Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX

Phát huy sức sáng tạo để đột phá

(ĐTTCO) - Sáng 10-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX đã khai mạc. 
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM…
Hỗ trợ người nước ngoài khởi nghiệp
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thông báo kinh tế TPHCM 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các hoạt động lôi kéo tụ tập đông người, có hành động chống phá, gây mất trật tự an toàn xã hội cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP. Cùng với đó, các vấn đề về quản lý đô thị như ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... vẫn là những vấn đề gây áp lực lớn, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo mức tăng trưởng GRDP đạt mức 8,3%-8,5% trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, TP sẽ nghiên cứu, hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường hoạt động ở nước ngoài. TP cũng có cơ chế, chính sách tiếp nhận các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào TP và cơ chế, chính sách chọn lọc hỗ trợ người nước ngoài khởi nghiệp sáng tạo tại TPHCM.
Phát huy sức sáng tạo để đột phá ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TP tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM. 
Góp ý thêm về giải pháp thu hút sáng tạo, đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng (quận 8) đề xuất TP cần thực hiện các giải pháp hun đúc, xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo. Việc này phải triển khai bằng các giải pháp cụ thể từ trong trường học theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, TP cũng phải có các giải pháp đột phá, sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp.
“Đối với doanh nghiệp, vốn lưu động mang tính chất sống còn quyết định đến hoạt động của họ”, ĐB Trần Quang Thắng phân tích và đề nghị TP nếu chưa thể hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ngay trong tháng cho doanh nghiệp như nhiều nước ở châu Á, thì cũng cần từng bước thực hiện. Trước hết, có thể thực hiện ở một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, thay vì hiện nay đến cuối năm mới hoàn thuế. Làm được điều này là tạo thuận lợi, góp phần làm gia tăng niềm tin và sức sống mới cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế TP.
ĐB Lê Thị Kim Hồng (quận Tân Bình) nhận xét thời gian qua chính quyền TP quan tâm, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất công, xây dựng. Tuy nhiên, công tác này trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. ĐB Hồng dẫn chứng ở phường 15 (quận Tân Bình) có một phần đất quốc phòng ngăn thành ki-ốt cho thuê kinh doanh khiến cử tri rất bức xúc. Tương tự, phường 12 (quận Tân Bình) cũng có một khu vực đất quốc phòng được xây dựng khu thương mại, chung cư quy mô, song về mặt phối hợp để quản lý xây dựng lại chưa tốt, việc xây dựng chưa đảm bảo đúng quy định.
Phát huy sức sáng tạo để đột phá ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng cử tri tại kỳ họp HĐND TPHCM.
Vì vậy, ĐB Hồng đề xuất TPHCM cần có kiến nghị Trung ương, cụ thể là Bộ Quốc phòng, phối hợp trong quản lý đất công nhằm khắc phục những bất cập đã nêu. Cũng liên quan về quản lý đất công, TP đã có chủ trương thu hồi một khu đất rộng hơn 9.000m2 trên địa bàn quận Tân Bình do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý không hiệu quả. ĐB Lê Thị Kim Hồng đề xuất UBND TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thu hồi khu đất này, để địa phương có quỹ đất xây trường học cho con em trên địa bàn có chỗ học tập.
26.000ha đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp, dịch vụ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi khai mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông báo một số nội dung của Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP vừa kết thúc. Trả lời câu hỏi “Vị trí của TPHCM, đóng góp của TPHCM với cả nước như thế nào”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trách nhiệm của TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước. Hơn 10 năm nay, hàng năm, kinh tế TPHCM đóng góp khoảng 22% vào kinh tế của cả nước. Đây là kết quả đáng tự hào đồng thời là nghĩa vụ rất lớn. Và 2,5 năm qua, TPHCM giữ được vị trí này, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ với cả nước. Tuy nhiên, 3 lĩnh vực là tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài có mức đóng góp vẫn thấp hơn mức đóng góp chung của kinh tế TPHCM với kinh tế cả nước.
Về 7 chương trình đột phá, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, các chương trình đã đạt được kết quả quan trọng nhưng chưa thể hài lòng. Đặc biệt, nhiều chương trình nếu không quyết liệt thay đổi cách làm, không thay đổi cách tiếp cận thì có nguy cơ không hoàn thành.
“Giải pháp sắp tới thế nào? Nguồn lực để phát triển TP là gì?”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề và đánh giá, TPHCM là trung tâm tài chính của cả nước, song doanh nghiệp lúc nào cũng thiếu vốn, TP thiếu ngân sách. Tuy nhiên, TPHCM có thế mạnh, có nguồn lực lâu dài và lớn nhất không phải là ngân sách mà chính là con người. Đó là 10 triệu người, trong đó có 5 triệu lao động, có truyền thống sáng tạo. Vì vậy, TP cần phát huy 5 triệu người lao động thành 5 triệu người sáng tạo. Sáng tạo không có khấu hao bình thường, càng sáng tạo, giá trị càng gia tăng. 
“Muốn đột phá phát triển TP, cần phát huy bằng được sức sáng tạo của con người”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đồng thời lưu ý trên tinh thần làm thế nào mỗi một đơn vị, chi bộ, đảng viên, cần thảo luận rõ ở đơn vị mình, những việc gì làm tốt thì tiếp tục, việc gì cần phải thay đổi thì phải dứt khoát thay đổi. Từ đó, mỗi đơn vị cần có danh mục việc gì không làm nữa, thay đổi bằng cách nào thì cán bộ công chức, nhà khoa học cung cấp giải pháp. MTTQ và Ban Thi đua - Khen thưởng TP cần hình thành một phong trào thi đua sáng tạo, để TP phát triển đột phá.
Giải pháp lớn thứ hai, là cần quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; đồng thời triển khai bổ sung chuyên đề về quy trình, cách thực hiện đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đảm bảo nhanh chóng. Cùng với đó là chuyên đề về việc tạo sự kết nối khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý về các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngân sách cho các dự án. Trong đó, ưu tiên các dự án sẽ kết thúc được vào năm 2020, 2021 để người dân được thụ hưởng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin về một nguồn lực lớn mà TP xem xét khai thác, là việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất phục vụ cho công nghiệp, dịch vụ. Việc chuyển đổi này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ước tính giá trị khi đấu giá 26.000ha này sẽ đem về cho TP khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

 Không lẽ nguyên bộ máy mà để dân “chịu chết”?
Chiều 10-7, trao đổi về tình trạng không chế tài được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư mà các ĐB phản ánh, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh cảm thán: “Không lẽ nguyên bộ máy mà để người dân chịu chết như thế!?”. Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, Sở Tư pháp sẽ trao đổi với các sở - ngành liên quan nghiên cứu và tính đến giải pháp đề nghị xử lý hình sự một số trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, không thể hình sự hóa các vấn đề kinh tế mà sẽ xem xét xử lý trước các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Biện pháp mạnh này nhằm răn đe doanh nghiệp cố tình vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Các tin khác