúng 60 năm, Nhật Bản đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của xứ sở hoa anh đào. Bước đi của Tokyo khi đó được xem là sự thăng hoa cần thiết cho công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh. Và đến nay, hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc thế giới. (Văn Cường)
- Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa - Linh hoạt định chuẩn hàng Việt: Hiện nay, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), phần quy định về các quy tắc xuất xứ có độ tùy biến, không quá khắt khe như nhiều người vẫn đang lầm tưởng. Vì thế, việc quy định dán nhãn “made in Việt Nam” cần linh hoạt để phù hợp với thực tế. Các chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng trong các FTA, phần quy định về các quy tắc xuất xứ gần như cho phép nhập nguyên liệu từ bên ngoài, từ bất kỳ đâu. Nguyên tắc này cho phép linh kiện để tạo ra sản phẩm được nhập khẩu, nên đừng nghĩ rằng một sản phẩm “made in Việt Nam” phải có xuất xứ 100% nội địa. (Hoàng Sơn)
- Vốn FDI đổ vào bất động sản - Mừng ít, lo nhiều: Trong bối cảnh thị trường bất động sản TPHCM hết sức ảm đạm trước hàng loạt dự án đắp chiếu do bị thanh tra, vướng mắc thủ tục pháp lý khiến nguồn cung sản phẩm giảm sút nghiêm trọng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019. Hiện đang có thực trạng một số nhà đầu tư ngoại lợi dụng kẻ hở của pháp luật sở tại để trục lợi, tay không bắt giặt, huy động vốn từ ngân hàng và khách hàng sau đó cao chạy xa bay. (Minh Tuấn)
- Golf Long Thành đầu tư casino Cam Ranh: Sau thành công trong kinh doanh sân golf, BĐS nghỉ dưỡng, ông Lê Văn Kiểm, chủ sân golf Long Thành bất ngờ muốn nhảy sang lĩnh vực kinh doanh casino tại đô thị nghỉ dưỡng The Lotus Cam Ranh (casino Cam Ranh), tỉnh Khánh Hòa. Casino Cam Ranh được đề xuất thời gian cấp phép hoạt động 70 năm. Đến nay Công ty TNHH Cam Ranh đã hoàn thành thanh toán 1.094,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho tỉnh Khánh Hòa. (Bảo Ngọc)
- Việt Nam trước “thập kỷ có một”: Thương mại toàn cầu đang diễn biến khó lường đã tác động lên từng quốc gia, khu vực. Thế nhưng, bối cảnh khó khăn hiện tại lại là cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam hiện đứng trước cơ hội “thập kỷ có một” nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư - xuất khẩu và gia nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. (Vũ Anh Tú, CTCK Rồng Việt)
- “Đánh bạc” trên ao cá: Từ đầu năm đến nay, giá cá tra liên tục tuột dốc, hiện ở mức 19.000 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua. Đường bơi trồi sụt của cá tra là canh bạc may rủi của nông dân trên ao cá. Bao giờ ngành kinh tế cá tra thoát khỏi “cuộc chơi may rủi” vẫn là câu hỏi cũ cần lời giải mới. (TS. Trần Hữu Hiệp)
- Nợ xấu bị "đè" bởi pháp lý: Không thể phủ nhận Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tạo cú hích cho xử lý nợ xấu. Song càng xử lý càng lộ diện nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến các quy định khác của pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) chưa được tháo gỡ. Những vướng mắc đã được các TCTD nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, cho đến nay việc giải quyết vẫn chưa được các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tháo gỡ. (Trí Dũng)
- Cổ phiếu vua gia cố vị thế: Việc HOSE vừa có quyết định đưa BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) vào rổ VN30 đã giúp CP ngân hàng (NH) gia cố vị thế của nhóm CP đầu ngành. Đặc biệt, với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối ấn tượng, nhóm CP NH được dự báo là “đầu kéo” cho các chỉ số trong thời gian tới. (Kim Giang)
- Thị trường BĐS qua góc nhìn chuyên gia: Thị trường BĐS thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thủ tục chậm trễ, quỹ đất khan hiếm (do siết chặt đất công, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh…). ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia nhận định về một số phân khúc BĐS trong thời gian từ nay đến cuối năm, cũng như một số chia sẻ liên quan đến thị trường. (Minh Tuấn – Trà Giang)
- Cải cách hành chính môi trường đầu tư: Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TPHCM xếp hạng 10/63. Tiếp tục nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở các lĩnh vực có chỉ số thấp điểm, đang được TP quan tâm thúc đẩy. (Lê Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM)
- Không gian bếp tối giản (KTS.BK Nguyen)
- Trải nghiệm brunch ở TPHCM (Tống Vân)
- Ứng dụng công nghệ VR (Nhã Trúc)
- Đồng hồ cao cấp cho phái mạnh (Cao Nguyên)
- Cẩn trọng suy giãn tĩnh mạch chi dưới (BS.CKI Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM)
- Môn Sử thụt lùi, tại thầy, trò hay bộ?: Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, môn Sử có số điểm thấp nhất. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trên 70% bài thi môn Sử đạt điểm dưới 5. Điểm trung bình môn Sử của các thí sinh là 4,3, nhưng có nhiều thí sinh đạt 3,75 điểm. Đã liên tục nhiều năm, môn Sử đều có điểm thi đáng báo động, cho thấy chất lượng dạy và học môn Sử trong bối cảnh hội nhập vẫn còn rất mơ hồ. (Tâm Huyền)
- Vịnh Hạ Long trên cạn: Những vùng đầm, hồ rộng lớn mênh mông, với các hòn đảo nhấp nhô trên sóng nước ở miền Bắc được nhiều người ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Thật tuyệt vời khi mùa hè nóng nực, chúng ta được đi thuyền ngoạn cảnh vi vu trên những vùng đầm hồ mát rượi. ĐTTC xin giới thiệu một số điểm đầm, hồ như thế cùng những chỉ dẫn cơ bản. (Văn Hải)
- Hình tượng rồng trên bình rượu Sake Satsuma: Trong truyền thống Thần đạo, tín ngưỡng Long thần Ryūjin Shinkō thờ thần rồng để cai quản nguồn nước, và thường được kết nối với các nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ cầu mưa, cầu thịnh vượng của ngư dân. (TS. Trương Đình Bảo Long)
-Thương chiến Nhật-Hàn bùng nổ - Samsung và LG lãnh trọn: “Bằng việc hạn chế xuất khẩu các vật liệu hóa học quan trọng sang Hàn Quốc, Nhật Bản đang gây ra tác hại không thể khắc phục đối với ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, với tổn hại khó có thể đo lường”. Đó là nhận định của nhà báo Nhật Bản Takashi Yunogami đăng trên EE Times Japan. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ trút sự giận dữ vào xứ mặt trời mọc, chứ không phải xứ kim chi. (Vinh Trang)
Và nhiều chuyên mục khác...
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác