Thông cơ chế, thiếu thị trường

(ĐTTCO) - Đầu tháng 3-2019, một ngân hàng thương mại (NHTM) đã rao bán đấu giá lần thứ hai với 3 lô bất động sản (BĐS). 
Thông cơ chế, thiếu thị trường
Đáng chú ý, lần này tổng giá chào bán cho các tài sản này chỉ còn 9.453 tỷ đồng, giảm đến 1.812 tỷ đồng so với phiên đấu giá đầu tiên vào tháng 9-2018. Việc giảm giá này cho thấy cơ chế xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42/2017/NQ-QH đang được phát huy, nhưng đồng thời cũng nhận diện bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để xử lý nợ xấu không chỉ cần cơ chế là có thể đẩy nhanh.
Còn nhớ năm 2014, giám đốc chi nhánh của một NHTM chia sẻ, không ở nước nào xử lý nợ xấu khó như ở Việt Nam. Khi NHTM kinh doanh luôn có rủi ro và nợ xấu luôn là bạn đồng hành của NH. Đối với phần này, NH phải trích lập dự phòng. Nhưng khi trích lập đủ, NH lại không được quyền bán nợ dưới mệnh giá, vì như vậy lãnh đạo NH sẽ chịu trách nhiệm trước việc thất thoát vốn. Đây cũng là chính là một rào cản lớn khiến việc xử lý nợ xấu không có bước tiến trong nhiều năm. 
Nhưng Nghị quyết 42 đã tháo gỡ nút thắt này, khi cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được bán nợ xấu với giá bán phù hợp thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Theo đó, nhiều TSĐB nợ xấu với giá trị từ vài tỷ đến vài ngàn tỷ đồng liên tục được tung ra và không ít lần các NH mạnh dạn giảm giá TSĐB để xử lý nợ. Tuy nhiên, theo dõi quá trình bán đấu giá TSĐB của NHTM vừa qua, có thể thấy gỡ được vấn đề này vẫn chưa thể thông được trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Bởi sau khi thu hồi những tài sản phải đấu giá 7-8 lần thậm chí là 10 lần, không ít TSĐB được điều chỉnh giảm giá, nhưng vẫn không tìm được người mua. Saigon One Tower - TSĐB đầu tiên bị thu giữ năm 2017 theo Nghị quyết 42, dự kiến chỉ bán với giá 6.110 tỷ đồng để xử lý khoản vay 7.000 tỷ đồng, nhưng các phiên đấu giá liên tục bị hoãn và đến nay vẫn chưa xử lý được. 
Thông cơ chế nhưng vướng thị trường xuất phát từ khối lượng nợ xấu của các NHTM tại Việt Nam không những lớn, mà còn gắn liền tài sản BĐS. Phần lớn BĐS này lại là bán thành phẩm, chỉ mới đền bù một phần hoặc đang xây dựng dang dở, nên người mua cũng lo sợ những thủ tục tiếp theo. Hơn nữa, TSĐB chủ yếu liên quan đến BĐS, mua bán BĐS có yếu tố nước ngoài lại vướng đủ thứ. Đã vậy, dù NHTM được quyền thu hồi TSĐB nhưng vẫn tiếp tục oằn lưng xử lý bằng chính nguồn lực của mình. 
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4%. Song số liệu chi tiết cho thấy, phần lớn được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Cụ thể trong năm 2018, dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo lên mức 78,2% (năm 2017 là 65,4%). 
Như vậy một lần nữa cho thấy nhu cầu và sự cần thiết của một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Vì chỉ cần hình thành được một thị trường mua bán nợ, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thứ cấp sẽ giúp huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn.
Để phát triển thị trường mua bán nợ, vai trò của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phải được tăng cường, phát huy vai trò đúng như mục tiêu tổ chức này ra đời. Đồng thời, một giải pháp để khơi thông thị trường nữa cũng được đề xuất là cấp thêm vốn cho VAMC. Điều này không chỉ giúp VAMC có thêm “tiền tươi thóc thật” mua nợ xấu, mà còn đáp ứng được yêu cầu về vốn tự có, tỷ lệ đòn bẩy tài chính để phát hành trái phiếu. 

Các tin khác