Sóng gió mùa ĐHCĐ 2017 (K3): Nan giải tín dụng, nợ xấu

(ĐTTCO) - Ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng (NH) niêm yết đã lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017.

Như mọi năm, phần lớn NH đều có mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu, mở rộng mảng dịch vụ và giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, đây lại là những câu hỏi lãnh đạo các NH phải giải trình trước cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Chỉ quyết tâm chưa đủ

Tính cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và chưa được xử lý, tổng giá trị các khoản nợ xấu của hệ thống NH vào thời điểm cuối 2016 được ước tính ở mức 300.000 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ xấu thực sự ở mức 6%.

Mô hình của các NHTM về cơ bản vẫn phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng “bài” của các NH giải trình trước cổ đông vẫn quyết tâm đa dạng hóa nguồn thu của các NH đã được cụ thể hóa qua việc đạt tốc độ tăng trưởng thu phí và dịch vụ rất tốt trong năm 2016. Nhiều NH đạt mức tăng trưởng thu phí dịch vụ ở mức 2 con số.

Chẳng hạn, kết quả kinh doanh năm 2016 của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) tăng kỷ lục, và một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công này là chính sách dịch chuyển cơ cấu. Cụ thể, doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt 54,02 tỷ USD (tăng 12,7%).

Vị thế dẫn đầu hệ thống về thị phần kinh doanh và dịch vụ ngoại tệ của VCB tiếp tục củng cố bằng doanh số mua bán ngoại tệ (không bao gồm giao dịch liên NH) đạt 34,63 tỷ USD (tăng 14,6%); dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt 1,64 tỷ USD (tăng 8,5%).

Hoạt động thẻ cũng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường với doanh số thanh toán thẻ quốc tế tăng 28,7%, thẻ nội địa tăng 58%. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những năm tới khi các dịch vụ của NH được đa dạng hơn, mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

Dù ghi nhận được kết quả khá khả quan, nhưng thực tế các NH còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu nhập. Thực tế hiện chỉ có VCB và NHTMCP Sài Gòn Thương tín (STB) có cơ cấu thu nhập được đa dạng hóa tốt nhất trong các NH niêm yết, nhưng nguồn thu của 2 NH này đạt dưới 30%.

Mục tiêu đẩy mạnh nâng cấp công nghệ được các NH đặc biệt chú trọng trong năm 2017, nhằm nỗ lực mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Đây là xu hướng tất yếu khi trình độ công nghệ của các NH Việt Nam vẫn còn ở mức khá xa so với khu vực.

Song kết quả khảo sát được CTCK MB (MBS) thực hiện trong năm 2016, cho thấy khả năng cung cấp dịch vụ chỉ có NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) nổi trội và đã đi trước các NH niêm yết khác trong việc chuẩn bị cho xu hướng nâng cấp công nghệ. Tuy vậy, tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ của CTG chiếm chưa đầy 10% tổng doanh thu hoạt động.

 Hệ lụy nợ xấu

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực NH, tham vọng giảm lệ thuộc vào tín dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận.

Theo kết quả khảo sát của MBS, VCB và NH Quân đội (MBB) là nhóm NH dẫn đầu trong việc giảm tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng từ năm 2016. Dự báo MBB là NH thứ 2 đi sau VCB khoảng 1 năm và sẽ có chi phí dự phòng bắt đầu giảm tính trên số tuyệt đối từ năm 2017.

Trong khi đó, với những NH có nợ xấu cao như NHTMCP Á Châu (ACB), vấn đề nóng nhất trong mùa ĐHCĐ 2017 là việc ACB có thể thu hồi lại các khoản nợ xấu từ 6 công ty có liên quan đến bầu Kiên trước thời hạn cuối năm 2018.

Tương tự là trường hợp STB liên quan đến thương vụ sáp nhập với NHTMCP Phương Nam (PNB) trước đây. Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của NH này trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại PNB.

Đến nay, STB vẫn chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu sau sáp nhập và chất lượng tài sản đã trở nên xấu hơn. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4% vào cuối năm 2016, mức cao nhất trong số các NH niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các khoản phải thu, khoản lãi và phí phải thu tăng 2% lên mức 13,1% trên tổng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu của NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) cũng khiến cổ đông lo ngại khi tăng từ 1,86% cuối năm 2015 lên 2,95%. Điều này cho thấy quá trình tái cơ cấu tại EIB tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm hơn so với các NH khác

MB là ngân hàng thứ 2 sau VCB có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: LONG THANH

MB là ngân hàng thứ 2 sau VCB có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: LONG THANH

Động lực tăng trưởng kèm rủi ro

Trong bối cảnh hiện tại và những năm tới không có nhiều dư địa để có thể cải thiện được hệ số hiệu quả hoạt động CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập), các NH sẽ phải tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, mở rộng chi nhánh, tăng số lượng nhân viên để cạnh tranh trong mảng NH bán lẻ.

Xét về hiệu quả hoạt động này, MBB và VCB tiếp tục là 2 NH có CIR tốt nhất trong các NH niêm yết. Mặc dù với xu hướng chung của các NH đẩy mạnh mảng bán lẻ, CIR của 2 NH này dự báo tăng chậm lại nhưng vẫn sẽ giữ ở mức hiệu quả hơn các NH khác.

Việc các NH chọn tăng trưởng tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng được giới đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng thực hiện được kế hoạch trong bối cảnh cho vay mua nhà (vốn là động lực tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ trong năm 2015) có dấu hiệu chững lại.

Việc các NH đều đặt bán lẻ là động lực tăng trưởng tuy đúng hướng, nhưng có thể dẫn đến các yếu tố như rủi ro cạnh tranh, NIM (lãi cận biên) mảng bán lẻ tốt hơn nhưng rủi ro có thể sẽ tăng theo. Song song đó, việc tuân thủ lộ trình áp dụng Hiệp ước vốn Basel II theo dự thảo của NHNN (9-2017) là thử thách cho các NH thí điểm (đặc biệt nhóm 3 NHTM có vốn nhà nước) nếu không có các biện pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý.

Áp lực từ việc tuân thủ Basel II có thể làm tăng chi phí vốn và hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các NH trong năm 2017.

Các tin khác