Tăng lương: Tăng 1 đồng, gánh nặng gấp đôi

(ĐTTCO)- Trong khi, nhiều DN còn chưa “xoay sở” để thực hiện đúng lộ trình tăng lương tối thiểu 2016 và BHXH mới bắt buộc thì Hội đồng tiền lương quốc gia đã đang chuẩn bị cho kỳ xét tăng lương mùa 2017. Điều này, đang khiến nhiều DN “đứng ngồi không yên”.

(ĐTTCO)- Trong khi, nhiều DN còn chưa “xoay sở” để thực hiện đúng lộ trình tăng lương tối thiểu 2016 và BHXH mới bắt buộc thì Hội đồng tiền lương quốc gia đã đang chuẩn bị cho kỳ xét tăng lương mùa 2017. Điều này, đang khiến nhiều DN “đứng ngồi không yên”.

 

Trong tháng 4 này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn và chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2018 lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Khó càng thêm khó

Số liệu thống kê của ngành thuế cho thấy, cả nước có 483 ngàn DN đang hoạt động trong đó 96% DN nhỏ và siêu nhỏ, 70% làm ăn không có lãi… vậy, DN lấy đâu ra nguồn để nâng cao đời sống cho người lao động, lấy đâu ra nguồn để tích lũy, để cạnh tranh với DN nước ngoài trong quá trình hội nhập?

Theo ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Hợp Lực, hiện nay để đáp ứng mức tăng 12,4% năm 2016, DN đã phải tiết giảm chi phí sản xuất ở mức tối đa, cố “gồng mình” trang trải tiền lương, BHXH và BHYT cho người lao động.

Mặt khác, theo ông Đệ, tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm trên lương ở VN đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. DN VN đang phải đóng 22%, trong khi Malaysia 13%, Philippines 10%, Indonesia 8% và Thái Lan 5%. Tính sơ bộ, cứ mỗi đồng lương tối thiểu vùng tăng, DN ông phải tăng chi phí nhân công ít nhất lên gấp đôi.

Khi được hỏi về quan điểm mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 bao nhiều phần trăm là hợp lý, ông Đệ dứt khoát khẳng định, Hội đồng tiền lương quốc gia chỉ nên dừng ở mức tăng từ 8-9%. Ông Đệ cũng nói thêm, nếu nhà nước áp mức tăng lương tối thiểu cao hơn (từ 10% trở lên) thì DN cũng sẽ tìm mọi biện pháp để “lách”. Và khi đó, DN trả lương cho lao động cao hơn một chút so với quy định hoặc tăng lương theo đúng lộ trình nhưng lại cắt giảm các khoản phúc lợi khác.

Do đó, nói là tăng lương, nhưng thực chất đời sống NLĐ không thay đổi. Giả sử, nhà nước quy định lương tối thiểu trong DN là 250.000 đồng. Ngay lập tức, DN áp mức 251 đồng để đối phó.

“Cái cần làm nhất hiện nay là tổ chức Công đoàn phải quan tâm hơn nữa đến NLĐ. Họ phải đứng ra bảo vệ lợi ích cho NLĐ trước giới chủ. Khi nào lực lượng Công đoàn chưa phải là một đối trọng với giới chủ, khi đó, các quy định về lương không có ý nghĩa” – ông Đệ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Nam Hải – Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần May Ha cũng cho rằng, mỗi biến đổi nhỏ của tiền lương cũng đều đưa DN tới chỗ khó không ở yếu tố này thì cũng ở khía cạnh khác. Cty cổ phần May Hai – một DN được xếp loại khá trong ngành dệt may có gần 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, so với mặt bằng chung thì mức lương mà công nhân Cty May Ha đang hưởng không thấp so với mức sống tối thiểu.

Ông Hải cũng tính toán, riêng ngành dệt may VN, với khoảng 2,5 triệu lao động, nếu lấy vùng 2 là vùng chuẩn để tính, khi tăng lương tối thiểu lên 300.000 đồng trong năm 2016 thì chi phí nhân công cả ngành sẽ tăng thêm trên 20.000 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận của DN.

Có lẽ, cái khó của hai DN kể trên đối với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Vì trên thực tế, DN có nhiều lao động… đều chung quan điểm: 2017 mức tăng lương chỉ nên dừng ở dưới 10% để DN tồn tại và phát triển.

Hai phương án để DN lựa chọn

Tuy vậy, DN muốn doanh thu ngày càng tăng, lợi nhuận ngày càng cao, thì người lao động cũng có ước mơ thu nhập ngày càng cao. Chính vì vậy, việc tăng lương là điều không thể tránh khỏi và mặc dù rất khó khăn, song DN buộc phải chấp nhận.

Theo chuyên gia kinh tế lao động TS Nguyễn Lê Minh, có hai phương án để DN lựa chọn trước áp lực tăng lương, đó là tăng giá thành sản phẩm hoặc tăng năng suất lao động. Với phương án thứ nhất, để đảm bảo lợi nhuận, trong khi chi phí sản xuất tăng giá, DN buộc phải tăng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời. Bởi tăng giá, DN phải chấp nhận việc giảm năng lực cạnh tranh. Xét trong dài hạn, điều này đồng nghĩa với việc lượng hàng hóa, doanh thu, lợi nhuận của DN sẽ giảm, thậm chí bị đào thải ra khỏi thị trường. Phương án thứ hai là tăng năng suất lao động. Mặc dù, phương án này có hiệu quả chậm hơn song đây là một phương án phát triển bền vững, nên được rất nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ.

Rõ ràng dù thế nào thì mức tăng tiền lương tối thiểu vùng 2017 cũng không được xa rời với mức tăng của năng suất lao động. Có như vậy, mới tạo ra được một nền kinh tế cân bằng và bền vững. Khi đó việc chăm lo cho người lao động đủ sống mới rở nên thiết thực.

Các tin khác