Kiến nghị sửa quy định quản lý, kinh doanh rượu

(ĐTTCO)-Việc cho phép bán rượu trên Internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm...
Kiến nghị sửa quy định quản lý, kinh doanh rượu

Chiều 22/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì đã làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho các doanh nghiệp.

Vướng mắc nhiều nhất được đề cập tại buổi làm việc liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là các quy định về quản lý, kinh doanh rượu.

Đề nghị bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet

Kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên Internet tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu và Điều 20 của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ý kiến từ Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho thấy việc cho phép bán rượu trên Internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp, tăng thu ngân sách.

Mặt khác, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ cũng như ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore... đều cho phép bán rượu trên Internet.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết ý kiến của Hiệp hội trùng với ý kiến của Eurocham, nếu cho phép bán trên Internet thì dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên mạng điện tử đang rất khó khăn. Kiểm soát thương mại điện tử đang còn bất cập cả về văn bản pháp quy và chế tài.

“Nếu trường hợp Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia mà bỏ điều khoản này trong dự thảo thì sẽ sửa Nghị định 105. Chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục xây dựng chương trình kiểm soát bán rượu trên internet để kiểm soát được thực sự,” ông An nói và cho rằng tên người bán, tuổi của người mua đều là ảo, không có gì chứng minh người/tổ chức đăng ký trên mạng là thật, đó là bất cập và cần có chính sách kiểm soát.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến thông qua. Hiện Quốc hội đang xem xét nội dung này. Tổ công tác ghi nhận ý kiến của Hiệp hội. “Chúng tôi sẽ tham gia theo hướng làm sao thuận lợi nhưng vẫn quản lý được, không đặt vấn đề không quản lý được thì cấm,” ông nói.

Giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với các cơ sở lưu trú du lịch là không cần thiết

Một kiến nghị khác được Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đưa ra, đó là xem xét bãi bỏ yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch) đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi có kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ ở các địa điểm thuộc cơ sở lưu trú du lịch.

Theo lý giải của Hiệp hội, Luật Du lịch 2005 có quy định “loại cơ sở lưu trú du lịch quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 62 của Luật này đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ, nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.” Vì vậy, các địa điểm kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ thuộc các cơ sở lưu trú này không phải xin giấy phép kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ.

Tuy nhiên, Luật Du lịch 2017 đã không đề cập đến vấn đề này. Theo yêu cầu tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu thì các nhà hàng có kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ, thuộc trường hợp trên vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ.

Tán thành quan điểm những gì không cần thiết thì phải sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Nghị định 105 sẽ phải sửa đổi nếu Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, ông lý giải rằng mục đích của giấy phép chủ yếu là để kiểm soát nguồn gốc rượu.

Các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao phải cam kết không đưa vào hệ thống của họ rượu không đảm bảo tiêu chuẩn. “Không chỉ riêng giấy phép này mà các giấy phép khác của Nghị định 105 sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, có hiệu lực, chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế rà soát lại, kể cả kinh doanh, sản xuất rượu công nghiệp, sẽ xem lại hết,” ông An nói.

Truy đến cùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi “rà lại theo hướng nào”?

Giải đáp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng với quy định này, cơ sở lưu trú chỉ thông báo hợp đồng ký kết với các cơ sở kinh doanh rượu hoặc nguồn gốc rượu. Nhưng quan trọng là họ phải cam kết chỉ bán những loại rượu trong hợp đồng và cơ sở rượu có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Việc có phải làm giấy phép hay không sẽ phải xem lại, “không lạm dụng từ giấy phép. Tôi nghĩ trong hồ sơ phải có cam kết là rượu có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đó là điều quan trọng số 1, hợp đồng cung ứng rượu chỉ là một phần của các cam kết.”

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, xếp sao là đã được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật. Quy định vẫn phải có giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ, nghĩa là cơ sở này phải đi xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy phép này, hay nói cách khác, phải đến Sở Công Thương của địa phương xin giấy phép.

Bộ trưởng nêu: “Doanh nghiệp đặt vấn đề, với cơ sở như thế, thay vì xin giấy phép thì chỉ việc thông báo với cơ quan nhà nước là được bán rượu, còn quản lý nguồn gốc rượu thuộc quy định khác điều chỉnh.”

Đáp lại, Thứ trưởng An nói đánh giá xếp hạng sao liên quan đến chất lượng dịch vụ, còn kiểm soát hàng hóa tiêu thụ, trong đó có mặt hàng rượu là vấn đề khác. “Vấn đề là có dùng từ giấy phép hay không thì xem lại, làm thế nào để hàng hóa họ sử dụng trong cơ sở lưu trú đảm bảo chuẩn, chúng ta phải có cách quản lý. Cam kết của cơ sở đó rất quan trọng.” Ông cũng khẳng định, bán rượu mang lại lợi nhuận tương đối lớn.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, việc quản lý không thể buông lỏng, nhưng phải tiếp cận theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bởi cho dù có quy định xin phép, làm thủ tục hồ sơ nhưng họ vẫn có thể làm trái. Thay vì phải xin giấy phép, cơ sở lưu trú có hợp đồng kinh doanh rượu và thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, lật lại vấn đề, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn “ở giác độ khách quan, tôi không đồng ý. Thay vì thủ tục giấy phép, tức là sinh ra các thủ tục không cần thiết, anh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Doanh nghiệp phải thông báo thay vì phải xin... Quy định có cả rồi, phải xin gì nữa.”

Vấn đề đặt ra là có quản lý được không chứ không phải có giấy phép hay không? Cần xem lại một năm đã kiểm tra bao nhiêu cơ sở lưu trú, phạt bao nhiêu doanh nghiệp liên quan đến bán rượu không có giấy phép? Làm sao để vẫn kiểm tra, kiểm soát được, nhưng giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, nên tiếp cận theo cách xử lý thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Luật không quy định cơ sở lưu trú phải có giấy phép kinh doanh rượu, Nghị định quy định như vậy là không cần thiết, chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hợp đồng chứng minh nguồn gốc, chất lượng rượu, cam kết thực hiện đúng hạng sao đã được xếp. Như vậy mới cải cách thực chất, không phải không kiểm soát được mà chúng ta cấm, hoặc sinh ra các thủ tục.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, công tác hậu kiểm hiện chưa đầy đủ, đặc biệt là với những sản phẩm nhạy cảm như rượu, bia, thuốc lá, xử phạt chưa đến nơi, đến chốn. Trong trường hợp phát hiện cơ sở lưu trú bán rượu giả thì cấm bán rượu trong vòng một năm hoặc đưa chế tài mạnh hơn.

Các tin khác