Kiên định cải cách dài hạn

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN ANH DƯƠNG (ảnh), Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết:
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng trưởng kinh tế quý I đạt mức 6,79% là rất khả quan; xuất khẩu quý I được duy trì ở mức có thể chấp nhận được (58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so cùng kỳ), dù vẫn có những điểm chưa hài lòng, đặc biệt là sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. So với mặt bằng chung của thế giới, xuất khẩu tăng như vậy cũng là khả quan. 
Kiên định cải cách dài hạn ảnh 1
Một điều đáng ghi nhận là khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng xuất khẩu, đây cũng là điều chúng ta rất mong mỏi trong thời gian qua. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư, dù không nhiều hơn năm ngoái nhưng đã gây áp lực đối với thị trường ngoại hối. Song bù lại, mặt bằng thị trường giá cả nhìn chung được kiểm soát, không gây nhiều áp lực.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng hiện nay và đà tăng trưởng trong thời gian tới?
Ông NGUYỄN ANH DƯƠNG: - Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay sẽ đạt được. Các chỉ số khác như xuất khẩu, lạm phát, thặng dư thương mại… sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Vấn đề ở đây  không chỉ chăm chú vào việc đạt chỉ tiêu, mà phải chuẩn bị nền tảng vĩ mô vững chắc hơn để tạo đà cho những năm sau nữa. Bởi mục tiêu của chúng ta không phải ngắn hạn trong 1-2 năm, mà phải chuẩn bị cho 5-10 năm tiếp theo. 
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và bất ổn, việc xây dựng các kịch bản ứng phó trước đòi hỏi Việt Nam phải tích cực trao đổi kinh nghiệm với các đối tác khác như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, EU - những nước có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó trước những biến động từ bên ngoài.
Thí dụ, dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra từ năm ngoái, song tính đến thời điểm hiện nay, Nhật Bản và EU vẫn chưa có động thái nào để điều chỉnh tỷ giá. Đây là chi tiết Việt Nam cần quan tâm, phân tích sâu để từ đó đưa ra chính sách ứng phó phù hợp.
- Nhiều ý kiến cho rằng đang có xu hướng nhiều DN FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Qua trao đổi với cộng đồng DN, tôi nhận thấy có sự quan tâm nhất định của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt các nhà đầu tư đang muốn chuyển nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Sự quan tâm ở đây thể hiện ở 2 nhóm.
Nhóm 1 là những nhà đầu tư tiềm năng, có sự so sánh khi lựa chọn môi trường đầu tư Việt Nam và Trung Quốc, nhưng xu hướng muốn chuyển nhanh từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhóm 2 là cộng đồng DN Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đang hoạt động ở Trung Quốc, cũng có xu hướng muốn chuyển sang Việt Nam để tránh rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 
Kiên định cải cách dài hạn ảnh 2 So với mặt bằng chung của thế giới, xuất khẩu trong quý I của Việt Nam vẫn khả quan.
Ảnh: VIẾT CHUNG 
Tôi cho rằng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, không ít các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Song không hoàn toàn như vậy. Cần thấy rằng việc Việt Nam gia nhập CPTPP mới thực sự là cơ hội cho cộng đồng DN thay vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Thêm vào đó, Việt Nam hiện đã tham gia sâu rộng hơn các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, là những yếu tố để kéo được nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang, còn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ là thứ yếu.
Hiện nay cũng có quan điểm dè dặt với những nhà đầu tư khi chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo tôi không nên quá coi trọng nhà đầu tư xuất phát từ Trung Quốc hay từ nước khác. Bởi trong bối cảnh hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc nhà đầu tư không dễ, vì họ có thể lách qua quốc gia thứ 3, thậm chí thứ 4, thứ 5 rồi mới vào Việt Nam.
Vấn đề là chúng ta đặt ra những tiêu chuẩn, quy định như thế nào, để khi nhà đầu tư vào phải đóng góp cho tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam, tránh được rủi ro về môi trường cũng như bất ổn về quan hệ lao động.
- Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?
- Trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quá trình cải cách được đẩy mạnh hơn. Việt Nam đã sử dụng hệ thống chỉ số đánh giá mức độ cải cách theo tiêu chuẩn quốc tế. Tức sẽ không có chuyện so sánh chúng ta làm tốt hơn trước kia như thế nào, mà là cải cách đã phù hợp thông lệ quốc tế chưa.
Nếu cải cách dù mạnh mẽ, song về chỉ số đánh giá vẫn thấp hơn so với thế giới, có nghĩa tốc độ cải cách của Việt Nam đang bị chậm, hoặc thế giới đã cải cách mạnh mẽ và tiến xa hơn chúng ta. 
Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh lần này có sự tham gia đồng bộ hơn từ nhiều bộ, ngành, thay vì riêng lẻ như trước đây. Năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ các chương trình và nỗ lực của Chính phủ về cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển DNTN.
Nhưng về dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục duy trì được động lực cải cách, kiên định cải cách đã đề ra với nỗ lực lớn hơn và quyết tâm cao hơn, mở rộng cải cách thể chế theo chiều sâu để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông. 
Những ảnh hưởng từ biến động bên ngoài về cơ bản đã được Chính phủ tính đến, chuẩn bị các kịch bản, trong đó yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô được đưa lên hàng đầu nhằm tạo điều kiện cho cải cách, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Các tin khác