Lỗ hổng lớn kinh tế phi chính thức

(ĐTTCO) - Kinh tế phi chính thức (KTPCT) từ lâu đã trở thành một bộ phận cấu thành hầu như không thể xóa bỏ trong các nền kinh tế trên thế giới. Sự hiện diện của KTPCT là phần tất yếu song hành cùng nền kinh tế chính thức, chịu sự tác động của các quy luật kinh tế và chính sách kinh tế - xã hội ở từng quốc gia. 

Thực tế KTPCT có những vai trò nhất định tạo việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, song về dài hạn sự hiện diện của nó có nhiều mặt trái, như làm thất thu nguồn ngân sách đáng kể cho Chính phủ, cạnh tranh không công bằng với khu vực kinh tế chính thức…

Những mặt trái nhưng vì sao vẫn tồn tại?
Trong những mặt trái của nền KTPCT, vấn đề thất thu thuế có vẻ khá nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu nhằm ước tính quy mô nền KTPCT ở Việt Nam và một số nước lân cận giai đoạn 1995-2015, quy mô KTPCT ở Việt Nam thay đổi theo từng thời điểm, bình quân tương đương 20% GDP chính thức (thấp nhất 15%, cao nhất lên đến gần 27% GDP) và có xu hướng tăng nhanh từ năm 2007.
 KTPCT không đồng nghĩa với bất hợp pháp. Nó là hoạt động kinh tế đang diễn ra trong nền kinh tế nhưng không được thống kê, theo dõi trong các hệ thống tài khoản quốc gia của chính phủ. 
Nghiên cứu cũng ước tính số thuế thất thoát bình quân 4,2% GDP, trong đó năm 2015 hơn 5% GDP, tương đương 9,8 tỷ USD. 
Thất thu thuế sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lực của Chính phủ để cung cấp phúc lợi cho người dân. Để bù đắp sự thiếu hụt này, Chính phủ phải tăng gánh nặng thuế lên khu vực chính thức.
Điều này làm cho môi trường thuế thêm kém minh bạch và thiếu công bằng. Khi năng lực quản lý thuế yếu kém sẽ khuyến khích các hành vi gian lận thuế và sự gia tăng của khu vực KTPCT.
Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu đáng chú ý về khu vực này, nhưng nhìn chung vẫn còn rất ít, đặc biệt việc đánh giá các tiềm năng thuế bị mất do nền KTPCT càng hạn chế hơn. Trong khi đó vai trò của những nghiên cứu về nền KTPCT không chỉ giúp Chính phủ nhận biết được quy mô, đặc điểm và tính chất hoạt động, mà còn thiết kế các chính sách kinh tế cũng như quản lý thuế phù hợp, là cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế tổng thể, đồng thời đưa ra một số chính sách cho việc quản lý thuế. 
Khi người lao động tham gia nền KTPCT càng gia tăng, tất nhiên thất thu thuế càng cao và tinh thần đóng thuế càng thấp. Đồng nghĩa làm gia tăng chi phí của lao động trong nền kinh tế chính thức, khuyến khích người lao động rút ra khỏi khu vực chính thức để tham gia vào khu vực phi chính thức nhằm giảm gánh nặng thuế.
Lỗ hổng lớn kinh tế phi chính thức ảnh 1 Các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nền KTPCT. 
Ngoài yếu tố gánh nặng thuế và các khoản đóng góp xã hội, sự phức tạp, không rõ ràng và minh bạch trong các quy định của pháp luật cũng khiến người lao động, doanh nghiệp và các tổ chức tìm đến khu vực KTPCT ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, một hệ thống chính sách rườm rà hay các quy định và thủ tục quan liêu, sẽ làm gia tăng các khoản chi phí giao dịch cho doanh nghiệp và người lao động trong nền kinh tế chính thức.
Và những khoản chi phí này thường được doanh nghiệp chuyển sang cho người lao động gánh chịu. Do đó, càng cho họ động cơ lớn để di chuyển sang khu vực phi chính thức.
Chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước cũng là yếu tố đưa đến sự phát triển của KTPCT. Bởi lẽ một nhà nước pháp quyền với tinh thần thượng tôn pháp luật - ở đó quyền tài sản được đảm bảo, khả năng thực thi hợp đồng cao, sẽ mang lại lợi ích, sự tin tưởng cho các chủ thể trong nền kinh tế, khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào thị trường chính thức.
Ngược lại, chất lượng thể chế thấp, nạn tham nhũng cao đi cùng với trách nhiệm giải trình và minh bạch kém, là động cơ để doanh nghiệp và cá nhân tham gia khu vực KTPCT - nơi được xem là an toàn và hiệu quả hơn so với khu vực chính thức. Sự phát triển của khu vực KTPCT được xem như thất bại của hệ thống thể chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiệu quả. 

Tác động tiêu cực và tích cực 
Liên quan đến việc trốn và tránh thuế, các hoạt động trong nền KTPCT thường khó theo dõi và không được thống kê, quản lý đầy đủ bởi các cơ quan nhà nước. Tiếng nói của người lao động và doanh nghiệp trong khu vực KTPCT ít khi được nhắc đến trong quá trình hoạch định chính sách, khiến các quyết định chính sách phần nào trở nên kém hiệu quả.
Chẳng hạn, các chính sách về thuế, thất nghiệp, an sinh xã hội… không đạt được kết quả như mong muốn, hoặc có thể dẫn đến những tổn thất phúc lợi xã hội, nhất là đối với những quốc gia có nền KTPCT lớn. 
 Chính thức hóa nền KTPCT sẽ đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngân sách, đồng thời giúp cải thiện tính công bằng, tăng năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 
Tương tự, chính sách tiền tệ cũng kém hiệu lực và hiệu quả, do một phần của nền kinh tế đã bị đặt ra ngoài lề của những thước đo, thí dụ cung tiền. Theo đó, chính sách tiền tệ bị yếu đi bởi các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi chính thức thường không giao dịch với hệ thống ngân hàng và thị trường vốn chính thức.
Hơn nữa, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi chính thức chủ yếu là hộ gia đình, kinh doanh cá thể với quy mô nhỏ lẻ, khó có khả năng huy động vốn từ thị trường chính thức, nên các hoạt động thường mang tính ngắn hạn, không có sự đầu tư lớn. 
Các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi chính thức cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, vốn và các nguồn lực cốt yếu khác. Do vậy, quy mô doanh nghiệp thường nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng các lao động phổ thông, kỹ năng thấp.
Cơ hội và động cơ để cải thiện năng suất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hay gia tăng quy mô rất thấp. Như vậy, với quy mô ngày càng lớn của nền KTPCT, dẫn tới nguy cơ kìm hãm sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn, làm suy giảm năng suất và khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. 
Tuy nhiên, đối với những quốc gia đang phát triển, nền KTPCT được xem là nơi tạo cơ hội làm việc và gia tăng thu nhập. Quá trình đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng ở một số quốc gia, đã khiến nền kinh tế chính thức không có khả năng hấp thụ hết lực lượng lao động, hoặc không tạo ra kịp các cơ hội việc làm mới.
Lúc này, khu vực phi chính thức đóng vai trò là kênh quan trọng để chuyển đổi việc làm từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần giải quyết số lao động dư thừa trong kinh tế nông thôn khi tốc độ công nghiệp hóa diễn ra ngày càng nhanh. 
Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống, buộc người lao động phải tìm kiếm công việc để có thu nhập và nền KTPCT thường là sự lựa chọn dễ dàng hơn. Điều này một phần do các hoạt động KTPCT nhìn chung thường không đòi hỏi cao về trình độ và kỹ năng người lao động, do đó dễ được đáp ứng bởi lao động dôi dư trong khu vực nông nghiệp chuyển sang.
Ngoài ra, các hoạt động trong nền KTPCT thường nằm ngoài sự chi phối, kiểm soát của hệ thống luật pháp và các cơ quan quản lý, nên các chi phí để gia nhập thị trường này thường rất thấp so với khu vực chính thức. Do vậy, đối với những lao động có trình độ thấp, thu nhập thấp và muốn tìm kiếm việc làm nhanh chóng, nền KTPCT giúp đạt được điều này.  
Bên cạnh đó, nền KTPCT có thể đóng vai trò như là “chất hấp thụ” trước những cú sốc kinh tế và chính trị của nền kinh tế chính thức. Khi nền kinh tế chính thức đối mặt với suy thoái và thất nghiệp, kéo theo tình trạng phá sản, cần có thời gian đủ dài để phục hồi. Lúc này nền KTPCT sẽ đóng vai trò như là bộ đệm giúp giảm thiểu các tác động từ nền kinh tế chính thức.
Ngoài ra, xét về dài hạn nền KTPCT có những tác động tiêu cực lên tổng thể nền kinh tế, nhưng trong ngắn hạn nó có những đóng góp tích cực. Nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 66% thu nhập từ nền KTPCT được chi tiêu ở nền kinh tế chính thức, do vậy nó có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế.
Hay 2/3 giá trị sản xuất gia tăng được tạo ra trong nền KTPCT đóng góp vào nền kinh tế chính thức. Nếu không có khu vực phi chính thức, nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, phân phối trong nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Các hộ gia đình, hay các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ sẽ mất đi một nguồn cung ứng thực phẩm, hàng hóa với giá thành rẻ và tiện lợi từ các gánh hàng rong và các chợ cóc trên vỉa hè. Xét ở khía cạnh này, rõ ràng nền KTPCT mang lại những tác động tích cực đến nền kinh tế chính thức. 

Các tin khác