Muốn tránh sốc, phải linh hoạt

(ĐTTCO) - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước sang một giai đoạn mới khi cuộc chiến tranh tiền tệ đang gần lằn ranh. Cuộc chiến này sẽ tiếp tục đi đến đâu, hệ quả của cuộc chiến này với kinh tế toàn cầu là điều không dễ dự báo. 
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI – người chủ trì hàng loạt các báo cáo về tiền tệ, kinh tế vĩ mô của SSI, nhận định:
 Trong bối cảnh áp lực từ nhiều phía, chính sách điều hành tỷ giá cũng như chính sách tiền tệ nói chung vẫn cần linh hoạt, tránh những cú sốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) như Australia, Ấn Độ, Nga, Chile... đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Các NHTW lớn như BOJ (Nhật Bản), BOE (Anh) và ECB (châu Âu) đều chủ trương kéo dài nới lỏng tiền tệ.
Dù đang có phần lấn lướt hơn, nhưng trong cuộc chiến kéo dài với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ cũng đã có những dấu hiệu thấm mệt khi chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua – PV) và tăng trưởng GDP liên tục giảm, lạm phát ngày càng rời xa mức mục tiêu 2%. Vì thế, việc FED giảm lãi suất là điều dễ hiểu. Tôi cho rằng mức giảm này là phù hợp tại thời điểm ra quyết định, có tính chất phòng bị khi các số liệu kinh tế Mỹ tốt, xấu đan xen.
PHÓNG VIÊN: - Ông bình luận thế nào khi giới chuyên gia lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên một cấp độ mới nghiêm trọng hơn? 
Ông NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH: - Tổng thống Mỹ đang tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc rất nhiều sau những vòng đàm phán mà Trung Quốc được cho là “lật kèo” vào phút chót. Tổng thống Donald Trump cũng phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang đến gần, nên cứng rắn với Trung Quốc đang tạo lợi thế để giành thêm sự ủng hộ của cử tri, những người tin vào đường lối “nước Mỹ là số 1”.
Ở phía bên kia, Trung Quốc đang có lợi thế về thời gian và họ sẽ tận dụng lợi thế này với hy vọng có thể thay đổi được cục diện bằng một kỳ bầu cử Mỹ. Do vậy, việc hạ giá NDT và tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ có tác dụng tức thì, trong khi việc tăng thuế của Mỹ theo dự định của Tổng thống Donald Trump phải chờ đến tháng 9.
Muốn tránh sốc, phải linh hoạt ảnh 1 Ảnh minh họa.
Như vậy, dự liệu từ trước về một kết cục khốc liệt trong quan hệ Mỹ - Trung, xuất phát từ chủ trương kiềm chế và ngăn chặn sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc. Điều bất ngờ là sự leo thang quá nhanh, chỉ trong vài ngày mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại đã đẩy lên cao và khó có thể đảo ngược.
Kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề từ thương chiến, nhưng bù lại họ còn nhiều công cụ tiền tệ, tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại nhất định nhưng Mỹ cũng có công cụ tiền tệ (FED giảm lãi suất) và quan trọng hơn là áp lực của Tổng thống Donald Trump sẽ mang về nhiều đơn hàng xuất khẩu, từ đó trung hòa được thiệt hại từ thương chiến.
Câu hỏi đặt ra khi cuộc chiến leo thang tác động tới kinh tế toàn cầu ra sao? Theo tôi ngoài những ảnh hưởng trực tiếp của hai bên trong thương chiến này, tình hình châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản,  Hàn Quốc… cũng đều tiềm ẩn rủi ro với tăng trưởng toàn cầu. Tuy vậy, lo ngại về suy thoái có phần hơi quá. Chúng ta sẽ thấy tăng trưởng chậm lại, nhưng khó rơi vào suy thoái nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của các nước.
- Liệu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể bị chuyển sang thành cuộc chiến tiền tệ không?
- Đồng NDT “vỡ” ngưỡng 7 vừa có thể là phản ứng tức thời của thị trường, vừa có thể là một chủ ý của NHTW Trung Quốc, tuy nhiên theo tôi yếu tố thị trường có vai trò lớn hơn. Thực tế NHTW Trung Quốc đã ra tay can thiệp nhằm neo tỷ giá trong một vài ngày gần đây. 
Nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ là chưa rõ ràng, dù Mỹ đã xếp Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ. Bản thân nội bộ Trung Quốc khó cho phép đồng NDT mất giá mạnh, bởi nếu làm vậy bất ổn xã hội Trung Quốc sẽ gia tăng. Đây là một điểm yếu của Trung Quốc so với Mỹ.
Trung Quốc có thặng dư thương mại và dự trữ ngoại tệ rất lớn kèm một hệ thống ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, nên hoàn toàn có đủ công cụ để ổn định tỷ giá. Ở bình diện quốc tế, Trung Quốc luôn muốn nâng vị thế của NDT, quốc tế hóa đồng tiền này nên NHTW Trung Quốc sẽ phải kiềm chế mức độ dao động của NDT.
- Việc giá vàng tăng mạnh kể từ tháng 5-2013 nói lên điều gì, thưa ông?
- Vàng vẫn luôn được coi là kênh trú ẩn an toàn. Giá vàng tăng vọt phản ảnh tâm lý lo sợ rủi ro đang gia tăng, đồng thời kỳ vọng về một thời kỳ nới lỏng tiền tệ với mức lãi suất thấp, thậm chí còn âm của các NHTW, từ đó sẽ giảm bớt chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vàng vì thế cũng hấp dẫn hơn.
- Với diễn biến của USD, NDT cũng như việc hạ lãi suất của Mỹ thì chính sách tiền tệ nói chung, tỷ giá của Việt Nam sẽ thế nào thời gian tới để thích ứng với tình hình hiện nay?
- Tôi nghĩ ngưỡng 7 của NDT/USD mang tính chất tâm lý nhiều hơn. Mức mất giá những ngày qua của NDT là khoảng 2,4% - chỉ tương đương mức mất giá của đợt tăng thuế 25% lên 200 tỷ USD vào tháng 5 và thấp hơn nhiều mức 7% trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Thời kỳ NDT mất giá 7%, VNĐ cũng chỉ mất giá 2,1%. Đến thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng vững vàng hơn, dòng vốn ngoại vẫn khá tích cực, tỷ giá VNĐ những ngày qua vẫn khá yên ả, mức tăng trong 7 ngày đầu tháng 8 chỉ là 0,22%.
Tuy nhiên, theo tôi trong bối cảnh áp lực từ nhiều phía, chính sách điều hành tỷ giá cũng như chính sách tiền tệ nói chung vẫn cần linh hoạt, tránh những cú sốc, cân đối giữa nhiều mục tiêu trong đó ưu tiên mục tiêu ổn định vĩ mô. Ngoài công cụ tiền tệ, các công cụ khác như thương mại, khuyến khích đầu tư… phải cùng nỗ lực góp sức để tạo sự ổn định cho cán cân tổng thể. Chỉ khi có được sự đồng bộ của nhiều công cụ, sự ổn định của tỷ giá cũng như của nền kinh tế mới thực sự vững chắc.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác