Tăng lãi suất có đáng lo?

(ĐTTCO) - Lãi suất trên thị trường liên NH trong tháng 7 giảm khá mạnh, cho thấy thanh khoản hệ thống không căng thẳng. Song trên thị trường 1, lãi suất huy động vẫn nóng lên từng ngày. Hiện lãi suất cao nhất niêm yết tại VietABank 9,1%/năm, NCB 8,8%/năm; CB, VietCapital Bank, TPBank 8,6%/năm… 

Động thái tăng lãi suất huy động của nhiều nhà băng gây ra lo ngại về lãi suất cho vay sẽ tăng cao. 

ĐTTC ghi nhận ý kiến của TS. BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học NH TPHCM, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, mức lãi suất huy động tại nhiều NH được đẩy lên cao trong thời gian gần đây, ông nhận định như thế nào về việc này?
 Sự bấp bênh của nền kinh tế thế giới hiện nay không chỉ là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, còn là thiếu dư địa giảm lãi suất khi khủng hoảng xảy ra. Đó là vấn đề Việt Nam cần lưu ý.
TS. BÙI QUANG TÍN: - Hiện xu hướng đẩy lãi suất huy động lên mức cao tập trung ở các NH nhỏ. Mục tiêu của họ muốn huy động vốn trung và dài hạn, vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã giảm về mức 40%.
Đồng thời, tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, NHNN dự kiến tiếp tục giảm chỉ tiêu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30%. Khi thông tin này xuất hiện trong dự thảo, các NH phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ này. Tôi cho rằng sẽ không mất nhiều thời gian để các NH giảm tỷ lệ này xuống.
- Với diễn biến đầu vào như vậy, lãi suất cho vay sẽ tăng lên, thưa ông?
- Việc tăng lãi suất cho vay sẽ kéo lãi suất huy động tăng, nhưng rủi ro này vẫn thấp hơn so với việc NH không đáp ứng được tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. NHNN đưa ra dự thảo về tỷ lệ trên có nghĩa đã có ý định điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong thị trường và các hệ số rủi ro trong hoạt động cấp vốn của nền kinh tế. Vì thế, các NH đều phải chuẩn bị đáp ứng tỷ lệ đó bằng cách tăng lãi suất để huy động vốn dài hạn, tránh bị động khi thông tư chính thức được ban hành. 
Trong bối cảnh như vậy, khi cấp vốn cho nền kinh tế, tùy theo đối tượng, NH sẽ áp dụng lãi suất khác nhau. Doanh nghiệp (DN) kinh doanh tốt mới được hưởng lãi suất ưu đãi, những DN có rủi ro cao sẽ chịu lãi suất cao. Điều này cũng lý giải vì sao mặt bằng lãi suất đầu vào đẩy lên nhưng các NH vẫn báo lãi cao.
Nguyên nhân do NH trong điều kiện áp dụng các cơ chế quản lý siết chặt như phải tuân thủ Basel II, kiểm soát rủi ro, kiểm tra kiểm soát vấn đề cấp vốn cho những DN nhiều rủi ro… đã tạo ra dư địa cho NH tăng lợi nhuận. Khi NH kiểm soát được rủi ro, sẽ chọn những DN tốt để cho vay.
Ngược lại, những DN nào rủi ro nhiều, NH áp dụng lãi suất cho vay cao hơn. Ngoài ra, xu thế này cũng hướng các NH khai thác kênh mới để tạo ra lợi nhuận là cấp thẻ tín dụng cho cá nhân với lãi suất rất cao. Do đó, khi NHNN siết chặt các tỷ lệ an toàn vốn và các nhà băng phải tăng cường huy động vốn, nhiều NH vẫn báo lãi cao.
 - Hiện các NHTW Australia, Ấn Độ và Nga đều đã giảm lãi suất. Vậy lãi suất tại Việt Nam tăng có hợp lý, thưa ông?
- Lãi suất huy động VNĐ đang tăng trong khi các nước giảm lãi suất do nguyên nhân nội tại, nhưng không phải là xu hướng chung của cả hệ thống. Nhìn trên thị trường liên NH có thể thấy, thanh khoản của hệ thống không thiếu nhưng vì cạnh tranh, các NH vẫn đẩy chi phí huy động, bởi các DN chủ yếu dựa vào dòng vốn NH. Khi cần vốn, DN nghĩ ngay đến NH, mà đúng ra phải nghĩ đến thị trường chứng khoán trước tiên. Do đó, NH phải cạnh tranh hút vốn để đáp ứng nhu cầu này.
Tăng lãi suất có đáng lo? ảnh 1 Hiện lãi suất huy động cao nhất thuộc VietABank.
Nhìn chung, tăng lãi suất chỉ tập trung ở các NH nhỏ và ở một số kỳ hạn, còn lãi suất huy động tại 4 NHTM có vốn nhà nước không có nhiều thay đổi. Đồng thời, điều kiện để hưởng lãi suất cao của các NH cũng khó, chẳng hạn để nhận được lãi suất 8,8%/năm phải gửi từ 100 tỷ đồng với kỳ hạn 24-36 tháng hoặc gửi trực tuyến.
Trong khi đó, người dân thường có xu hướng gửi tại quầy và trong thời hạn vừa phải. Vì vậy, dù NH đẩy lãi suất lên nhưng mặt bằng lãi suất huy động bình quân thực chất không tăng.
- Ông nhận định như thế nào về tác động từ thông tin FED đưa ra tín hiệu giảm lãi suất đồng USD trong nửa cuối năm 2019 đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam?
- Nhiều ý kiến cho rằng khi chính sách tiền tệ của Mỹ nới lỏng, tức giảm lãi suất đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, nhưng tôi còn nhận thấy cả thách thức. Về thuận lợi, khi FED giảm lãi suất sẽ tạo cơ hội cho thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng, đồng USD yếu đi.
Điều này tạo ra dư địa rất lớn cho chính sách tiền tệ của Việt Nam và hỗ trợ cho tỷ giá USD/VNĐ. Tuy nhiên, thách thức khi FED giảm lãi suất là sẽ khiến nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ, lúc đó sẽ giảm dư địa nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra. Tức cứ kinh tế khó khăn, FED sẽ giảm lãi suất.
Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) đang áp dụng lãi suất 0%/năm. ECB cho biết nếu FED giảm lãi suất, họ sẽ đẩy lãi suất này xuống âm 0%. Như vậy, nếu khủng hoảng xảy ra sẽ không còn dư địa để giảm lãi suất. Điều này tạo ra khó khăn cho chính sách tiền tệ của các nước, trong khi khủng hoảng của các nền kinh tế là vấn đề không thể đoán định được. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác