Ba Đình nắng - Ca khúc về Lễ Độc lập

(ĐTTCO) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 
Hình ảnh biển người đứng chật quảng trường, trong rừng cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới lắng nghe từng câu nói của vị lãnh tụ kính yêu, đã được nhạc sĩ Bùi Công Kỳ ghi lại trọn vẹn trong ca khúc Ba Đình nắng.
Có thể nói, Ba Đình nắng là ca khúc duy nhất đã đưa được lời nói thân thương, rất hào sảng mà rất gần gũi của Bác Hồ trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói ấy được Bùi Công Kỳ lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị lại vừa tự nhiên mà nghe thật tình cảm. Câu nói ấy làm xúc động hàng triệu triệu tấm lòng của quân và dân cả nước cách đây 73 năm, dưới ánh nắng Ba Đình lắng nghe lời Tuyên ngôn Độc lập.
Bùi Công Kỳ (1919-1985) quê gốc ở Nam Định. Chàng trai tuổi Mùi ấy rất chăm học nghề vẽ tranh quảng cáo. Ngay từ ngày đầu của cuộc khởi nghĩa tháng 8 ông đã có bài hát “Hồn Việt Nam”. Ở Thành Nam thời đó không ai là không biết tác giả vừa đàn ghi-ta vừa hát trong Đoàn kịch Anh Vũ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông là Trưởng đoàn văn công 316 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các ông Chu Huy Mân và Song Hào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn văn công 316 và Đoàn văn công Tổng cục chính trị sáp nhập với nhau. Một loạt bài hát khác của Bùi Công Kỳ cũng ra đời trong dịp này, như Nông dân ơn Đảng ơn Bác Hồ, Tây Bắc mừng chiến thắng, Bài ca biên giới... 
Năm 1955 Nhà xuất bản Xây Dựng đã phát hành tập nhạc “Ba Đình nắng” của Bùi Công Kỳ gồm 6 bài với lời đề tựa của nhạc sĩ Văn Cao. Năm 1956 ông về công tác ở Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, rất say sưa soạn nhạc cho các vở chèo, vở kịch, là một cộng tác viên có uy tín của các đơn vị biểu diễn. Năm 1970 ông được bổ sung sang Đài Truyền hình Việt Nam, ngay những ngày đầu mới thành lập cho đến khi về hưu. Ông mất vào năm 1985.
Ba Đình nắng - Ca khúc về Lễ Độc lập ảnh 1 Quảng trường Ba Đình. 
Ca khúc Ba Đình nắng (thơ Vũ Hoàng Địch) không khác gì một cuốn phim tư liệu đặc tả lại ngày lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Bài hát được chia thành 3 chương. Chương 1 khắc họa khung cảnh của Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945: Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới. Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào. Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi. Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao. Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào. Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh… Mỗi lần nghe những câu hát ấy, ai ai cũng thấy rạo rực, ngỡ như mình được hòa vào dòng người bước đi rầm rập dưới nắng thu vàng Hà Nội, trong gió thu lồng lộng thổi lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Trong phút giây lâng lâng diệu kỳ hít thở bầu không khí tự do, tâm hồn của nghệ sĩ bay bổng vẽ nên cảnh tượng diệu kỳ: Ba mươi sáu phố phường hôm ấy là những nhánh sông đỏ bóng cờ. Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại. Năm cánh xòe trên năm cửa ô. Những lời ca đầy khơi gợi khiến người nghe có cảm giác như sắc đỏ của quốc kỳ đã nhuộm thắm cả một không gian rộng lớn, rực rỡ cả thủ đô.  
Trong khung cảnh rực rỡ đó, chương 2 của bài hát khắc họa nổi bật nhân vật trung tâm là Bác Hồ trong bộ ka ki đã bạc với gió sương xuất hiện trên kỳ đài giữa tiếng reo vui của quốc dân đồng bào: Hoan hô! Ta đón cha về, đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập. A ha! Có tiếng người reo, sao vàng vừa mọc. Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?. Trong lễ Tuyên ngôn Độc lập năm ấy, vì sợ người dân không quen nghe giọng xứ Nghệ, Bác Hồ đã hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi giản dị ấy đã làm ấm lòng muôn triệu quốc dân đồng bào, và đáp lại là tiếng “Có ạ” rền vang khắp quảng trường. Chi tiết ấy đã được nhà thơ Vũ Hoàng Địch đưa vào thơ, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ thành câu hát rất mềm mại, hát mà như nói, thủ thỉ ân tình. Ngay từ phút giây ấy, muôn triệu người dân Việt đã thấy Người hiện thân sức mạnh của hòa bình. Mỗi lần ngang qua quảng trường Ba Đình rực nắng, người Việt lại nhớ đến thời khắc lịch sử đó: Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ, tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô. 
Bài hát khép lại với niềm hy vọng trong ngày vui bất tận, về một mùa Thu Việt Nam hòa bình hạnh phúc, lung linh dưới bóng cờ đỏ sao vàng, và niềm tin phơi phới về thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc: Tôi về đây, lắng nghe trên quảng trường tiếng bước. Anh thương binh trong chiều vàng ca hát trên đường. Nhìn cờ trên kỳ đài phấp phới anh thầm tin sắp tới Thu nào. Thu ngày mai, Thu thanh bình đời đời sẽ hết điêu linh. Thu ngày mai, Thu chiến thắng cờ vươn lên trong nắng hồng tươi.
Nhạc sĩ Dân Huyền, cùng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, kể lại: “Ông nói với tôi rằng tớ không được vinh dự có mặt ở vườn hoa Ba Đình như Vũ Hoàng Địch ngày 2-9 năm ấy, nhưng tớ vẫn cứ tưởng tượng ra như mình đang bay trên bầu trời hôm đó. Mình đang cầm bút vẽ, đang cầm máy thu âm, đang cầm máy ảnh… ghi lại được diễn biến và toàn bộ khung cảnh một ngày vui lớn của cả nước”.
Đúng vậy, dù nhạc sĩ Bùi Công Kỳ không có mặt nhưng ông đã thăng hoa trong sáng tác để lại cho đời một “Ba Đình nắng” bất hủ, mà đến nay nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn hát vang. Họ vẫn coi đây như là bài ca của mùa thu cách mạng, mà không cần biết nó ra đời từ bao giờ. Vinh dự ấy của người nhạc sĩ không phải ai cũng có được. Theo nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, ngay sau ngày 2-9-1945, ông đã nung nấu viết một ca khúc về sự kiện lớn lao này nhưng ông cứ loay hoay mãi không biết nên bắt đầu từ đâu. Năm 1947, ông đọc được bài thơ Ba Đình nắng của nhà thơ Vũ Hoàng Địch với những ý tứ rất sâu sắc, lời thơ giàu hình ảnh nên đã quyết định phổ nhạc bài thơ. 
Ca khúc Ba Đình nắng có thể sử dụng dưới hình thức hợp xướng, cũng có thể hát tốp ca, đơn ca nếu không có nhiều người. Có lẽ vì cái “đa dạng” ấy nên rất dễ phổ biến. Về mặt khúc thức, nhìn vào bản nhạc ta thấy có đến 4 lần thay đổi nhịp (2/4 rồi 3/4), khi 1 dấu thăng, lúc chuyển 2 dấu thăng - để cho phù hợp với giai điệu. Nó thể hiện được sự chứng kiến giờ phút thiêng liêng của dân tộc trong ngày dựng nước mà tự sự mà tâm tình: Tôi về đây lắng nghe trong gió mùa thơm ngát. Đoàn thiếu nhi đang tưng bừng ca hát vang trời. Tôi về đây lắng nghe trên quảng đường tiến bước.
Anh thương binh trong chiều vàng đang hát. Nhìn cờ trên kỳ đài phơi phới… Anh thầm tin thu thanh bình sẽ hết điêu linh… Ba mươi sáu phố phường hôm ấy. Là những ngành sóng đỏ sóng cờ. Chói lọi sao vàng cánh xòe trên năm cửa ô. Bài hát từng được nghệ sĩ Trần Khánh thể hiện thành công, được nhiều người yêu thích. 73 năm đã trôi qua kể từ ngày 2-9-1945, hôm nay nghe lại bài hát Ba Đình nắng lòng ta vẫn nguyên vẹn cảm xúc về ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc.

Các tin khác