Hà Nội: Siết chặt công tác quản lý chợ

(ĐTTCO)- UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ nhằm giúp khai thác tốt hơn hiệu quả của hình thức kinh doanh này.
Hà Nội hiện có 454 chợ, chiếm khoảng 60% tổng mức lưu chuyển hàng hóa toàn thành phố
Hà Nội hiện có 454 chợ, chiếm khoảng 60% tổng mức lưu chuyển hàng hóa toàn thành phố

Trên địa bàn Thủ đô hiện có 454 chợ, tạo gần 200.000 việc làm cho người dân, tổng lưu chuyển hàng hóa chiếm khoảng 60% tổng mức lưu chuyển hàng hóa toàn thành phố.

Hiệu quả không cao

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến 30/9/2018, trên địa bàn Thành phố có 454 chợ gồm: 15 chợ hạng 1; 59 chợ hàng 2; 331 chợ hạng 3 và 49 chợ chưa phân hạng.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù thời gian qua các Sở, ngành Thành phố đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước tại các chợ. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhìn chung còn chậm; một số địa phương chậm chuyển biến về công tác xây dựng, phê duyệt giá dịch vụ chợ… Một số chợ còn tồn tại vụ việc khiếu nại, tố cáo, thậm chí tiêu cực trong quản lý kinh doanh khai thác chợ… chưa được giải quyết dứt điểm kịp thời.

Nhiều chợ không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là công tác phòng cháy và chữa cháy. 8 tháng đầu năm 2018, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố đã kiểm tra và lập biên bản 285 lượt chợ, phát hiện 965 tồn tại thiếu sót, xử lý vi phạm hành chính 53 trường hợp với tổng số tiền là 102,7 triệu đồng; các lực lượng chức năng đã giải tỏa 160/213 chợ cóc, chợ tạm trên toàn Thành phố...

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này do chính quyền một số quận, huyện, thị xã chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Chưa bố trí cán bộ, đầu tư kinh phí, nguồn lực thích đáng cho công tác quản lý, phát triển chợ. Cạnh đó, công tác cải tạo nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các chợ thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do hiệu quả kinh doanh khai thác chợ chưa cao nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa; trong khi cơ chế sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ còn vướng mắc.

Chuyển đổi mô hình

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Công văn số 4942/UBND-KT về việc đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, đối với các chợ đủ điều kiện phân hạng, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Công Thương chủ trì thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định trước ngày 30/10/2018. Đối với các chợ chưa có trong quy hoạch và còn vướng mắc về hồ sơ, UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị quản lý chợ hoàn thiện hồ sơ, gửi về Sở Công Thương chủ trì thẩm định, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định trong năm 2018.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND quận/huyện Cầu Giấy, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm chỉ đạo hoàn thành việc phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại các chợ trên địa bàn trước ngày 30/10/2018. UBND huyện Đan Phượng chỉ đạo hoàn thành việc phê duyệt nội quy hoạt động chợ trên địa bàn trước ngày 20/10/2018. UBND các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Bắc Từ Liêm đôn đốc các đơn vị quản lý chợ hạng 1 trên địa bàn hoàn thiện phương án giá, gửi Sở Tài chính chủ trì thẩm định trình UBND Thành phố phê duyệt trưóc ngày 20/10/2018…

Các đơn vị chức năng, tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Đến hết tháng 10/2018 đạt 100% các hộ kinh doanh có Giấy xác nhận/cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, công khai kế hoạch chuyển đổi chợ được UBND Thành phố phê duyệt để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đăng ký…

Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, để các chợ hoạt động có hiệu quả, cần có cơ chế quản lý thống nhất và giao doanh nghiệp quản lý một cách đồng bộ. Trên thực tế, hiện nay chỉ những chợ do doanh nghiệp quản lý bị thu tiền thuê đất, còn chợ do các quận, huyện quản lý đều không phải nộp khoản tiền này. Vì vậy, ông Sơn đề xuất, khi các doanh nghiệp quản lý chợ đã nộp tiền thuê đất, thành phố cần có cơ chế giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để có cơ sở phát triển kinh doanh…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là đòi hỏi tất yếu. Các quận, huyện cần khảo sát ý kiến người dân tại từng khu vực và phối hợp giữa các đơn vị liên quan để có cơ sở, căn cứ nhằm sớm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các chợ.

Các tin khác