Thu hút đầu tư vào miền Trung - đất lành "chim" chưa đậu: Khu kinh tế gặp khó, dự án ì ạch

(ĐTTCO)-Không có vùng kinh tế trọng điểm nào có tiềm năng và lợi thế về cảng biển và khu kinh tế, đô thị ven biển lớn như miền Trung. Song, do thiếu tầm nhìn chiến lược, đầu tư dàn trải đã gây nên tình trạng phân tán sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn về miền Trung. Ảnh: NGỌC OAI
Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn về miền Trung. Ảnh: NGỌC OAI

LTS: Miền Trung được xem là “mặt tiền” hướng ra biển Đông, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòngcủa quốc gia. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Hạtầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa
được đầu tư… Vậy đâu là nguyên nhân?

Nhiều khu kinh tế co cụm

Cùng với việc thực hiện các hoạt động liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, liên kết trong nhiều lĩnh vực; hợp tác xây dựng môi trường xã hội thân thiện phục vụ phát triển du lịch và các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục... thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ Trung ương nên hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư được phát triển nhanh chóng tại miền Trung.

Dọc duyên hải miền Trung đã hình thành hệ thống các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết. Hàng loạt các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) như: Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hình thành.

Các đô thị này có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, vị trí gần cảng biển và sân bay, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư. Thế nhưng kỳ vọng từ việc thành lập hàng loạt các khu kinh tế tại miền Trung lại chưa thực sự trọn vẹn, chưa tạo được đột phá…

Trở lại công trường các KKT dọc bờ biển miền Trung trong những ngày giữa tháng 8, chúng tôi ghi nhận hiện trạng ngổn ngang nơi đây. Mặc dù các địa phương luôn thể hiện khát vọng biến những vùng đất cát và các lợi thế của họ thành những “mỏ vàng”, đã thi nhau “trải thảm”, mời gọi rất bài bản, hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư lớn vẫn ngần ngại.

Trong đó, KKT Nhơn Hội (Bình Định) rộng 14.300ha, có cảng biển nước sâu, mặt tiền hướng biển, trải dài, cơ sở hạ tầng đầu tư rất bài bản nhưng diện mạo vẫn ảm đạm. Địa phương này mời gọi nhà đầu tư, đi kèm với những ưu đãi, như: miễn thu thuế trong vòng 11 năm, 5 năm sau thu 1 nửa, 5 năm sau nữa thì mới thu theo quy định... nhưng thu hút đầu tư vẫn èo uột.

Ông Phan Việt Hùng, Phó ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, thừa nhận, hiện việc đầu tư ở 3 phân khu A, B, C tại KKT Nhơn Hội mới chỉ dừng lại ở mức hơn 50%, có khu đang bỏ trống hoặc đầu tư kiểu “cuốn chiếu”, nhiều nhà đầu tư được giao đất hưởng ưu đãi thì ngâm đất. Còn các nhà đầu tư thứ cấp và sơ cấp đều quanh quẩn kiểu “con gà quả trứng”.

Thời kỳ cực thịnh, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo (rộng 15.804ha thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thu hút được 550 doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể. Những năm 2010-2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới thời kỳ sầm uất của KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào cộng lại.

Thế mà giờ đây, hàng loạt công trình trụ sở các cơ quan, dự án, trung tâm thương mại... lại trống trơn, hoang phế. Chưa hết, hơn 50% doanh nghiệp tạm đóng cửa, các dự án hoạt động cầm chừng.

Trên thực tế, quá trình vận hành KTT thương mại đặc biệt Lao Bảo cũng gặp phải một số khó khăn, tồn tại như: Khu vực thuộc địa bàn miền núi nên công tác lập, triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn; chất lượng lao động còn hạn chế, đa số là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, số lao động có tay nghề và chuyên môn chiếm tỷ lệ thấp.

Tương tự, KCN Đại Kim thuộc KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), ra đời từ năm 2007 theo Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích quy hoạch khoảng 33ha, nhưng đến nay KCN này vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như kỳ vọng ban đầu. Phần lớn diện tích đất quy hoạch bị bỏ hoang làm nơi chăn thả trâu bò, hệ thống kênh mương, thủy lợi xuống cấp trầm trọng.

Theo Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân là do các ưu đãi về đầu tư, thuế xuất - nhập khẩu và các ưu đãi khác hết hiệu lực. Đặc biệt là sau khi KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan…

Những dự án ngàn tỷ “đóng băng”

Tọa lạc trên khu vực đất “vàng” với diện tích 25,81ha tại địa bàn KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), dự án Nhà máy thép Vạn Lợi, do Công ty CP Gang Thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, vốn ban đầu là 1.700 tỷ đồng. Vạn Lợi từng được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt KT-XH cho Hà Tĩnh và khu vực, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương...

Tuy nhiên, từ năm 2007-2010, dự án đang trong giai đoạn thi công thì bị đình trệ do thiếu vốn, bỏ hoang, chết dần. Một cán bộ Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Nhà máy thép Vạn Lợi thất bại, phần lớn do đầu tư dàn trải, thiếu tầm nhìn chiến lược, đầu tư vượt quá năng lực, lệ thuộc vốn vay…

Ngược ra xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) - địa bàn có điều kiện lý tưởng cho phát triển du lịch với núi và biển liền kề, nằm gần quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam…, đây chính là những điều kiện lý tưởng để Tập đoàn FLC đầu tư làm khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với tổng vốn 9.930 tỷ đồng (diện tích 462ha). Theo kế hoạch, dự án này khởi động từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.

Gặp chúng tôi, ông Trần Công Oanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, rầu rĩ nói: “Ngoài ra, ở xã Nghi Tiến, hiện đang có 2 dự án quy hoạch xây dựng nhưng lại nằm chồng lấn nhau. Tháng 2-2011, UBND tỉnh Nghệ An công bố diện tích từ xóm 6 đến xóm 14 là Khu đô thị số 5 thuộc KKT Đông Nam. Thế nhưng sau đó lại công bố quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái của FLC từ xóm 1 đến xóm 7. Dự án bây giờ im hơi lặng tiếng, dân thì chẳng biết số phận đi ở thế nào, mệt mỏi lắm…”.

Ngay như ở tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng - được xem là “đầu tàu” kinh tế miền Trung thì cũng đang vấp phải hàng loạt dự án chậm trễ, đóng băng. Nổi bật, phải kể đến khu dự án Làng Đại học Đà Nẵng (gọi tắt là dự án). Đây là một trong số dự án “ngàn tỷ” kéo dài lâu nhất của 2 địa phương này (22 năm).

Được Chính phủ phê duyệt ngày 4-3-1997, với số vốn ban đầu trên 7.000 tỷ đồng, diện tích 300ha thuộc địa bàn thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và một phần quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, đến bây giờ, dự án này vẫn lác đác vài ba công trình, hạng mục co cụm trên khu đất rộng lớn. Nguyên nhân của “tảng băng” này là do dự án có nguồn vốn quá lớn, thủ tục phức tạp, quy hoạch thiếu tầm nhìn…

Vốn đầu tư FDI chiếm 7,5% cả nước

Theo Bộ KH-ĐT, vốn đầu tư FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 của miền Trung ước đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 7,5% cả nước. Động lực tăng trưởng công nghiệp khu vực còn yếu. Trong 14 tỉnh, thành chỉ có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.

Các tin khác