TPHCM đấu giá đất tạo vốn thực hiện 7 chương trình đột phá

(ĐTTCO)-Khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi, vừa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.
 
Khu đất 23 Lê Duẩn được bán đấu giá. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khu đất 23 Lê Duẩn được bán đấu giá. Ảnh: THÀNH TRÍ

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cơ chế ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất TPHCM hoặc Công ty Đầu tư Tài chính Thành phố (HFIC) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch.

Sau đó, TPHCM sẽ triển khai đấu thầu quỹ đất này để lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn thực hiện 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 - 2020.

Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện một số công việc cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo tiến độ các dự án.

Người đứng đầu UBND TPHCM nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó, UBND các quận huyện có vai trò trung tâm, khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi, vừa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND các quận huyện khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình UBND TP. Thời gian hoàn thành, chậm nhất trong tháng 11-2017.

Sở TN-MT phải nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện quy trình xác định hệ số điều chỉnh đất, để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (giá T1, T2); báo cáo, đề xuất, trình UBND TP xem xét, quyết định, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án. Thời gian hoàn thành, chậm nhất trong tháng 9-2017.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND quận huyện và các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong thời gian qua.

Sở TN-MT cũng chuẩn bị nội dung, để Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến kết luận chỉ đạo, về công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.

7 chương trình đột phá cần 850.000 tỷ đồng

Theo ước tính, nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm 60%.

Tuy nhiên, khả năng ngân sách TPHCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

TPHCM đã và đang huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư 7 chương trình đột phá. Đến nay đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động là 41.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với vốn vay 680.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến nay có 153 dự án PPP triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng.

Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TPHCM chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công nhưng nguồn vốn gấp 51 lần nguồn lực đầu tư công của TPHCM giai đoạn 2011 - 2015.

Các tin khác