Thế giới quan của các quyết định độc đoán

(ĐTTCO) - Trung Quốc (TQ) quyết định để cho nhân dân tệ (NDT) giảm dưới lằn ranh đỏ 7 chỉ là một lựa chọn chính trị.
 Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để TQ “vũ khí hóa” tiền tệ, họ chỉ đang kiểm soát để mọi thứ đi theo đúng hướng tính toán. Hiện nay giới phân tích quốc tế vẫn còn đang đặt câu hỏi: Mức sàn NDT sắp đến sẽ là bao nhiêu? Như vậy cũng có nghĩa NDT chưa ở mức rơi tự do như các cuộc khủng hoảng thường thấy. Đó thực sự là tin tốt duy nhất cho đến nay.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có những nghiên cứu cho thấy phá giá tiền tệ chỉ mang lại hiệu ứng ít ỏi, và cũng chỉ tồn tại chút ít trong ngắn hạn. Cũng theo IMF, hầu hết các hóa đơn nhập khẩu của TQ đều tính bằng USD. Việc phá giá tiền tệ, nếu có lợi cho xuất khẩu cũng bị triệt tiêu gần hết khi nhập khẩu.
Cách để TQ tồn tại qua cuộc chiến thương mại là triển khai các gói kích thích tài khóa và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, trong một cuộc vạn lý trường chinh kiểu mới (thông điệp mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra ngay sau phiên hòa đàm thương mại Mỹ-Trung thất bại vào tháng 5). Do vậy chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến cách tiếp cận này cho các đánh giá về các diễn biến xấu gần đây.
Để NDT vượt khỏi lằn ranh đỏ là một quyết định mang tính biểu tượng. Và để tương thích với một quyết định biểu tượng, Mỹ quy kết TQ là kẻ thao túng tiền tệ. Thật sự, nếu muốn quy cho TQ thao túng tiền tệ, Mỹ phải làm điều đó từ cách đây một thập niên, thời điểm mà họ sử dụng chiêu bài phá giá tiền tệ hỗ trợ xuất khẩu. Nhiều năm gần đây, các chuyên gia lại nhìn thấy TQ đã liên tục sử dụng nhiều công cụ và chiến thuật kiềm chế không để NDT mất giá quá mức. 
Dù gì NDT cũng là đồng tiền dự trữ quốc tế của một siêu cường số 2 thế giới, phải tuân theo những yếu tố cơ bản của một nền kinh tế mạnh, ít nhất đó cũng phải là một đồng tiền ổn định. Bây giờ, với việc tăng trưởng của TQ đang ở mức thấp nhất kể từ 3 thập niên, lại đang bị tổn thương đáng kể bởi chiến tranh thương mại, NDT mất giá cũng là điều không khó hiểu.
Trước khi để mọi việc trở nên xấu đi, TQ đã rất muốn để cho đồng tiền rớt giá tương thích với các quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối, khi mà xuất khẩu sang Mỹ yếu đi, cầu NDT sụt giảm và do đó mất giá so với USD. Nhưng nếu làm thế họ sẽ bị cho là kẻ gây chiến trước. Nay thời cơ vàng đã đến khi ông Trump chính là người khởi động trước cuộc chiến.
Có thể Mỹ đã dính phải bẫy khích tướng khi TQ liên tục sử dụng đủ mọi chiêu trò trong đàm phán thương mại, vốn là sở trường của họ trong mọi cuộc tranh chấp. IMF sau đó đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào hỗ trợ Mỹ về việc quy kết TQ liệu có thao túng tiền tệ hay không, xem ra TQ thực sự đã tiến hành “phá giá tiền tệ mềm” một cách êm ái.
Nếu nói theo ngôn ngữ xấu nhất là một cuộc chiến, các động thái Mỹ-Trung cho đến giờ cũng giống như 2 bên chỉ mới bắn chỉ thiên, hơn là sử dụng vũ khí hạt nhân (dùng mọi công cụ cho cuộc chiến tiền tệ). Một tuần lễ trôi qua tạm thời cho thấy nhận định này có cơ sở. NDT không yếu quá mức như mọi người nghĩ. Trump cũng chưa có cú tweet nào bùng nổ khiến cho tình hình thêm trầm trọng.
Tuy nhiên khi đề cập đến các diễn biến mới nhất, rất nhiều tờ báo quốc tế sử dụng đại từ “Trump-Tập” để nói lên ý chí cá nhân của các vị này trong các quyết định quan trọng: “Bất ngờ áp thuế là do Trump, để NDT vượt lằn ranh đỏ là do Tập”. 
Khi các quyết định đại sự chỉ dựa vào ý chí và trực giác cá nhân, xác suất phạm phải sai lầm sẽ ở mức cao nhất. Điều này khiến cho mọi phân tích dựa trên logic thường thấy đều không chính xác. Trong trường hợp này, một số dự báo đưa ra kịch bản NDT sẽ tiến đến mức con số 8 (8NDT đổi 1USD). Kịch bản xấu nhất này rất cần được các cơ quan quản lý đặt ở mức cảnh báo cao nhất. 

Các tin khác