Tăng nhập hàng Mỹ, lợi cả đôi đường

(ĐTTCO)-Vì sao lâu nay hàng hóa Mỹ khó vào Việt Nam? Tại sao đến thời điểm này hàng hóa Mỹ lại chảy ào ạt vào Việt Nam? Lý giải cho điều này là cán cân thâm hụt thương mại Việt - Mỹ ngày càng chênh lệch lớn, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. 
Tăng nhập hàng Mỹ, lợi cả đôi đường
Và đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách dễ hiểu và dễ thực hiện là phải mua hàng hóa của Mỹ để cân bằng cán cân thương mại, nếu không sẽ bị đưa vào tranh chấp thương mại (TCTM).
Dữ liệu mới nhất về cán cân thương mại Việt-Mỹ cho thấy, Mỹ đang ngày càng thâm hụt thương mại đối với Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, khi TCTM giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác đang diễn ra, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.
Trong 7 tháng năm 2019, Mỹ xuất sang Việt Nam lượng hàng hóa giá trị khoảng 8,2 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu từ Việt Nam 33 tỷ USD, vì thế thâm hụt cán cân thương mại khoảng 24,8 tỷ USD. Đây là con số thâm hụt được cho gia tăng khá mạnh khi mang ra so sánh với tổng giá trị thâm hụt của cả năm 2018 là 39,4 tỷ USD.
Thương mại và đầu tư là những viên đá đặt nền móng cho quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.
Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Năm 2018, Mỹ xuất khẩu số hàng hóa trị giá gần 10 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với thập niên trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ gồm máy tính và đồ điện tử, bông, máy móc, trái cây, đậu nành và các loại hạt. 
Song từ đầu năm đến nay, hàng hóa Mỹ bắt đầu ồ ạt đổ vào Việt Nam, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm hàng gồm ô tô nguyên chiếc tăng 106%; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 95%. Đặc biệt, mặt hàng rau quả nhập từ Mỹ vào Việt Nam tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 116 triệu USD.
Mặt hàng thủy sản cũng tăng mạnh 67%, giá trị đạt gần 47 triệu USD. Nguyên nhân khiến nông, thủy sản… của Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh với giá rẻ hơn vì khó vào thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại, nên chảy sang những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, giá trị thật sự để cân bằng cán cân thương mại giữa 2 bên vẫn chưa đạt được. Theo ước tính kim ngạch thương mại 2 chiều Việt - Mỹ vào khoảng 60 tỷ USD hiện nay sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa cán cân thương mại Việt - Mỹ sẽ tiếp tục chênh lệch lớn nếu chúng ta cứ “giành” vị trí thặng dư thương mại, tức xuất vào Mỹ nhiều hơn nhập từ thị trường Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ rõ ràng mong muốn cân bằng cán cân thương mại của họ thông qua việc yêu cầu đối tác của mình tăng mua hàng hóa Mỹ. Điều đáng lo ngại hơn, bên cạnh sự thâm hụt đang gia tăng trong cán cân, Việt Nam thuộc diện có nguy cơ nằm trong tầm ngắm, khả năng ưu tiên sớm đưa lên bàn cân thương lượng của chính quyền Mỹ, bởi tính chất hàng Việt có nhiều quan hệ nhập nhằng với hàng hóa Trung Quốc.
Nếu cân nhắc việc tăng nhập khẩu như một giải pháp, nghĩa là lựa chọn giữ vững thị trường Mỹ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được những nguy cơ TCTM, điều cần phải xem xét đầu tiên là tình hình nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ hiện tại của Việt Nam.
Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong những năm qua cũng đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, coi phát triển thương mại với Việt Nam, cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại 2 chiều Việt - Mỹ là quá trình mang lại lợi ích lớn cho cả 2 bên, góp phần thực hiện cam kết của lãnh đạo 2 nước về cân bằng cán cân thương mại.
Đặc biệt, thời gian tới, hãng Boeing sẽ sản xuất ra những chiếc máy bay Boeing 787, 777, 737 theo đơn đặt hàng của các hãng hàng không Việt Nam. Gần đây nhất, hãng Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC của Việt Nam ký thỏa thuận mua 20 máy bay từ hãng Boeing với tổng trị giá 5,6 tỷ USD.
Boeing cũng tích cực tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ và nhìn thấy lợi ích trong quá trình đó. 

Các tin khác