PDR lấy ngắn nuôi dài

(ĐTTCO) - Trả lời chất vấn của các cổ đông tại ĐHCĐ 2017, lãnh đạo CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đã “vẽ” lên hình ảnh doanh nghiệp với mức tăng trưởng lợi nhuận 30-40%.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh và những con số công bố tại ĐHCĐ, nhiều cổ đông cho rằng PDR đã không còn nhiều hy vọng như tên gọi phát đạt với chính sách lấy ngắn nuôi dài hiện tại.

Theo BCTC năm 2016 đã kiểm toán, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PDR đạt lần lượt 1.496,6 tỷ đồng và 242,5 tỷ đồng. Tuy hoàn thành kế hoạch nhưng đây chưa thể coi là thành công của PDR, bởi kế hoạch được đề ra từ đầu năm rất thận trọng, trong khi thị trường bất động sản 2016 trên đà phục hồi và phát triển mạnh.

Chính từ kết quả này, PDR chỉ thực hiện chi trả cổ tức năm 2016 bằng CP với tỷ lệ 10%, không bằng tiền mặt như mọi năm. Đặc biệt, dù dự báo thị trường bất động sản 2017 tiếp nối đà tăng của năm 2016, nhưng kế hoạch kinh doanh được HĐQT đặt ra với chỉ tiêu tương đối khiêm tốn: doanh thu bán hàng và dịch vụ 2.008 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng.

Theo PDR, để đạt được kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ tập trung thực hiện tái cấu trúc tài chính theo hướng giảm hàng tồn kho, giảm tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu và tăng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản; tập trung các nguồn thu khoảng 1.000 tỷ đồng để trả hết nợ cho NHTMCP Đông Á (EAB) và giảm nợ trái phiếu; triển khai thi công xây dựng các dự án BT để đổi hạ tầng lấy quỹ đất; triển khai xây dựng và kinh doanh các dự án trên quỹ đất hiện có; tìm kiếm và phát triển các dự án mới, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường để tạo nguồn thu và góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải sự chất vấn từ phía cổ đông. Chẳng hạn, cổ đông đặt câu hỏi lấy nguồn tiền từ đâu để trả 1.000 tỷ đồng cho EAB và liệu có bán dự án River City? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo PDR cho biết sẽ bán hết căn hộ hoàn thiện của block C dự án River City (20 tỷ đồng) và The Everrich Infinity (370 tỷ đồng). Nguồn thu từ dự án này sẽ được chi trả cho EAB và giảm nợ trái phiếu.

Cổ đông còn thắc mắc việc đầu tư năm 2017 của PDR là 3.000 tỷ đồng, cộng với 1.000 tỷ đồng trả cho EAB, liệu có phải vay vốn ngân hàng để đủ 4.000 tỷ đồng cho năm 2017. Và lời giải thích của PDR đã khiến cổ đông ngạc nhiên. Cụ thể, PDR không có kế hoạch vay vốn ngân hàng. Dòng tiền để phát triển các dự án chủ yếu lấy từ việc bán sản phẩm và đầu tư phát triển trên các quỹ đất của dự án BT.

Nhiều cổ đông lo ngại về hướng đi của PDR khi tập trung quá nhiều vào các sản phẩm căn hộ cao cấp, trong khi phân khúc thị trường này đang có dấu hiệu bão hòa. Với điều kiện thị trường không tốt cộng với áp lực trả nợ ngân hàng, khả năng PDR đạt được kế hoạch năm 2017 còn khó, chưa nói đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30-40% theo như phát biểu của lãnh đạo doanh nghiệp.

 Theo PDR, trong vòng 3 năm tới sẽ phát triển các dự án Everrich Infinity, Milennium, The Everrich 3 và các quỹ đất nhận được từ việc thực hiện các dự án BT, như Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, với tổng mức đầu tư của 2 dự án này là 4.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, để đa dạng nguồn thu, ngoài việc đầu tư các sản phẩm bất động sản, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bất động sản cho thuê như văn phòng, khách sạn, căn hộ. Với tham vọng quá lớn nhưng chỉ trông chờ vào nguồn doanh thu từ bán các dự án theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, càng cho thấy PDR đang quá bế tắc trong chiến lược kinh doanh sắp tới của mình.

Kết quả kinh doanh không có nhiều yếu tố đột biến của PDR khiến giá CP cũng không có nhiều biến động trong khoảng 2 năm trở lại đây, chỉ dao động trong khoảng 12.000-15.000 đồng/CP. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến 2 tổ chức lớn đã thoái bớt vốn khỏi PDR và không còn là cổ đông lớn tháng 5-2016.

Các tin khác