Phải duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài

(ĐTTCO)- Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, những điểm cần tập trung để nền kinh tế duy trì tăng trưởng bền vững.
    Phải duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài

    Thưa Bộ trưởng, năm 2018, chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Điểm sáng lớn nhất đó là tăng trưởng kinh tế được đạt 7%, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bức tranh kinh tế trong năm qua là rất tích cực, tiếp nối được đà tăng trưởng cao của năm 2017. Tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm trước là một điều đáng mừng.

    Tăng trưởng toàn diện đạt được ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,76%, là mức kỷ lục của khu vực này trong nhiều năm qua; xuất siêu đạt mức chưa từng thấy (7,2 tỷ USD), giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng (đạt trên 19 tỷ USD)...

    Như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao là do chính nỗ lực của chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì đà tăng trưởng cao trong thời gian dài, do quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Có vậy mới thu hẹp được khoảng cách phát triển.

    Với mức tăng trưởng 7,08% năm nay, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu bình quân 6,5% của cả giai đoạn 5 năm 2016-2020.

    Tuy thành công nhưng chúng ta vẫn cần đề phòng nguy cơ rủi ro của năm 2019. Với độ mở lớn như hiện nay, nền kinh tế nước ta sẽ chịu tác động rất lớn từ yếu tố bên ngoài. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 ở mức khiêm tốn, thậm chí chậm lại. Tôi cho rằng, yếu tố thận trọng và chắc chắn, không quá lạc quan là rất cần thiết đối với mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

    Với những thành tựu đạt được năm 2018, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%. Vậy để đạt mục tiêu đề ra, chúng ta cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, "bứt phá", “kết nối” và “chia sẻ” là những "từ khóa" của năm 2019. Trước hết là “bứt phá”, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh và Nghị quyết 01 đã nêu phương châm của năm nay. Phát huy kết quả đạt được của năm 2018, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” với các trọng tâm chỉ đạo điều hành.

    Với sức khỏe nội tại của nền kinh tế, tiềm lực trong nước được củng cố là nền tảng vững chắc để nền kinh tế bứt phá trong năm 2019. Bứt phá trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng để tăng tốc trong giai đoạn nước rút, về đích kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.  Bứt phá năm 2019 còn để tạo nền tảng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, hướng tới mục tiêu thịnh vượng.

    Ngày nay với sự phát triển của internet, của cách mạng công nghệ 4.0 và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ… thì nhiều loại hình kinh doanh mới, các loại hình kinh tế chia sẻ, kinh tế kết nối cũng xuất hiện.

    Vì thế, tất cả những gì chúng ta nói đến đều phải có sự kết nối và chia sẻ. Không ai có thể tự đi một mình trong cuộc chơi ngày nay. Chúng ta đều biết câu nói “muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, chúng ta hãy đi cùng nhau” và như vậy, rất cần sự chia sẻ và kết nối để chúng ta mạnh hơn, đi được xa hơn.

     Năm 2019, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp cho cả giai đoạn sắp tới.

    Đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất hơn, hiệu quả hơn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Những năm qua, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản với khu vực tư nhân cần phải được tháo gỡ, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN trong tiếp cận nguồn lực, để có cuộc chơi công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường; để khu vực tư nhân thực sự trở thành một động lực của nền kinh tế. 

    Một điểm cần tập trung nữa đó là đổi mới về khoa học công nghệ. Chúng ta đã xác định đây là nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế, nhưng cần có quyết sách, hành động mạnh mẽ, nhanh chóng và cụ thể hơn để ứng dụng vào phát triển kinh tế. 

    Một nhiệm vụ nữa cần chú trọng là chuẩn bị tốt cho hội nhập. Sau khi chúng ta phê chuẩn Hiệp định CPTPP, phải chuẩn bị tốt năng lực của nền kinh tế, của DN để tận dụng các cơ hội, nếu không sẽ thua thiệt ngay trong quá trình này.

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo. Ông kỳ vọng như thế nào về tác động mang lại từ Nghị quyết này với cộng đồng doanh nghiệp?

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Triển khai Nghị quyết 139 là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động cải cách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

    Nghị quyết 139 nêu ra một loạt các giải pháp chính sách để cắt giảm chi phí tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp và các chi phí không chính thức phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về kinh doanh. Các giải pháp này bổ sung cho các giải pháp Chính phủ đã ban hành trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và nhiều văn bản pháp luật, chính sách khác.

    Nghị quyết này cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp dễ tuân thủ pháp luật hơn, đồng thời giảm thiểu các cơ hội nhũng nhiễu, gây phiền toái và chi phí không đáng có cho doanh nghiệp.

    Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện Nghị quyết 139 sẽ giúp cắt giảm một phần đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí chính thức và phi chính thức, cả chi phí tiền bạc và thời gian của doanh nghiệp.

    Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng có cơ hội được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi phiền nhiễu, vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức thi hành pháp luật. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, tính cạnh tranh cao hơn.

    Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

    Các tin khác