Phân hóa lợi nhuận nhà băng

(ĐTTCO) - Trong báo cáo tài chính 2018 vừa được công bố đã hé lộ về bức tranh lợi nhuận các NH đạt được. Đáng chú ý, bên cạnh không ít NH chưa hoàn thành chỉ tiêu, phải điều chỉnh giảm để phù hợp với yêu cầu thực tế, đã có nhiều NH vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Trên cơ sở đó, dự báo năm 2019 lợi nhuận của các nhà băng tiếp tục có sự phân hóa nếu không có chiến lược thay đổi định hướng hoạt động.

Nơi tăng mạnh, nơi điều chỉnh
2018 là năm thành công lớn đối với Vietcombank khi lợi nhuận trước thuế của NH đạt 18.016 tỷ đồng. Trước đó, NH này chỉ đặt lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017, nhưng kết quả đạt được đã tăng 63,5% so với 2017, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 120,9% kế hoạch. Tương tự, BIDV vượt kế hoạch lợi nhuận 9.300 tỷ đồng.
Cả năm NH này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.625 tỷ đồng. Agribank cũng gây bất ngờ khi lập kỷ lục mới về lãi trước thuế với mức 7.525 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tại VIB, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2017 và vượt 37% so với con số được ĐHCĐ thông qua. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank được công bố ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch.
Song vẫn có nhiều NHTM phải điều chỉnh lại kế hoạch hoặc chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. Điển hình, vào tháng 12-2018, Vietinbank tổ chức ĐHCĐ bất thường công bố chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 tối thiểu 6.700 tỷ đồng.
Con số này thấp hơn nhiều so với các mức đạt được trong 5 năm trở lại đây của Vietinbank, thậm chí thấp hơn cả mức lợi nhuận đã đạt được trong 9 tháng năm 2018 (7.596 tỷ đồng). Hay LienVietPostBank cũng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. 
Riêng VPBank mới đây công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2017. Tổng doanh thu từ phí đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước.
Phân hóa lợi nhuận nhà băng ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của NH riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017. Mặc dù có sự tăng trưởng đều nhưng NH vẫn không đạt được chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đề ra trong ĐHCĐ là 10.800 tỷ đồng.
Từng NH phải tìm hướng đi mới
Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017. Hơn nữa, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) toàn ngành trong năm nay dự báo khoảng 3,2%, một số nhà băng sẽ còn gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn ở mức cao.
Đồng thời, theo NHNN chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD được phân bổ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016. Do đó, nếu tiếp tục dựa vào tín dụng, lợi nhuận của nhiều NH sẽ có sự phân hóa.
Theo đó, dự kiến ngay từ những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến khác nhau giữa các NH. Trong đó, các NH có chất lượng tài sản tốt, xử lý tốt nợ xấu sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vì được cấp hạn mức cao. Các NH chưa cải thiện tốt sức khỏe sẽ phải điều chỉnh lại tốc độ tăng tín dụng để phù hợp với chỉ tiêu tín dụng hạn hẹp. 
Thực tế trên cho thấy các NH khó có thể trông chờ vào tín dụng để tăng trưởng lợi nhuận cao. Đồng thời, dư địa tăng NIM trong năm tới cũng sẽ bị hạn chế bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng trong phân khúc cho vay bán lẻ, do hầu hết NH đều định hướng chiến lược tập trung vào phân khúc này khi NHNN thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh này, các NH bắt buộc phải tìm hướng đi mới nếu muốn lãi cao. Chẳng hạn như năm ngoái, Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục dù tăng trưởng tín dụng không quá cao, nhờ chiến lược chuyển dịch hoạt động kinh doanh tập trung vào 3 trụ cột chính là bán lẻ, kinh doanh vốn và dịch vụ.
Nhìn tổng quan, trong các NHTM Việt Nam, ACB và MB hiện đang được giới phân tích đánh giá là 2 NH có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định. Đánh giá này dựa trên cơ sở dự đoán về tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận, thu nhập dịch vụ, chất lượng tài sản những nguồn thu ngoài tín dụng là điểm nổi trội nhất để 2 NH này được xếp hạng cao.
Cụ thể, ACB có được thứ hạng cao nhất về thu nhập dịch vụ và chất lượng tài sản. MB cũng được đánh giá cao nhờ đa dạng hóa thu nhập từ các hoạt động khác, trong đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng tốc rất nhanh. Trái lại, thu nhập dịch vụ là mảng được dự báo sẽ làm giảm thứ hạng của các NH có vốn nhà nước trong các năm tới nếu không có sự đầu tư đúng mức. 
 Theo nhiều chuyên gia việc cải thiện sức khỏe của nhà băng sẽ là cơ hội để cải thiện lợi nhuận. Vì khi NH đáp ứng được các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II và xử lý tốt nợ xấu, sẽ được NHNN cho  phép tăng quy mô tín dụng lẫn quy mô hoạt động trong nhiều mảng.

Các tin khác