Đừng bỏ lỡ cơ hội “vàng”

(ĐTTCO) - Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác lớn trong quan hệ thương mại của Việt Nam. Vì thế, thương chiến Mỹ-Trung đang gây sức ép lớn lên doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội tốt để DN trong nước có thể thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ có cơ hội bứt phá.
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ có cơ hội bứt phá.
Sức ép từ 2 đối tác ngày càng tăng
Những năm qua Mỹ luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu, thặng dư cán cân thương mại với Mỹ năm 2018 lên tới 39,5 tỷ USD. Chính vì thế, khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn hoặc niềm tin tiêu dùng của người Mỹ giảm, khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào của nhiều DN Việt, có những mặt hàng tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 70-80%. Nên khi Trung Quốc gặp khó khăn sẽ kéo theo nhiều tác động bất lợi cho DN trong nước. 
Mặc dù Việt Nam có thể điều chỉnh chỉ tiêu, định hướng thị trường cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng sự ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ-Trung khó có thể đoán định. Khi thương chiến Mỹ-Trung gia tăng, sẽ tác động đến tăng trưởng sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Việt Nam (xuất nhập khẩu chiếm trên 200% GDP).
Chẳng hạn ở chiều nhập khẩu, khi hàng hóa sản xuất ra gặp khó khăn trong tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy sang các nước láng giềng với giá rẻ, trong đó có Việt Nam. Việt Nam lại có đường biên giới trên bộ và trên biển rất dài với nhiều “đường mòn, lối mở”, chính sách biên mậu thông thoáng, nên hàng hóa Trung Quốc có nhiều cơ hội tràn ngập thị trường, gây khó khăn cho DN sản xuất trong nước khi gặp phải sự cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà do giá rẻ. 
Đặc biệt, những hàng hóa nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch không được kiểm tra, giám sát đầy đủ về chất lượng, số lượng và chủng loại, tạo ra nguy cơ về gian lận thương mại, xuất xứ, gây nguy hiểm cho hàng hóa sản xuất trong nước, làm giảm uy tín của sản phẩm DN Việt, dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nhiều DN Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để tránh hàng rào thuế quan từ chiến tranh thương mại, nên khả năng nhập khẩu các linh phụ kiện, bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia rất lớn gây phương hại đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Ở chiều xuất khẩu, ngay từ đầu năm 2019, sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và các nước khác để thay thế hàng Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó một số mặt hàng có mức tăng trưởng 30-40%, thậm chí tăng trưởng 70-80%.
Nhưng hiện tượng này cũng cần hết sức cẩn trọng. Bởi lẽ, 1 trong 3 tiêu chí để Mỹ xếp một quốc gia vào diện thao túng tiền tệ là có thặng dư cán cân thương mại lớn với Mỹ (từ 40 tỷ USD trở lên). Nên khi Việt Nam đang có thặng dư thương mại trong năm 2018 tới 39,5 tỷ USD với Mỹ, họ sẽ quan tâm xem xét. Đây là điều Việt Nam cần suy tính. 
Điều đáng lưu ý nữa, khi xuất khẩu sang Mỹ ở một số ngành hàng tăng lên, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng lên. Một số DN trong nước cũng như các DN FDI vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện từ Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam, mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác. Điều này làm cho giá trị gia tăng của Việt Nam ít đi, tức sự thụ hưởng của nền kinh tế sẽ không đáng kể.
Đó là chưa nói đến nếu phía Mỹ kiểm tra và phát hiện ra hàng hóa đội lốt xuất xứ, họ sẽ ứng xử rất nghiêm khắc như đối với mặt hàng thép vừa qua. Đây là bài học cần hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ trở nên phức tạp, thậm chí Mỹ cũng có thể sẽ tuyên bố chiến tranh thương mại với Việt Nam.

Chuyển hóa chiến lược, nhận thức
Nhiều nguy cơ tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam từ thương chiến Mỹ-Trung, song khả năng Việt Nam đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để có thể thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, cũng đang hiện hữu ngày càng rõ. Bởi khi thương chiến leo thang, các DN Mỹ sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc, kéo theo hàng loạt chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các công ty Mỹ cũng như các công ty đa quốc gia bị phá vỡ.
Đây sẽ là thời điểm các tập đoàn đa quốc gia phải tái cấu trúc lại các dây chuyền sản xuất, các chuỗi cung ứng. Họ sẽ rất cần những nhân tố mới để thay thế cho DN Trung Quốc trong việc đáp ứng linh phụ kiện trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị.  
Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội để DN Việt Nam vươn lên trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia nói chung và các công ty Mỹ nói riêng. Nếu tranh thủ được làn sóng dịch chuyển đầu tư của Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam, DN trong nước có thể tận dụng được cơ hội về vốn từ các ngân hàng Mỹ, tận dụng được công nghệ cao, trình độ kỹ thuật giỏi từ DN Mỹ.
Khi các công ty đa quốc gia Mỹ mong muốn có DN thay thế DN Trung Quốc cung ứng các linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm cho chuỗi cung ứng sản xuất, họ sẽ tạo điều kiện cho DN Việt tiếp cận nguồn cung cấp vốn, công nghệ và sẵn sàng đào tạo công nhân kỹ thuật cao, giúp DN Việt hình thành nên các “mắt xích” mới trong chuỗi cung ứng của họ.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN Việt tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, linh phụ kiện và các bán thành phẩm từ Mỹ để đáp ứng các yêu cầu sản xuất những mặt hàng cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, được hưởng các ưu đãi từ các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Cơ hội này còn hướng đến mục tiêu lớn hơn, đó là khi thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, các DN có công nghệ hiện đại sẽ tập trung cao hơn vào đầu tư sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giảm sản xuất hàng phẩm cấp thấp và trung bình, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế, giúp Việt Nam có cơ hội thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.  
Bên cạnh đó, thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh còn làm tăng khả năng nhập khẩu thiết bị, công nghệ, máy móc, nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Mỹ, giúp Việt Nam tránh bị thặng dư quá lớn để không bị theo dõi nghiêm ngặt về nguy cơ thao túng tiền tệ. Điều này còn góp phần giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, làm cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ít nặng nề và trầm trọng. 
Đặc biệt, khi Việt Nam đã ký kết các FTA như EVFTA, CPTPP, để được hưởng các ưu đãi từ các quốc gia này, hàng hóa phải đạt chuẩn quốc tế. Việc chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng cao cấp đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi nguồn lực quốc gia hướng vào mục tiêu này, sẽ thu hẹp dần nhu cầu về máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc, giảm sức ép căng thẳng về nhập siêu từ Trung Quốc như thời gian qua.

Các tin khác