Thiếu “đệm tài khóa” chống sốc nền kinh tế

(ĐTTCO) - Chi tiêu công của Việt Nam luôn ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ bù đắp buộc phải vay nợ, dẫn đến rủi ro cao về tài khóa trước những biến động từ bên ngoài. Song, để xây dựng “đệm tài khóa” chống sốc cho nền kinh tế lại không hề dễ dàng.

Rủi ro tài khóa, nền tảng bấp bênh
Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây, cho thấy mức thâm hụt ngân sách của năm 2018 của Việt Nam khoảng 191.500 tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với mức dự toán đã được Quốc hội phê duyệt hồi đầu năm (3,7%).
 Bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao, tỷ lệ thu ngân sách giảm và chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư công kém hiệu quả, đã trở thành tác nhân chính gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn kế tiếp. 
Trong khi đó tỷ lệ thu ngân sách giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 25,7% trong năm 2018. Bên cạnh đó, dù tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm trong 2 năm qua, xuống còn 58,4% trong năm 2018, nhưng chủ yếu do sự ách tắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Nếu nghĩa vụ trả nợ lãi ước tính 8%, thì cả nợ lãi và nợ gốc vẫn ở mức cao, khoảng 20% tổng thu ngân sách.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, các đại biểu đưa ra nhiều số liệu tính toán khác nhau về số tiền trả nợ trong giai đoạn 2019-2021, nhưng đều là con số lớn, lên tới hơn 20.000 tỷ đồng mỗi tháng. Theo ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.
Trong khi đó, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc 20.000-40.000 tỷ đồng/tháng. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải ưu tiên dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng, đồng bộ để đảm nguồn thu ngân sách bền vững.
Thiếu “đệm tài khóa” chống sốc nền kinh tế ảnh 1 Khai thác dầu thô là nguồn thu chính trong nhiều năm trước, nay đã giảm mạnh do giá dầu trên thị trường thế giới bất ổn.
Số liệu thống kê từ Chính phủ qua các năm gần đây, cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng từ 39% lên 62% sau khoảng 10 năm, đứng đầu các quốc gia trong khu vực. Suốt thời kỳ này, hàng loạt khoản nợ xấu đến từ doanh nghiệp nhà nước do các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp cấp bách giải quyết điểm nghẽn này, nhưng thâm hụt ngân sách vẫn chưa có nhiều biến chuyển. 
Ở khía cạnh nguồn thu, nhìn chung khá nhạy cảm với chu kỳ kinh tế, khi thuế thu nhập và thuế tiêu dùng chiếm hơn 50% nguồn thu thường xuyên. Điều này hàm ý tốc độ tăng thu ngân sách có thể gặp khó, khi nền kinh tế trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng và tăng trưởng GDP giảm dần.
Theo đánh giá của VEPR, khi thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đều phải dựa vào một nền tảng bấp bênh. Nghĩa là, Việt Nam thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài, trong khi nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công luôn thường trực. Vì thế, ở mức độ dài hạn, Chính phủ cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Chính sách thu theo hướng tích cực
Song để xây dựng được “đệm tài khóa” giữ an toàn cho nền kinh tế lại không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sự mất cân đối về ngân sách hiện nay là hệ quả kéo dài từ nhiều năm trước.
Trong khủng hoảng và suy thoái năm 2008, chính sách tài khóa được thực hiện theo hướng mở rộng, đã giúp nền kinh tế không suy giảm mạnh trong giai đoạn 2009-2011. Nhưng chính sách này cũng dẫn đến bội chi ở mức cao, làm suy yếu các lớp đệm tài khóa, rút ngắn kỳ hạn vay nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách. 
Ngân sách nhà nước chủ yếu đến từ 4 nguồn chính: thu nội địa, dầu thô, cân đối hoạt động xuất nhập khẩu và nguồn thu từ viện trợ, nhưng nay cơ cấu nguồn thu đang có sự thay đổi. Nguồn thu dầu thô - nguồn thu chính trong nhiều năm trước - đã giảm mạnh những năm gần đây do giá dầu trên thị trường thế giới bất ổn.
Năm 2017, với việc được công nhận là nước có thu nhập trung bình thấp, các nguồn vốn vay ODA từ bên ngoài của Việt Nam bị cắt giảm. Hoạt động xuất nhập khẩu đang đóng góp khá lớn cho nguồn thu ngân sách, song trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do, thuế quan nhiều mặt hàng buộc phải cắt giảm xuống mức 0%, nguồn thu này sẽ suy giảm trong tương lai gần.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính), để ổn định nguồn thu, lấy lại cần bằng cho ngân sách, vẫn phải dựa vào nguồn thu chính là thu nội địa. Nguồn thu đảm bảo nhất cho ngân sách là từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Để duy trì nguồn thu này, đòi hỏi Chính phủ phải có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi. 
Bên cạnh đó, hiện nay dư địa về nguồn thu từ các sắc thuế áp dụng cho người dân không còn nhiều. Chính phủ muốn tăng thuế hay thu thêm các khoản loại thuế mới rất khó khăn, do thu nhập bình quân người dân hiện chưa ở mức cao nên sẽ gặp những phản ứng gay gắt từ dư luận.
“Đặt thêm các loại thuế mới để thu là không hợp lý và khó khả thi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tăng thuế gián thu đối với một số mặt hàng đặc biệt như rượu bia, thuốc lá, hoặc cắt giảm các khoản thuế ưu đãi doanh nghiệp không cần thiết” - ông Thịnh nói.

Các tin khác