Phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp không có “sinh nhật lần 2”

(ĐTTCO)-Ngày 12-7, trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu (ĐB) đã đặt nhiều câu hỏi “nóng” bỏng nhưng Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý nội dung trả lời chưa trực diện, giải pháp chưa đủ mạnh và nhắc nhở về tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước. 
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: việt Dũng
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: việt Dũng
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tránh “chết non”
ĐB Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) dẫn thống kê cho thấy, nhiều công ty khởi nghiệp không có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2. ĐB Thanh trăn trở, giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua thử thách khởi nghiệp, đóng góp nhất định phát triển kinh tế - xã hội?
“Việc DN đổi mới sáng tạo thất bại là bình thường, các nước trên thế giới cũng vậy”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng đáp lại. Để hỗ trợ DN, TP thông qua các chương trình hỗ trợ về khởi nghiệp, về đổi mới sáng tạo; có “giáo trình” 24 bước về đổi mới sáng tạo giúp các nhóm khởi nghiệp có thể lường trước được các bước đi, trong đó gồm cả khó khăn.
ĐB Cao Thanh Bình (quận 9) hỏi: Giải pháp nào khắc phục tình trạng phối hợp chưa hiệu quả giữa DN và nhà khoa học? Ông Nguyễn Việt Dũng thừa nhận: “Việc kết nối giữa viện, trường và DN là vấn đề nhức nhối”.
Sở dĩ mối quan hệ các bên chưa hiệu quả, theo Giám đốc Sở KH-CN, điều quan trọng nhất là văn hóa. Một trong các yếu tố đánh giá được sự thành công trong đổi mới sáng tạo là hợp tác và chia sẻ nhưng văn hóa của chúng ta còn thiếu điều này. Sự hợp tác, chia sẻ giữa các bên là rất yếu.
Trong lĩnh vực KH-CN, vấn đề cử tri và ĐB đau đáu nhất là trong thời gian qua ở TPHCM có bao nhiêu đề tài nghiên cứu được ứng dụng mang lại hiệu quả? TPHCM đang đối diện với nhiều vấn đề lớn về kẹt xe, ngập nước, rác thải… vậy KH-CN góp phần giải quyết ra sao? DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có bao nhiêu hợp đồng chuyển giao công nghệ có ý nghĩa thực tiễn cho TPHCM? Đây là các vấn đề lần lượt được ĐB Lê Minh Đức (quận Thủ Đức), Nguyễn Thị Thanh Thúy (huyện Hóc Môn), Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) chất vấn.
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho hay, giai đoạn 2016-2018 có trên 300 đề tài nghiên cứu được nghiệm thu với gần 90% đề tài đã chuyển giao, ứng dụng hiệu quả. Trong đó, nhiều nghiên cứu chuyển giao ngay lập tức cho DN và sản xuất, bán đại trà ra thị thường, được đón nhận.
Về áp dụng KH-CN cho 7 chương trình đột phá của TP, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, ai cũng mong muốn có đề tài sớm giải quyết ngay kẹt xe. Nhưng đó là mong muốn chứ không thể giải quyết một ngày một bữa được.
Ngành KH-CN TPHCM dành 20% kinh phí để hỗ trợ các đề tài nghiên cứu thực hiện 7 chương trình đột phá, trong đó có kẹt xe, ngập nước; đã có đề tài hỗ trợ giải quyết từng khía cạnh. Giám đốc Sở KH-CN cũng phân tích, quy mô kinh tế của TPHCM khoảng 1 triệu tỷ đồng nhưng tiền dành cho nghiên cứu khoa học cộng tất cả các đơn vị chỉ trên dưới 200 tỷ đồng/năm. 
Về sự chuyển giao công nghệ của DN FDI, ông Nguyễn Việt Dũng không trả lời rõ câu hỏi của ĐB, chỉ góp ý khi thu hút FDI, trong hợp đồng cần ràng buộc chặt chẽ lộ trình nội địa hóa kèm điều kiện rõ nếu không đạt thì phạt nặng. Trước chất vấn về “làn sóng các nhà khoa học ở TPHCM chuyển đề tài về các tỉnh, phải chăng thủ tục, kinh phí nghiên cứu hay sự trân trọng ở những nơi khác tốt hơn TPHCM” của ĐB Phan Thị Hồng Vân, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng đó là chuyện bình thường, sự tự do của các nhà khoa học (!).
Với nội dung trả lời này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở Giám đốc Sở KH-CN rằng nhiều câu trả lời chưa trực diện, giải pháp chưa đủ mạnh. Đồng thời, yêu cầu Sở KH-CN cần lưu ý kết nối các đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn TP; chủ động hơn trong việc tham mưu, đầu tư phát triển KH-CN giải quyết những bức xúc của xã hội. “KH-CN phải là nòng cốt cho sự phát triển của TP, cho việc xây dựng TP thông minh”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
“Giảm nghèo bền vững” chưa hoàn toàn bền vững
Trong phần chất vấn Giám đốc Sở LĐTB-XH, các ĐB tập trung về vấn đề giảm nghèo bền vững, chính sách có công và đào tạo nhân lực. ĐB Nguyễn Mạnh Trí (quận Tân Phú) hỏi: “Chương trình giảm nghèo bền vững của TP đã đạt được tính bền vững chưa? Làm sao cho nội lực của các hộ nghèo được nâng lên, tránh tái nghèo hoặc cứ trông chờ vào chính sách, không muốn thoát nghèo?”.
Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn nhìn nhận, chương trình giảm nghèo ở TP chưa thật sự hoàn toàn bền vững. Hiện nay, chính sách giảm nghèo ở TP đã thay đổi từ trợ cấp sang hỗ trợ, để thúc đẩy ý chí tự vươn lên của người nghèo, hộ nghèo.
Ông Lê Minh Tấn cũng cho biết, TPHCM còn hơn 21.000 hộ nghèo (chiếm 1% tổng hộ dân). Dự kiến cuối năm 2018, tỷ lệ này kéo xuống dưới 0,5% và TPHCM sẽ kết thúc chương trình giảm nghèo bền vững (2016-2020) trước thời hạn 2 năm. Giai đoạn mới, TPHCM dự kiến nâng chuẩn nghèo từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm. Trong việc giảm nghèo đa chiều, 3 chiều nghèo khó giảm nhất là: dạy nghề, bảo hiểm xã hội và nhà ở.
Giám đốc Sở LĐTB-XH cũng cảnh báo về tình trạng tái nghèo: “Khi TPHCM nâng chuẩn nghèo lên, nhiều hộ ra khỏi diện nghèo rồi sẽ lại… vô diện hộ nghèo tiếp! Nhiều hộ cận nghèo cũng trở lại diện nghèo”. 
Với 550 hộ nghèo đặc biệt - thuộc diện già yếu, neo đơn, không có nguồn lực để tự vươn lên thoát nghèo, ông Lê Minh Tấn cho hay, TPHCM cố gắng có chính sách an sinh xã hội chăm lo cho các hộ và rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.
Về chính sách có công mà các ĐB chất vấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH phản hồi, TPHCM đang có 271.000 người đang hưởng chính sách có công. Liên quan đến tồn đọng hồ sơ, cả TPHCM còn 6 trường hợp liệt sĩ đang giải quyết, sắp xong; tồn đọng lớn là 251 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, giờ đây chỉ có bản tự khai, không có giấy tờ gốc, nhân chứng hay căn cứ nào để giải quyết chính sách.
“Sở sẽ cử cán bộ trực tiếp gặp gỡ người dân để giải quyết hồ sơ, chính sách, xem xét giải quyết bằng cả tấm lòng và trách nhiệm để không bỏ sót trường hợp nào. Việc để người dân khắc khoải chờ mãi là không được”, ông Lê Minh Tấn cam kết.

Các tin khác