TPHCM - Tìm động lực phát triển mới

(ĐTTCO)-TPHCM là trung tâm kinh tế cả nước, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước rất lớn, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Song, những năm gần đây TP phải đối diện nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh bị đe dọa. Những động lực thúc đẩy TPHCM phát triển như quỹ đất, nguồn nhân lực giá rẻ, đặc biệt ngành chủ lực của TP là dịch vụ cũng đang trong xu hướng giảm. 
Một góc TPHCM. Ảnh : HOÀNG HÙNG
Một góc TPHCM. Ảnh : HOÀNG HÙNG
Trong bối cảnh trên, tìm động lực mới để tạo sự đột phá cho TP phát triển trong những năm tới, đang là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho các cấp chính quyền và nhân dân TP.

Lợi thế dịch vụ đang giảm
 Dịch vụ là ngành mũi nhọn của TP. Nhưng để dịch vụ phát triển phải có đất. Chẳng hạn muốn phát triển y tế phải có đất xây dựng bệnh viện; muốn thu hút du lịch phải có đất xây dựng khu vui chơi giải trí; muốn phát triển khoa học công nghệ phải có đất phát triển khu công nghiệp… 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, 
Bí thư Thành ủy TPHCM
 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 324.497 tỷ đồng, tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ. Trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,7%, thấp hơn so với cùng kỳ 7,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,41%, tăng cao hơn cùng kỳ 7,25%; khu vực nông nghiệp tăng 5,2%, thấp hơn cùng kỳ 5,83%.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 21,5%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%... 
Dù rằng cơ cấu kinh tế TP tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh như thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế. Tuy nhiên đi sâu phân tích, một số ngành nghề, dịch vụ mức tăng trưởng giảm sút so với cùng kỳ năm trước. 
Trong buổi làm việc mới đây giữa đoàn công tác của Chính phủ với lãnh đạo TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh dịch vụ là ngành chủ lực của TP nhưng lại giảm so với cùng kỳ các năm trước, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chưa tương xứng với tiềm năng.
Lãnh đạo TPHCM cần phân tích nguyên nhân vì sao, từ đó có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để TPHCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hạ tầng giao thông quá tải, quá tệ
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những động lực mới cho sự phát triển của TPHCM là tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt các cửa ngõ của TP với các tỉnh thành xung quanh phải thông thoáng, giao thông thuận lợi mới kỳ vọng các ngành khác phát triển theo. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích: “Các khu công nghiệp của TPHCM hiện nay đã lấp đầy, không còn đất để thu hút nhà đầu tư mới. Do đó, ngay trong năm 2019, TP phải đầu tư khu công nghiệp hoàn toàn mới quy mô gần 400ha. Có dịch vụ rồi, nhưng giao thông tắc nghẽn liệu có thu hút được khách hàng, người dân từ các nơi đến? Thí dụ, chúng ta xây dựng một công viên tầm cỡ ở huyện Củ Chi. Nhưng khách du lịch từ trung tâm TP muốn đến đó mất khoảng 2 tiếng, về 2 tiếng, liệu có thu hút?”. 
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các cửa ngõ kết nối với TP hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển, do hầu hết đều đã quá tải. Những dự án giao thông mới đưa vào khai thác vài năm như cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Long Thành cũng trở nên quá tải, bất kể ngày lễ hay ngày thường.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, hạ tầng giao thông bất cập đang là điểm nghẽn rất lớn cho sự phát triển của TPHCM. TPHCM có dân số hiện nay hơn 10 triệu người, phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Nếu không giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của TP.
Hiện nay có các quốc lộ nối TPHCM với các tỉnh thành xung quanh, như Quốc lộ 22, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, nhưng hiện cũng đang trong tình trạng quá tải và chưa được đầu tư đúng mức. Nếu không sớm triển khai các giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc trên sẽ ảnh hưởng rất lớn cho TP. 
Vẫn gian nan nguồn vốn
Theo kế hoạch và quy hoạch đã được phê duyệt, TPHCM sẽ triển khai hàng loạt dự án hạ tầng. Cụ thể, đường Vành đai 3 TP đang kiến nghị Trung ương cho tự ứng ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục hoàn thiện hơn 11km còn lại của đường Vành đai 2 để đưa vào sử dụng. 
TPHCM hiện có 6 đường cao tốc, kết nối TP với các tỉnh thành xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay mới hình thành được 2 tuyến là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương nhưng cũng bắt đầu quá tải.
Riêng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai, để theo kế hoạch cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 hoàn thành. Với 3 đường cao tốc còn lại: TPHCM - Tây Ninh, TPHCM - Chơn Thành, Biên Hòa- Vũng Tàu, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương nghiên cứu, nhưng cái khó hiện nay là thiếu kinh phí. 

Các tin khác