Thận trọng “tô màu” bức tranh kinh tế 2018

(ĐTTCO) - Chiều 11-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II-2018.
Thận trọng “tô màu” bức tranh kinh tế 2018
Mặc dù cho rằng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, các chuyên gia tham dự hội thảo chia sẻ quan điểm thận trọng của nhóm tác giả báo cáo khi chỉ rõ nhiều nhược điểm cố hữu chưa được khắc phục của nền kinh tế.
Tăng trưởng 2018 có thể đạt 6,7%

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, kinh tế trong nước quý II chứng kiến mức tăng trưởng tích cực 6,79% - mức tăng GDP quý II cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, đây là mức tăng trên một nền so sánh thấp (quý II-2017), do đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc GDP tạo ra là lớn nhất trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, trong cùng kỳ, số DN tạm ngừng hoạt động cao bất thường trong khi số việc làm mới suy giảm. Lạm phát lại bật tăng trong quý II, đạt mức 4,67% vào cuối tháng 6, do sự gia tăng của giá thực phẩm và xăng dầu. Thương mại tăng trưởng chậm lại, chi thường xuyên tiếp tục ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chưa được cải thiện nhiều… Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 63,5 tỷ USD vào cuối quý II, ngang với mức khuyến nghị của IMF. Tuy nhiên, dao động mạnh của tỷ giá có thể khiến NHNN phải giảm dự trữ để can thiệp bình ổn thị trường…
Đáng lưu ý, thị trường căn hộ trong quý II suy giảm ở cả 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, cả về lượng mở bán mới và lượng bán ra. Cộng với rủi ro về khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng ảm đạm hơn nữa - bản báo cáo phân tích.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với nhận xét này. Ông nói: “Một vài khu vực có thể vỡ bong bóng bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong năm 2019. Chính vì thế, NHNN cần rất cẩn trọng trong chính sách tiền tệ”. Tỏ ra không thật tin tưởng vào tỷ lệ tín dụng cho bất động sản chỉ ở mức khoảng 7,5%, ông Hiếu cảnh báo: “Con số này thực chất phải khoảng 20%, vì nhiều khoản tín dụng cho bất động sản được khoác áo cho vay tiêu dùng”.

Mặc dù vậy, với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II, và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 được coi là khả thi. “Nhưng mức tăng trưởng GDP không phải là dấu hiệu cần và đủ cho thấy tình hình sức khoẻ tốt của nền kinh tế, đặc biệt khi các nhược điểm cố hữu vẫn còn đó, nhất là sự mong manh về tài khoá. Nói cách khác, chúng ta không có các khoản dự phòng làm “đệm” giảm sốc, trong khi kinh tế lại phụ thuộc đáng kể vào nhiều yếu tố bên ngoài” - TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Đánh giá toàn diện tình hình, nhóm nghiên cứu VEPR khuyến nghị: “Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu nhưng được xem không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu”.

Thay vào đó, các ý kiến này đề xuất cải cách các loại thuế tài sản, vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế, nên trước khi tăng thuế Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân.

Ứng phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Chỉ ra nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của VEPR cũng như các chuyên gia tham dự hội thảo đều nhắc đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc với sự quan ngại sâu sắc.

Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, trong thời gian tới, hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ hơn mặt bằng hiện nay (do đồng nhân dân tệ mất giá so với USD) có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn, gây khó cho hàng hoá sản xuất trong nước.
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Để đối phó với Mỹ, tôi nghĩ Chính phủ Trung Quốc đã chủ động phá giá đồng nhân dân tệ. Và không chỉ ở mức như hiện nay, họ vẫn còn room để tiếp tục thực hiện chính sách nhân dân tệ giá rẻ, như thế là bất lợi cho hàng hóa Việt Nam”.

Đồng tình với nhận định về mặt bằng tỷ giá, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VNĐ đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng nhân dân tệ so với USD. Cơ sở cho loại ý kiến này là do đặc thù của Việt Nam (vốn nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu), việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Từ đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng 2 thị trường lớn (Trung Quốc và Mỹ) để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Không nên biến đặc khu thành “thiên đường thuế”  
Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đang được Quốc hội xem xét, nhóm chuyên gia VEPR lo ngại rằng nếu các nhà đầu tư được dành quá nhiều ưu đãi thuế, các đặc khu rất dễ trở thành “thiên đường thuế” để các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện hành vi trốn tránh thuế, nhất là hoạt động chuyển giá.

Theo số liệu từ Oxfam, các nước đang phát triển hàng năm chịu thất thu ngân sách 170 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia gây ra. Con số này rất lớn trong bối cảnh thu ngân sách của các nước đang phát triển thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn.

Dẫn kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 85% nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định đầu tư dù không có các chính sách ưu đãi thuế, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị Luật Đặc khu không nên dành cho các doanh nghiệp quá nhiều ưu đãi, gây ra tình trạng dư thừa ưu đãi (redundancy) và thất thu ngân sách lớn. Đồng thời, việc đầu tư lớn vào các đặc khu bằng tiền ngân sách cũng là một quyết định cần cân nhắc trong tình trạng đầu tư trong nước còn đang bị thiếu hụt rất nhiều, có thể dẫn tới tình trạng gia tăng bất bình đẳng cho khu vực nội địa.

Các tin khác