Việt Nam cũng không ngoại lệ

(ĐTTCO) - Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ 0,25% với lãi suất tham chiếu, Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá. Sự kiện này đặt ra câu hỏi về cách ứng xử của chính sách tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng. 
ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.
Mỹ đang nắm đằng cán?
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phá giá đồng NDT vượt lằn ranh 7NDT/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bác bỏ việc này. Theo ông, động thái của Trung Quốc là để đối phó Mỹ hay là một biện pháp bất đắc dĩ và mang tính phòng thủ?
 Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá ở mức vừa phải, ở mức 3% cho cả năm 2019 cũng sẽ không rơi vào tình trạng bị liệt vào các quốc gia thao túng tiền tệ. 
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Không phải bây giờ Trung Quốc mới phá giá đồng NDT, từ thời Tổng thống Bush cách đây 20 năm Chính phủ Mỹ đã lên án Trung Quốc thao túng tiền tệ, qua việc để đồng NDT có giá trị thấp để hỗ trợ xuất khẩu.
Gần đây nhất vào năm 2016, lúc ông Donald Trump còn đang tranh cử Tổng thống Mỹ cũng đã nói lên quan điểm của mình, rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ và lợi dụng ngoại thương với Mỹ để trục lợi. Thực ra liên tục nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đã thi hành chính sách đồng NDT rẻ để hỗ trợ xuất khẩu. 
Tuần trước, Mỹ cho thấy việc thương thuyết giữa 2 bên không thể đi đến một thỏa thuận, và ngày 1-9 sắp tới Mỹ có thể sẽ áp thuế 10% cho 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lập tức đồng NDT mất giá mạnh mẽ và vượt lằn ranh đỏ 7NDT/USD. Mức 7NDT đổi 1USD đã được Trung Quốc áp dụng cách đây 11 năm, tức là năm 2008. Đây là mức giá thấp nhất, sau đó phục hồi trở lại và bây giờ đã trở lại mức giá của năm 2008. 
PBoC đã nói họ không phá giá tiền tệ, không dùng tỷ giá làm công cụ để đối phó với chiến tranh thương mại. Đó là tuyên bố của họ. Thế nhưng trên thực tế rõ ràng đồng NDT mất giá rất mạnh, trong 3 tháng vừa qua đồng NDT mất giá đến 4%. 
Việt Nam cũng không ngoại lệ ảnh 1 Ảnh minh họa.
Phía Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Theo đó, Mỹ có thể sẽ có những biện pháp mạnh hơn nữa, chẳng hạn như áp thuế nhập khẩu nhiều hơn. Mỹ cũng có thể gây ảnh hưởng đến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trừng phạt Trung Quốc, và theo tôi cũng không loại trừ khả năng họ đem đồng NDT ra khỏi rổ tiền tệ. 
Cách đây mấy năm, IMF đã đem đồng NDT vào rổ tiền tệ để tính đơn vị tiền tệ theo quyền rút vốn đặc biệt (một đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên của IMF). Và Mỹ là thành viên chính của IMF, nên họ cũng có thể có biện pháp mạnh, làm áp lực để đưa đồng NDT ra khỏi rổ tiền tệ hiện tại. Trước đây có 4 đồng ngoại tệ cứng trong rổ tiền tệ, đồng NDT được đem vào là đồng tiền thứ 5. 
Việc đồng NDT tham gia vào rổ tiền tệ của IMF cũng làm tăng vị trí của đồng NDT lên. Bây giờ nếu Mỹ tìm cách làm áp lực để IMF đẩy đồng NDT ra khỏi rổ tiền tệ, sẽ làm mất uy tín cho đồng tiền này. Điều này chưa ai nhắc đến, nhưng tôi không loại trừ khả năng Mỹ có thể làm áp lực để thực hiện, bên cạnh việc sẽ áp thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% cho 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 1-9 này.

Trung Quốc đang ở thế yếu?
- Có ý kiến cho rằng, phá giá đồng NDT cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc làm gia tăng rủi ro cho chính mình, quan điểm của ông ra sao?
 Các thành phần kinh tế đang rất cần những thông tin chính xác và minh bạch của Chính phủ về giá cả, dự trữ ngoại hối, chính sách tiền tệ…  để cùng hưởng ứng và đóng góp vào việc thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và  đầu tư.
- Phá giá đồng tiền có lợi về mặt xuất khẩu, thế nhưng đem lại rủi ro cho Trung Quốc về đầu tư. Chẳng hạn, những nhà đầu tư đang làm ăn tại Trung Quốc, nhưng nước này điều chỉnh tỷ giá cao quá, họ sẽ tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Vì khi đầu tư vào Trung Quốc, thu nhập và lợi nhuận của họ tính bằng NDT, khi muốn rút về nước phải đổi ra ngoại tệ cứng.
Đổi ra ngoại tệ cứng khi giá trị của đồng NDT giảm đi, họ sẽ nhận được số ngoại tệ ít hơn, gây thiệt hại cho họ. Bên cạnh đó, việc phá giá đồng tiền như vậy có thể làm tăng lạm phát của Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến vấn đề nợ công và kinh tế vĩ mô của nước này.
- Ông có cho rằng các động thái này của Mỹ và Trung Quốc là những dấu hiệu cho thấy thương chiến Mỹ - Trung đã bước vào giai đoạn chiến tranh tiền tệ?
- Hiện tại chưa cho thấy một cuộc chiến tranh tiền tệ. Nhưng sự kiện này đã có những dấu hiệu có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ, khi Trung Quốc đẩy giá trị đồng NDT xuống và phía Mỹ hạ lãi suất kèm theo thi hành một chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong chính sách tiền tệ nới lỏng đó, Mỹ tìm cách đẩy giá trị đồng USD xuống để hỗ trợ xuất khẩu. 
Hiện tại, rất nhiều quốc gia khác cũng đang trực tiếp hoặc gián tiếp, cố ý hoặc vô tình tham gia vào việc đẩy giá đồng nội tệ xuống để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Nếu tình trạng này kéo dài, quốc gia nào cũng đẩy giá trị đồng nội tệ xuống và giảm lãi suất, thì một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể sẽ xảy ra. Tóm lại, hiện tại chưa có nhưng mầm mống của nó đang hình thành.

Việt Nam phải cẩn trọng và chủ động
- Việc NDT mất giá trước nay luôn ảnh hưởng trực tiếp tới VNĐ. Nhưng Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ. Ông cho rằng với các diễn biến tiền tệ như hiện nay, VNĐ nên ứng xử như thế nào?
- Việt Nam chưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ mà đang ở danh sách theo dõi. Việc xét một nước thao túng tiền tệ có 2 vòng loại. Vòng loại thứ nhất là nước nào có quan hệ mậu dịch 2 chiều với Mỹ trên 40 tỷ USD sẽ được Mỹ quan tâm.
Vòng thứ hai có 3 tiêu chí để đánh giá khả năng một quốc gia thao túng tiền tệ. Tiêu chí 1 là ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD; tiêu chí 2 là ngưỡng thặng dư cán cân thanh toán xuống 2% GDP; tiêu chí 3 là quốc gia đó có thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục được điều chỉnh xuống 6 tháng. Việt Nam đã chạm ngưỡng của tiêu chí 1 và tiêu chí 2 nhưng chưa mua ngoại tệ ròng 6 tháng. 
Tuy nhiên, đặc điểm của Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với ngoại thương Trung Quốc, và điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam cũng trong tương quan với Trung Quốc, chứ không phải chỉ điều chỉnh tỷ giá để trục lợi với Mỹ trong xuất khẩu. Do đó, tôi không nghĩ Việt Nam bị rơi vào danh sách các nước thao túng tiền tệ mặc dù đã vào danh sách theo dõi.
Cũng chính vì vậy, Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá ở mức vừa phải, ở mức 3% cho cả năm 2019 cũng sẽ không rơi vào tình trạng bị liệt vào các quốc gia thao túng tiền tệ. Tôi cho rằng, từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VNĐ chỉ mới mất giá 0,3% trên thị trường, do vậy từ đây đến cuối năm, tỷ giá tăng 2% vẫn khả thi nhưng có thể nới ở mức 3% nếu cần thiết.
- Việc FED giảm lãi suất đã tác động đến chính sách tiền tệ của các nước, cụ thể các NH Trung ương khác cũng nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất. Diễn biến này có tác động đến lãi suất của Việt Nam? 
- Các nước đang tìm cách đẩy lãi suất xuống, tức là áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ kinh tế. Tại Việt Nam, Chính phủ chủ trương giảm lãi suất và cũng luôn kêu gọi các NH phải đẩy lãi suất xuống.
Tuy nhiên, vấn đề là có giảm lãi suất được hay không khi mà các NH vẫn đang trả lãi suất huy động cao. Lãi suất đầu vào cao cộng thêm biên độ 3% sẽ khiến lãi suất cho vay không giảm được. Mặc dù mấy ngày vừa rồi, các NH đầu tàu đã giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên nhưng tôi chưa thấy có tác động lan tỏa. 
- Đặt trong bối cảnh chung của thế giới cũng như trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách tiền tệ của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ đi theo hướng nào?
- Theo tôi, từ đây đến cuối năm, NHNN vẫn tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt đã đề ra. Những ngày qua, NHNN dùng tỷ giá trung tâm làm công cụ điều chỉnh tỷ giá rất tốt. Bên cạnh đó, NHNN còn có 68 tỷ USD dự trữ ngoại hối để can thiệp nên điều hành chính sách tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định.
Tôi nghĩ tại thời điểm này chưa cần thiết phải phá giá VNĐ mà cần phải theo dõi tình hình để có những bước đi phù hợp. Trong đó, cần chú trọng theo dõi số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc, nhất là việc nhập siêu từ Trung Quốc. 
Theo dõi số liệu chính thức là điều không khó, nhưng giao thương Việt Nam và Trung Quốc có đặc điểm là giao dịch tiểu ngạch rất lớn và không có con số nào chính xác đối với lượng hàng hóa này.
Do đó, ngoài theo dõi con số xuất nhập khẩu thường xuyên với Trung Quốc và công bố những con số đó để các thành phần kinh tế nắm bắt, các cơ quan quản lý cũng cần điều tra các giao dịch không chính thức để có thể có một nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô và biến chuyển của nó.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong đó có NHNN, cần theo dõi tình hình thế giới sát sao để có thể có những phản ứng, động thái phù hợp sự biến chuyển của thị trường thế giới. Trong thị trường nội địa, tôi cho rằng các thành phần kinh tế đang rất cần những thông tin chính xác và minh bạch của Chính phủ về giá cả, dự trữ ngoại hối, chính sách tiền tệ… để biết được tình hình kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn nào, để cùng hưởng ứng và đóng góp vào việc thực thi chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách đầu tư của Chính phủ.
Còn nếu lượng thông tin ít ỏi, không được cập nhật, các thành phần kinh tế trong nước sẽ không thể kịp thời đối phó với những tình huống thay đổi trên thế giới, vì các tình huống này hiện nay xảy ra rất nhanh và có ảnh hưởng trên diện rộng, có tác động rất mạnh.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác