Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

(ĐTTCO)-“Thẻ vàng” đã khiến xuất khẩu thủy sản vào EU rơi từ vị trí số 1 xuống thứ 4. Do đó, Bộ NN & PTNT xác định gỡ ‘thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

Có tiến bộ

Sau 10 ngày trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra công tác khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU), đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam đối với việc thực hiện các cảnh báo khai thác IUU. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa, đoàn thanh tra EC cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.

Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế. EC gia hạn thêm thời gian đến tháng 1/2019 để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, vấn đề quan trọng khiến EC chưa gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam là việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn rất nhiều sai sót; công tác kiểm soát số lượng tàu cá ra vào cảng còn nhiều bất cập. Hệ thống giám sát chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài vẫn còn tiếp diễn rất phức tạp. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của Việt Nam vẫn còn thấp nên chưa tạo được sự răn đe và chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và thế giới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù chưa ảnh hưởng nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang châu Âu đã bị chững lại. Chiếc “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với thủy sản Việt Nam đã kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Nếu như năm 2017, EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt gần 1,46 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016 thì đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ đạt 584 triệu USD, đứng thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Còn nhiều khó khăn thách thức

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT xác định, gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với toàn ngành để giữ vững mục tiêu tăng trưởng thời gian tới. Song, để khắc phục được “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam không đơn giản bởi còn nhiều khó khăn thách thức.

Cụ thể, việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng. Hiện nay, Việt Nam có gần 133.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh. 33.000 tàu nhưng chỉ mới gắn thiết bị được 3.000 tàu, đây là con số rất ít ỏi. Nhưng điều đáng nói hơn là mặc dù 3.000 tàu được lắp định vị nhưng số lượng tàu bật định vị 24/24 trên ngư trường rất ít. Bởi các tàu lắp định vị nhưng khi ra khơi thường tắt định vị để giấu ngư trường. Trong khi đó, để kiểm soát vùng đánh bắt cá nếu thiếu định vị việc kiểm soát vi phạm rất khó.

Bên cạnh đó, ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác và chúng ta hiện cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như bắt buộc đối với ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký. Điều này dẫn đến việc xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản còn nhiều sai sót. Việc chứng nhận hải sản khai thác còn nhiều bất cập, các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục...

Thừa nhận những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho hay, 6 tháng không phải là thời gian đủ nhiều để chúng ta xoay chuyển tình thế từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững”. Việc trang bị thiết bị cho lực lượng tàu thuyền khai thác với số lượng 133.000 tàu thuyền là câu chuyện hoàn toàn không đơn giản.

Bên cạnh đó là những khó khăn khi phải chuyển từ tập quán đánh bắt tự nhiên sang hình thức khai thác trách nhiệm (có khai báo sổ sách, ngư trường); những bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu, bến cá… Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn, quyết liệt hơn thì mới sớm gỡ bỏ được “thẻ vàng”.

Song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản, để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững. 

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra giải pháp phát triển bền vững như tái cơ cấu ngành thuỷ sản, tổ chức lại sản xuất, tập trung tổ chức nuôi xa, đi sâu vào chế biến để mang lại nhiều giá trị hơn. Có như thế mới xây dựng được một nghề khai thác biển, rộng hơn là kinh tế biển một cách bền vững, đúng tiềm năng lợi thế của Việt Nam.

TS. Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam:

Hạ tầng của các cảng cá không đáp ứng được nhu cầu, không đủ công suất nên không quản lý được lượng cá vào ra. Nhật ký khai thác quá phức tạp so với trình độ của ngư dân nên tạo ra việc hoặc không ghi chép hoặc ghi chép không đầy đủ. Để khắc phục “thẻ vàng” của EU có nhiều việc phải làm nên chúng ta nên xác định lộ trình, xem cái nào làm trước cái nào làm sau, cách thức làm như thế nào cho phù hợp. Ví dụ như nhật ký ghi chép phức tạp như vậy thì giai đoạn đầu chỉ nên yêu cầu ngư dân ghi một số thông số cơ bản để đáp ứng yêu cầu cơ bản, để người ta thấy được sự thay đổi, sự xác thực.

Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT:

Liên quan đến khuyến nghị của EU, hiện chúng tôi đang xây dựng Nghị định hướng dẫn chung Luật Thủy sản và Nghị định xử phạt hành chính trong vi phạm thủy sản. Một trong những nội dung mà EC yêu cầu là tăng mức khung hình phạt cho khai thác bất hợp pháp và chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm như không bật định vị, vi phạm vùng biển các nước... Vì thế, điểm mới trong dự thảo lần này là bổ sung hình phạt rất nặng nhằm mang tính răn đe. Cụ thể như thu hồi giấy phép, tịch thu tàu, tước bằng của thuyền trưởng... Dự kiến, giữa tháng 7/2018, chúng tôi sẽ gửi dự thảo này cho phía EC để góp ý.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam:

Đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết chống khai thác IUU. Các doanh nghiệp này sẽ chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm. Các doanh nghiệp mong muốn các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn những luật đã ban hành để phát triển nghề cá trong tương lai theo hướng lâu dài, bền vững và có trách nhiệm.

Các tin khác