Startup Việt sàng lượng tìm chất

(ĐTTCO) - Cộng đồng startup Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có khoảng 3.000 startup. Thế nhưng đây cũng chính là thời điểm sàng lọc số lượng để tìm kiếm những startup thực sự chất lượng. 
Startup chất chưa nhiều
Trong một buổi giao lưu với các bạn trẻ khởi nghiệp tại TPHCM, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam, cho biết mỗi mùa Shark Tank thì ban tổ chức nhận được hàng ngàn hồ sơ của các startup. Sau khi sàng lọc còn lại khoảng 500 hồ sơ bước vào vòng thẩm định.
Và cuối cùng chỉ có 50 startup được chọn lên sóng truyền hình, gặp gỡ các “cá mập” để thuyết phục họ rót vốn cho “đứa con” của mình. Vì sao con số bị loại lại nhiều đến như vậy? Theo bà Hạnh, lý do chính bởi các bạn trẻ đang thiếu đi tính mới mẻ và đột phá trong các dự án của mình.
Có một câu chuyện thoạt nghe rất hài hước đó là sau Shark Tank mùa 1, mô hình khởi nghiệp nào được các “cá mập” rót vốn, đến mùa 2 phải có đến hàng chục hồ sơ làm y chang những mô hình ấy. Và thực trạng mùa 3 cũng đang tiếp tục như vậy. “Với cách nghĩ ấy các bạn trẻ rất khó bước đến thành công. Cùng giải quyết một nhu cầu nào đó trong xã hội nhưng cách làm phải mới mẻ, phải tốt hơn những người đi trước” - bà Hạnh nhấn mạnh. 
Startup Việt sàng lượng tìm chất ảnh 1 Ảnh minh họa.
Cho đến thời điểm này, ngoài Shark Tank còn có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp thu hút các bạn trẻ tham gia, trong đó có một cuộc thi cũng khá nổi tiếng mang thương hiệu của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) là Startup Wheel. Năm nay cuộc thi đã bước sang năm thứ 7 và mỗi năm thu hút trung bình khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký tham dự. Điều này cho thấy việc trùng lắp về ý tưởng là hoàn toàn bình thường, thế nhưng việc rập khuôn trong cách giải quyết ý tưởng lại là tối kỵ với các startup. 
Nếu như cách đây chừng 5 năm, khi khái niệm startup ở Việt Nam còn khá mới mẻ, vấn đề ý tưởng luôn được coi trọng và dễ trở nên hấp dẫn. Nhưng nay thực tế đã chứng minh ý tưởng vốn không phải là cái gì quá to tát, sự đột phá không nằm trong ý tưởng mà chính trong cách thức thực hiện ý tưởng đó của startup để giải quyết tốt nhất nhu cầu của xã hội. 
Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ khi đến với các diễn đàn, hội nghị về khởi nghiệp đặt câu hỏi, tôi có một ý tưởng nhưng chưa có vốn, kinh nghiệm để khởi nghiệp, có nên đi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho ý tưởng đó hay không. Rồi tôi có ý tưởng nhưng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, tìm đến tổ chức nào để có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình... Điều này cho thấy nhiều bạn trẻ đang thiếu sự tìm tòi nghiêm túc về khởi nghiệp. 
Nhà đầu tư phải “cân não”
Việc nở rộ các startup tại Việt Nam cũng như việc xuất hiện những startup tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Theo thống kê,  trong 3 năm trở lại đây vốn đầu tư cho các startup Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần so với năm 2016. Và ngay tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua đã có những cam kết rót vốn của các quỹ đầu tư rất đáng chú ý. 
Theo đó, quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định sẽ đầu tư cho startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II-2019. Quỹ VinaCapital sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc quỹ này dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Bộ Kế hoạch-Đầu tư và quỹ Golden Gate Ventures cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển startup và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã chia sẻ thông tin về quỹ mới nhất của EU, trị giá 3 tỷ eur dành cho các startup…
Đó quả thực là những tin vui cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Song như đã nói, các startup thực sự chất tại Việt Nam hiện chưa nhiều nên chính các nhà đầu tư cũng phải bước vào một cuộc chơi “cân não”. Ông Dzung Nguyễn, Giám đốc quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam-Thái Lan cho biết giá đầu tư hiện nay đang cao hơn mức bình thường. Mới đây quỹ của ông quyết định đầu tư vào một công ty khởi nghiệp nhưng ngay ngày hôm sau đã có một quỹ đầu tư khác đầu tư vào với mức cao hơn gấp 1,5 lần khiến ông Dzung Nguyễn phải cân nhắc lại có tiếp tục với thương vụ này hay không. 
Nhà đầu tư phải tính toán, nhưng chính các startup cũng phải hết sức thận trọng trong bối cảnh hiện nay. Nếu mình thực sự chất lượng sẽ có nhiều người muốn đầu tư, giá đầu tư cũng tốt hơn. Tuy vậy, một số nhà đầu tư lại đưa ra lời khuyên cho startup phải hết sức thận trọng chọn người đi đường dài cùng mình. Đừng chỉ nhìn vào túi tiền của nhà đầu tư mà hãy nhìn vào hệ sinh thái của quỹ, nhà đầu tư ấy có thực sự hỗ trợ được startup của mình hay không. 
Ngay tại thị trường Việt Nam, đã có những startup nhanh chóng gọi được vốn nhưng lại chóng vánh chia tay chính đứa con của mình. Rồi nhiều startup không phải chết vì không gọi được vốn ban đầu mà chết vì không thể gọi vốn cho những vòng tiếp theo để làm những bước phát triển nhảy vọt.  
 Khởi nghiệp đang được thúc đẩy nhưng nó thực sự không phải một phong trào để bất cứ ai có một ý tưởng nào đó cũng nghĩ đến việc khởi nghiệp. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp gặp thất bại. Dù mỗi cuộc thi thu hút hàng ngàn hồ sơ nhưng đến nay số lượng startup vượt qua “thung lũng tử thần”, thu hút được các nhà đầu tư, được người dùng biết tới vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Các tin khác