Nếu minh bạch BT có còn hấp dẫn nhà đầu tư?

(ĐTTCO) - Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), sớm hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định theo hướng sát với thực tiễn. 
Việc hàng loạt dự án BT đình trệ hơn 1 năm qua, nếu không tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng năm nay và các năm tiếp theo.

Nhiều dự án lớn “đóng băng”
Thực tế, việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT  đang quy định tại nhiều luật khác nhau, nên việc ban hành nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, chống thất thoát tài sản công không dễ dàng.
Chẳng hạn, quy định đầu tư theo hình thức BT đã có từ 10 năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị định 108/2009 về đầu tư theo BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành) và BT (xây dựng-chuyển giao).
Tiếp đó, các quy định này cũng được hoàn thiện thêm khi Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhưng dường như lỗ hổng dẫn tới thất thoát tài sản công trong BT chưa được khắc phục. Tháng 3-2018, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành dừng thực hiện dự án BT, chờ ban hành nghị định riêng cho hoạt động đầu tư này.
Kể từ thời điểm các bộ, ngành, địa phương dừng thực hiện dự án BT đến nay đã hơn 1 năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa thể hoàn tất dự thảo nghị định trên. Tại TPHCM có thể kể tới 2 siêu dự án BT với quy mô vốn đầu tư nhiều tỷ USD không thể triển khai.
Đó là dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426ha, được quy hoạch xây dựng thành khu đô thị với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở 41.000-50.000 người. Tổng mức đầu tư dự án ước tính 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2032.
Nếu minh bạch BT có còn hấp dẫn nhà đầu tư? ảnh 1 Khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, một dự án khu đô thị mới "treo" từ năm 1992 đến nay.
Nếu không có BT sẽ khó thực hiện, nhưng nếu minh bạch trong BT liệu có còn hấp dẫn nhà đầu tư. 
Tương tự, dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn cũng đang nằm chờ nghị định. Dự án do Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện, có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng, xây dựng tuyến đại lộ dọc sông Sài Gòn có chiều dài 63km, trong đó có 9,5km chạy trong khu vực nội đô 4 làn xe, đoạn tuyến 54km chạy ngoài khu vực nội đô 6 làn xe. Đổi lại việc xây dựng tuyến đường, Tuần Châu đề xuất TP đối ứng quỹ đất khoảng 12.400ha.
Tại Hà Nội có tới 22 dự án BT được đề xuất đầu tư từ cuối năm 2017 buộc phải dừng triển khai. Đó là dự án khép kín đường vành đai 2,5 có tổng mức đầu tư 4.681 tỷ đồng; dự án khép kín đường vành đai 3,5 có tổng mức đầu tư 25.949 tỷ đồng; dự án khép kín vành đai 4 có tổng mức đầu tư 35.990 tỷ đồng; các dự án đường trục hướng tâm Ba La - Xuân Mai tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng; các dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, tổng mức đầu tư dự kiến 38.000 tỷ đồng.
Để thực hiện các dự án BT nhiều ngàn tỷ đồng này, TP Hà Nội dự kiến sẽ dành hàng ngàn ha đất tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, quỹ đất 2 bên sông Hồng, đất tại các huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh… để đổi cho nhà đầu tư. 
Cũng do chưa có cơ chế, TP Hà Nội không thể thực hiện đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc theo hình thức đầu tư BT. Tổng mức đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị khoảng 137.558 tỷ đồng, Hà Nội dự kiến huy động 95.928 tỷ đồng vốn tư nhân, phần vốn còn lại sẽ huy động từ nguồn ngân sách TP.

Bảo đảm lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bảo đảm mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia dự án BT. Cụ thể, nhà đầu tư bỏ tiền làm dự án BT trước, sau đó Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng khu đất, bán đấu giá quyền sử dụng đất, lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Cách làm này được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để tình trạng chênh lệch giá đất từ hình thức giao đất chỉ định không qua đấu giá.
Nguyên tắc đổi đất lấy hạ tầng giữa Nhà nước và tư nhân được khẳng định đổi ngang giá. Nhưng như vậy liệu các dự án đầu tư BT còn hấp dẫn tư nhân? 
Một nhà đầu tư từng thực hiện dự án BT tại Hà Nội cho rằng, tư nhân sẽ không bỏ tiền túi làm công trình BT, sau đó ngồi chờ Nhà nước bán đấu giá đất để thanh toán tiền cho mình. Với cách làm này tư nhân sẽ chọn đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thu về tiền tươi, chứ không làm dự án BT.
Cần phải nhìn nhận trong đầu tư BT những năm qua, hầu hết khu đất đổi lấy hạ tầng đều tăng giá trị gấp nhiều lần sau khi thực hiện dự án BT. Đây cũng chính là sức hút của dự án BT với nhà đầu tư tư nhân.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, cơ quan nhà nước đã định giá không sát giá trị quỹ đất đổi cho nhà đầu tư. Thứ hai, giá trị quỹ đất tăng nhanh chóng nhờ chuyển đổi quyền sở hữu đất các loại sang đất ở, kết hợp với sự hoàn thiện hạ tầng đường sá khu đất sau khi thực hiện công trình BT. 
Như vậy khi đấu giá công khai quyền sử dụng đất sẽ khắc phục tối đa việc định giá đất không sát giá trị quỹ đất. Với trường hợp còn lại, để Nhà nước không thua thiệt và nhà đầu tư được hưởng lợi, các công trình BT buộc phải gắn liền với quỹ đất đổi cho nhà đầu tư. Như vậy nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các công trình BT mình bỏ vốn xây dựng. 
Tuy nhiên, không có một phương thức đầu tư hoàn hảo, và đầu tư theo phương thức BT cũng vậy. BT làm giảm áp lực ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhưng cũng có những rủi ro khi cơ quan nhà nước tính toán không sát giá trị tương lai của quỹ đất. Thực tế với hình thức đầu tư này, cơ quan quản lý nhà nước rất khó tính toán đúng giá trị tương lai các quỹ đất khi đổi hạ tầng. Bởi giá trị tương lai của quỹ đất một phần phụ thuộc vào ý tưởng đầu tư của chính các nhà đầu tư tư nhân. 
Chính vì vậy, cần cân nhắc lợi ích đáng được hưởng của cả 2 bên khi thực hiện các dự án BT. Chỉ như vậy khu vực tư nhân mới thực sự quan tâm tới các dự án BT và Nhà nước cũng đạt được mục tiêu cuối cùng là xã hội hóa đầu tư hạ tầng. 
 Hình thức đầu tư BT theo nguyên tắc ngang giá dựa trên đấu thầu các công trình hạ tầng, đấu giá khu đất đổi cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện công trình hạ tầng, kỳ vọng sẽ hạn chế thất thoát tài sản đất đai khi thực hiện các dự án BT. Nhưng chừng đó chưa đủ nếu lợi ích được hưởng của Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân không được thỏa mãn.

Các tin khác