CEO Michael Dell Vực dậy đế chế tỷ đô

(ĐTTCO) - Giống như nhiều tỷ phú khác của làng công nghệ thế giới, Michael Dell cũng từng bỏ dở việc học tại trường Đại học Texas, thuộc thành phố Austin để thành lập Dell Computer Corp - tập đoàn công nghệ phát triển nhanh nhất nước Mỹ. 

Ở tuổi 23, Michael Dell đã tạo nên một đế chế mới trên thị trường máy tính. 4 năm sau, ông trở thành CEO trẻ nhất trong danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn.

Để đứng trong top đầu làng công nghệ như hiện nay, Dell cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trước những cơn sóng dữ theo chu kỳ của lĩnh vực máy tính, một trong số đó từng khiến Dell suýt mất công ty. 

Lao dốc
Những ngày đầu thành lập, Dell Computer được đánh giá là một trong những công ty phát triển nhanh nhất trong 20 năm đầu tiên. Năm 2001, Dell Computer vượt mặt Compaq Computer trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới. Tuy vậy, sau khi Michael Dell rời khỏi ghế CEO chuyển giao vị trí quản lý năm 2004 cho Kenvin Rollins - người từng là Chủ tịch và Giám đốc tác nghiệp của Dell, công ty bắt đầu đi xuống.
CEO Michael Dell Vực dậy đế chế tỷ đô ảnh 1  
Giai đoạn Kenvin Rollins làm quản lý, Dell ngủ quên trong hào quang chiến thắng đến mức không để ý thấy sự xoay vần biến đổi của thời cuộc. Cụ thể, hãng đã không nắm bắt kịp bùng nổ điện thoại thông minh và máy tính bảng. Mãi đến năm 2010, Dell mới có những sản phẩm đầu tiên về thị trường này. Khi đó hãng phải vật lộn để theo kịp đối thủ thay vì dẫn đầu như trước kia. 
Năm 2012, Dell mất thị phần vào tay Lenovo, trong khi giá sản phẩm PC, phân khúc chính của hãng, buộc phải giảm giá tới 1/3 theo xu hướng thị trường, khiến cổ phiếu Dell liên tục tụt dốc. Cổ phiếu Dell trong thời kỳ bùng nổ của thời đại dotcom năm 2000 có giá trị lên tới 54USD, đến năm 2007 chỉ còn 30USD. Và 5 năm sau, thời điểm năm 2012, chỉ còn chưa đến 10USD/cổ phiếu.

Thâu tóm
Nhìn đứa con của mình sinh ra đang bên bờ vực phá sản, Michael Dell nghĩ đến việc quay lại. Và thương vụ thâu tóm bắt đầu khi Michael Dell hợp tác cùng quỹ đầu tư Silver Lake, toan tính mua lại toàn bộ cổ phần của Tập đoàn Dell với giá 13,65USD/cổ phiếu. Michael Dell tuyên bố, nếu Dell không còn là công ty đại chúng, ông sẽ không phải chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn và tập trung hơn cho các chiến lược dài hơi, nhằm cạnh tranh với các công ty công nghệ khác như Apple hay Amazon. Thông tin này đã lọt vào tai Carl Icahn, người được gọi là kẻ xấu xứ Wall, chuyên mua công ty rồi xé lẻ để bán kiếm lời thay vì đầu tư, hiện nắm giữ gần 5% cổ phần Dell, trị giá gần 1 tỷ USD. Icahn ra yêu sách phải trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt trị giá 9USD/cổ phiếu và có một ghế trong hội đồng quản trị. 
CEO Michael Dell Vực dậy đế chế tỷ đô ảnh 2  
Một đối thủ khác cuộc tranh giành thâu tóm là Blackstone, công ty của doanh nhân gốc Việt Chính Chu, tham gia chào giá từ 13,65-14,5USD/cổ phiếu, và lên kế hoạch bán Dell Financial Services (công ty chuyên cung cấp tài chính cho khách hàng mua sản phẩm của Dell) cho General Electric hoặc một công ty khác. 
Ở thế bất lợi, Michael Dell đã bí mật gặp Chính Chu để thỏa hiệp. Theo đó, Michael Dell sẽ không bán số cổ phần đang nắm giữ và giúp Blackstone bớt số vốn huy động đi 4,5 tỷ USD, với điều kiện Michael Dell phải giữ được ghế Tổng giám đốc. Và điều này được cho là bước đi khôn khéo để Dell vừa giữ được tập đoàn, giữ ghế lãnh đạo, và vẫn biến tập đoàn Dell thành doanh nghiệp tư nhân. Sau khi được ban quản trị chấp thuận cho Micheal Dell mua lại cổ phiếu từ các cổ đông đại chúng để trở thành một công ty tư doanh, tính chung số tiền phải chi cho kế hoạch này lên đến 24,9 tỷ USD. 

Cú trở mình ngoạn mục
Mặc dù chiến thắng trong cuộc chiến giữ thương hiệu, nhưng Dell vẫn phải đối mặt với các đối thủ mạnh như HP, IBM, Cisco, IBM, VMware, EMC, chưa kể gã khổng lồ Apple - thống lĩnh số 1 thị trường Mỹ. Trong khi cổ phiếu Apple liên tục tăng cao, đạt mức khoảng 645USD/cổ phiếu, giá niêm yết của Dell dừng lại ở con số 13,73USD/cổ phiếu - một hình ảnh hoàn toàn ảm đạm. 
5 năm tiếp theo đã chứng kiến những thành tựu tăng trưởng vượt bậc của Dell trong lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây và trong công cuộc tái cơ cấu bộ máy. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất PC chơi game của công ty cũng có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ trở lại. Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ máy tính bàn đang dần suy yếu, Dell buộc phải tìm đến các lĩnh vực làm ăn dễ sinh lời hơn, và lưu trữ dữ liệu được coi là lĩnh vực trọng yếu sẽ tăng trưởng mạnh của tập đoàn này. 
Michael Dell đã đầu tư 13,6 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển để củng cố năng lực trong lĩnh vực điện toán đám mây và phần mềm có lợi thế cạnh tranh. Ông đã thực hiện thương vụ M&A công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, khi thâu tóm EMC, một nhà cung cấp lớn các thiết bị lưu trữ dữ liệu và phần mềm điện toán đám mây của Mỹ, với giá 67 tỷ USD vào năm 2016. Thương vụ giúp Dell hoàn thành kế hoạch chuyển mình từ một hãng kinh doanh máy tính cá nhân sang một nhà cung cấp các giải pháp IT cho doanh nghiệp.
Đầu năm 2018, Dell tuyên bố họ đã sẵn sàng quay trở lại “cuộc chơi” ở phố Wall lần nữa, thông qua một thỏa thuận phức tạp liên quan đến việc mua lại cổ phần của VMware. Kết quả của thương vụ sáp nhập là Dell có thêm quyền kiểm soát trong công ty sản xuất phần mềm ảo hóa VMWare với việc sở hữu 80% cổ phần của công ty này. Cuối tháng 11-2018, báo cáo hàng quý chỉ ra doanh thu của Dell đã tăng mạnh 15%. Dòng tiền hoạt động cũng nhảy vọt từ 2,4 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2-2017 lên tới 7,7 tỷ USD vào ngày 2-11-2018. 
Trong năm 2018, Dell đã tạo ra một bộ phận mới chỉ phục vụ riêng cho IoT, cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong 3 năm. Chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Dell đã đầu tư vào Graphcore, một startup Anh đang phát triển phần mềm và chip siêu nhanh AI sử dụng trong công nghệ xe không người lái. Graphcore đang đưa những con chip AI này ra thị trường bằng cách tích hợp chúng vào phần cứng của Dell, sau đó đội ngũ kinh doanh khổng lồ của Dell sẽ quảng bá chúng đến các khách hàng doanh nghiệp lớn, vốn thường nằm ngoài tầm với của một startup.
Khao khát của Michael Dell là biến công ty một lần nữa trở thành “startup lớn nhất trong lịch sử” nhờ vào nguồn năng lượng thần kỳ ở Michael Dell, và nó đang được thực thi rất tốt. Sự hài lòng từ khách hàng đã được hồi phục, sự thỏa mãn từ nhân viên cũng ở vào mức cao nhất trong lịch sử công ty. Ở tuổi ngoài 50, Michael vẫn tiếp tục miệt mài vì đứa con tinh thần mang tên mình.  
 Thay đổi hay là chết, chính là bí quyết kinh doanh tỷ phú Michael Dell, bởi ông biết rằng công nghệ chính là lĩnh vực có tốc độ thay đổi nhanh nhất hiện nay. Người làm kinh doanh không thể cứ mãi làm một việc và cầu mong nó giữ vững như thế. Chúng ta cần phải tạo ra khác biệt. 

Các tin khác