Xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD

(ĐTTCO) - Chiều 19-9, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã thả nuôi 689.516ha tôm (tăng 0,5% so với cùng kỳ 2018), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 600.575ha, nuôi tôm thẻ là 88.941ha; sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn (tăng 15% so với cùng kỳ). 
Giá tôm thẻ loại khoảng 100 con/kg ở ĐBSCL dao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng 7-2019); tôm sú loại khoảng 30 con/kg giá 190.000 - 202.000 đồng/kg.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018). Hiện nay, tốc độ giảm đã chậm lại, do tháng 7-2019 xuất khẩu tôm tăng trưởng dương 13,4% (đạt 344 triệu USD). Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) về chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%.
Mức thuế này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp vào thị trường Mỹ thời gian tới. Cần thấy rằng, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính. Do đó, tôm Việt Nam khi được ưa chuộng ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội tốt để xuất vào các thị trường khác. 
Dấu hiệu tích cực là những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam đang tăng trưởng dương. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương, sau khi âm liên tục kể từ đầu năm. Đơn hàng từ đối tác ở Mỹ tăng dần lên, phía Mỹ cũng giảm nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc, đây là cơ hội cho xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng tốc.
Thêm thuận lợi là hiện nay Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính, nên giá tôm trên thế giới đang có xu hướng tăng. Ngoài ra, thị trường EU sẽ tăng mua thủy sản trong 4 tháng cuối năm 2019; các thị trường như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng dự báo tăng trưởng khá tốt.

Các tin khác