Ngày 7.8 sẽ chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2018

(ĐTTCO)-Ngày 28.7, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai để quyết định phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
 
Người lao động là đối tượng chịu tác động của lương tối thiểu
Người lao động là đối tượng chịu tác động của lương tối thiểu
Trước phiên họp, phía đại diện cho người lao động và Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN luôn bảo vệ phương án tăng lương tối thiểu từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017. Tuy nhiên, tại phiên họp này, TLĐLĐ VN 2 lần giảm mức tăng lương tối thiểu, từ 13,3% xuống 10% và sau là xuống mức 8%.
Cũng vào trước phiên họp, đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) lại đưa ra 2 phương án hoặc không tăng hoặc tăng dưới 5%, thì tại phiên họp đã đồng ý chỉ nhích lên ở mức 5%. Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay các chuyên gia đánh giá mức lương hiện tại chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ nhưng trên thế giới chưa có nước nào lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
“Nếu tăng lương tối thiểu quá cao thì doanh nghiệp sẽ phải tính tới cơ cấu lại hoạt động sản xuất, khi đó, một bộ phận lao động không có việc sẽ trở thành thất nghiệp. Chưa kể, việc tăng lương tối thiểu còn dẫn tới tăng giá các mặt hàng dịch vụ và gián tiếp tác động tới cả nhóm lao động khu vực phi chính thức.
Về cơ bản, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã khởi sắc đôi chút nhưng đối với những doanh nghiệp như dệt may, da giày, thủy hải sản, điện tử, những ngành thâm dụng lao động, sẽ chịu tác động lớn của lương tối thiểu”, ông Phòng nói.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ VN, lại cho rằng mức tăng 5% mà VCCI đưa ra coi như không tăng vì chỉ đủ bù trượt giá. TLĐLĐ VN sẽ không chấp nhận mức tăng thấp hơn năm 2017 là 7,3%.
Tại phiên họp lần 2, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất 8% theo các phương án sau: Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).
Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu từ 160.000 - 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%). Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu từ 180.000 - 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP). Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu từ 220.000 - 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8%).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết phương án tăng lương của các bên vẫn còn khoảng cách, nên Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định dừng phiên họp. Hội đồng vẫn cần một phiên đàm phán nữa diễn ra ngày 7.8 để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2018. Nếu hai bên thống nhất được phương án đưa ra bỏ phiếu và tỷ lệ ủng hộ quá bán thì đó là phương án cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Các tin khác