Thực hư người Trung Quốc mua nhà tăng cao

(ĐTTCO) - Gần đây, trên một số báo đăng thông tin liên quan tới việc người nước ngoài mua nhà tại TPHCM. Theo đó, trích nguồn của Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, cho biết trong 9 tháng năm 2018 tỷ lệ người nước ngoài mua nhà tại TPHCM chiếm 76%, trong đó khách hàng đến từ Trung Quốc chiếm 31%. 
Thông tin này đã gây lo ngại cho dư luận. Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được đăng tải, CBRE đã có phản hồi, cho rằng những con số này là số liệu thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE và ở phân khúc hạng sang, cao cấp, chỉ mang tính chất tham khảo, không đại diện cho toàn thị trường.
Cụ thể, theo CBRE Việt Nam, tỷ lệ 31% người Trung Quốc mua nhà dựa trên số lượng các căn hộ bán được qua sàn giao dịch của CBRE, chủ yếu tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp tại TPHCM trong 3 năm qua. Nguyên nhân khiến người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc mua nhà đất nhiều tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung do từ năm 2015 Việt Nam bắt đầu mở cửa cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Thêm nữa, các chủ đầu tư Việt Nam cũng chủ động mang các dự án sang nước ngoài giới thiệu. Nếu như năm 2016-2017, các chủ đầu tư mang dự án sang chào tại Singapore, Hồng Công, thì năm 2018 họ mang các dự án của mình sang cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
Thực hư người Trung Quốc mua nhà tăng cao ảnh 1  
Một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm hơn đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản TPHCM vì họ nhìn thấy được sự tương đồng trong phát triển giữa TPHCM và TP Thượng Hải (Trung Quốc). Bởi cách đây 30 năm, Thượng Hải gần như giống TPHCM hiện nay với nhiều khu đất trống và nhà thấp tầng.
Trong quá trình phát triển hàng chục năm qua, giờ đây Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới kéo theo đó là giá bất động sản tăng lên rất nhiều lần. Theo số liệu của CBRE, trong vòng 20 năm từ năm 1995-2015 giá căn hộ tại khu vực trung tâm phố Đông, Thượng Hải có thời điểm lên đến 180.000NDT/m² tương ứng hơn 600 triệu đồng/m², còn giá cho thuê văn phòng trong giai đoạn này tăng gần gấp đôi.
Từ sự việc trên, tôi có vài suy nghĩ sau: Hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TPHCM, vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được.
Đó là chưa kể việc người nước ngoài mua nhà thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó nhiều nhất vẫn là nhờ người Việt đứng tên hộ. Về pháp lý, hiện nay việc cấp giấy chủ quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại các dự án cũng đang vướng mắc vì cơ quan quản lý chưa công bố dự án nào được cho người nước ngoài sở hữu nhà. Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cũng chưa nhận hồ sơ cấp giấy cho người nước ngoài, do vậy không thể thống kê số lượng người nước ngoài mua nhà tại TPHCM.
Bên cạnh đó, hiện ở Việt Nam rất hiếm công ty nghiên cứu thị trường độc lập, phần lớn vừa nghiên cứu vừa phân phối bất động sản nên các con số vẫn thường mang tính chủ quan và khu biệt trong những dự án họ có hợp đồng phân phối. Ngay cả số liệu trong báo cáo của các đơn vị nghiên cứu cũng có độ vênh nhất định. Cụ thể, với tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam lại cho thấy số người Hàn Quốc, Nhật Bản đang mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn người Trung Quốc.
Vì thế, theo tôi, khi đăng thông tin liên quan đến xã hội, cần trích dẫn đầy đủ, đúng với bản chất sự việc, tránh gây hiểu lầm cho người đọc.

Các tin khác