Việt Nam trước ngã rẽ

(ĐTTCO) - Nền sản xuất manh mún trong bối cảnh các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đang ngày trở nên phức tạp. Đó là những điều được chỉ ra tại báo cáo: “Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới”, được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây.
Việt Nam trước ngã rẽ
Nhiều thách thức phải đối mặt
Chính sách nhất quán của Việt Nam về mở cửa đầu tư và thương mại đã mở đường cho những thành tựu lớn về năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Thương mại tăng trưởng nhờ vào các GVC và Việt Nam đã nổi lên trở thành một công xưởng của châu Á chuyên về gia công lắp ráp, chủ yếu cho các DN nước ngoài.
Xuất khẩu và và hàm lượng nhập khẩu trong xuất khẩu đã tạo điều kiện giúp Việt Nam nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với tốc độ tăng 16,6%/năm từ năm 1995 đến năm 2011, chỉ đứng sau Trung Quốc. 
Những thành tựu trước đây của Việt Nam về năng lực cạnh tranh xuất khẩu hoàn toàn nhờ vào những cải thiện từ phía cung trong xuất khẩu, bao gồm tăng thâm dụng vốn thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo/chế biến. Nền kinh tế vẫn bị giới hạn bởi cơ cấu địa lý về đối tác thương mại và nhóm sản phẩm. Xu hướng thuê ngoài và bán hàng trong các chuỗi GVC tập trung nhiều vào các đối tác thương mại khu vực.
Mặc dù được kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng Việt Nam nhìn chung chỉ thực hiện hoạt động sản xuất có công nghệ thấp nhất, bao gồm phần cứng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), dệt may; những sản phẩm đầu vào Việt Nam tạo ra và xuất khẩu thường có giá trị gia tăng thấp.

Thách thức của Việt Nam là tham gia đầy đủ hơn các chuỗi GVC bằng cách nâng vị thế trong chuỗi để mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức và rào cản của nền kinh tế trong nước gây trở ngại cho quá trình chuyển đổi đó, chẳng hạn như suy giảm tốc độ tăng trưởng năng suất.
Các chính sách tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cũng có thể là thách thức để tiếp tục đa dạng hóa. Thí dụ, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ trong khi các DN FDI đang có ưu thế về môi trường cạnh tranh, đã gây khó khăn cho khu vực tư nhân tham gia các chuỗi GVC…

Cần có tư duy mới
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Nền kinh tế có thể tăng trưởng dựa trên xuất khẩu theo các chuỗi GVC, chuyên sâu vào các chức năng gia công lắp ráp có giá trị gia tăng thấp thông qua công nghiệp hóa theo hướng không kết nối nhiều với nền kinh tế hoặc xã hội bên ngoài; hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay nhờ tham gia thành công các chuỗi GVC, theo hướng đa dạng hóa và nâng cao vị thế bằng cách thực hiện các chức năng mang lại giá trị gia tăng cao, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để nuôi dưỡng DN tuy còn non trẻ nhưng tự chủ, năng động và đổi mới sáng tạo để đi đến thành công trong dài hạn tại các thị trường trong nước, trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu với những sản phẩm "sáng chế tại Việt Nam". 

Để thành công ở cả 2 nội dung trên, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần có tư duy mới về tiến trình phát triển, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về hiện thực mới của nền kinh tế toàn cầu. Những can thiệp trên được cho là cấp thiết vì 3 lý do. Một là, Việt Nam sẽ phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cho dù các nhà hoạch định chính sách có chọn theo con đường nào.
Hai là, khoảng thời gian cơ hội dành cho nền sản xuất chế tạo chế biến thâm dụng lao động ở Việt Nam không còn nhiều. Giả sử làn sóng đem lại việc làm trong các ngành gia công lắp ráp chi phí thấp ào đến và rút khỏi Việt Nam, để lại vô số người lao động mới tham gia đô thị hóa nhưng đã bị mất việc làm, đó sẽ là kịch bản tồi tệ cho nền kinh tế. Ba là, tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng trên toàn cầu cũng là thách thức nếu Việt Nam chưa sẵn sàng thích ứng. 
Thực tế trên cho thấy Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức và trở ngại để tăng trưởng bền vững, đòi hỏi cải thiện chung cả về hạ tầng và các chính sách xuyên suốt (theo chiều ngang) và một số biện pháp ngành (theo chiều dọc). Việt Nam cần có cách tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh, phản ánh được thực trạng các xu hướng hiện tại và tương lai của nền kinh tế toàn cầu, trong đó nổi lên là sự nở rộ đã và đang diễn ra của các chuỗi GVC, tăng cường chiều sâu hội nhập kinh tế quốc tế, chủ yếu thông qua các hiệp định thương mại siêu khu vực.
Các thể chế và chính sách được các quốc gia áp dụng nhằm khuyến khích nâng cao vị thế đã được xác định thông qua phân tích kinh tế lượng để chỉ ra những lĩnh vực ưu tiên chính cho Việt Nam. Mục tiêu để hỗ trợ DN gia nhập các chuỗi GVC; khuyến khích nâng cao vị thế kinh tế và đa dạng hóa; tăng cường năng lực hấp thụ của DN; đẩy mạnh gắn kết và nâng tầm xã hội. Việt Nam có thể tận dụng những cam kết từ các hiệp định thương mại quốc tế để thực hiện nghị trình về chuỗi GVC.

Các tin khác