Dệt ước mơ với tơ sen

(ĐTTCO) - Ít ai có thể ngờ rằng một người phụ nữ thuần nông chất phác quanh năm suốt tháng chỉ bận rộn bên khung cửi với tơ với sợi, lại đang sở hữu kỹ thuật dệt lụa từ cuống sen độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
 Với bà và nhiều người dân nơi này, tơ sen không còn là câu chuyện kể ở một xứ xa vời nào, mà đó chính là họ đang dệt ra những ước mơ cho tương lai.
Đau đáu với nghề
Cách Hà Nội 40km, làng dệt Phùng Xá những ngày này tấp nập hơn hẳn từ khi câu chuyện về người phụ nữ làng lụa biết dệt vải từ tơ sen lan nhanh. Người tìm đến vì tò mò hư hư thực thực, người tìm đến với mong muốn được một lần chạm tay vào tấm vải được dệt nên từ tinh hoa của đất trời, người thì mong có thể học hỏi thêm về nghề… Song tất thẩy đều có chung cảm giác ngỡ ngàng. 
Sinh ra và lớn lên ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa, gia đình bà Phan Thị Thuận nhiều đời ươm tơ dệt lụa. Nhưng tiếng lách cách đưa thoi ngày càng thưa nhặt khi hàng công nghiệp tràn về. Có thời điểm khung cửi giăng đầy mạng nhện, thanh niên rời nhà đi tới các thành phố lớn tìm kế sinh nhai… cả làng chỉ toàn trẻ em và người già. Song người phụ nữ nặng lòng với nghề ươm tơ dệt lụa đã không chấp nhận bị cuốn theo cơn lốc hiện đại hóa ấy. Bên cạnh việc duy trì kỹ thuật dệt truyền thống bà mày mò và đưa vào thử nghiệm cách dệt tơ tự thân, tức biến tằm thành “thợ” dệt. 
Dệt ước mơ với tơ sen ảnh 1 Bà Phan Thị Thuận đã bắt những cọng sen phải nhả tơ.
Ý tưởng trên của bà có được nhờ nhiều năm quan sát loài côn trùng sinh tơ này. Bà nói: “Nhiều lần đứng ngắm con tằm làm tơ, đan kén, cách nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào tôi bỗng nảy ra ý tưởng rằng tại sao không để chúng dệt lụa thay cho người?”. Từ ý tưởng cho tới lúc những sản phẩm đầu tiên từ phương thức dệt “thuận theo tự nhiên” này đơm trái, đã “ngốn” mất của bà gần chục lứa tằm thử nghiệm. Chăn lụa được làm từ những sợi tơ tự nhiên thuần khiết ấy xốp, nhẹ nhưng lại rất bền, chắc khác hẳn với phương pháp cũ do con người kéo kén, ươm tơ…
Chính vì sự độc nhất vô nhị ấy, chăn lụa do tằm tự dệt có giá bán lên tới vài ba triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn cả chính nhờ thành công này đã nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo ra nhiều hơn nữa sản phẩm độc đáo từ chính nghề dệt truyền thống của cha ông. Bà Thuận tâm sự: “Tôi nỗ lực giữ và phát triển nghề của cha ông không chỉ vì trách nhiệm mà còn là cách để nuôi dưỡng tình yêu của chính mình”. Chính tình yêu ấy đã tiếp thêm sức mạnh, giúp bà sáng tạo không ngừng và thành quả là một công ty dâu tằm tơ mang tên Mỹ Đức.
Chia sẻ về cơ duyên dẫn đến với lụa tơ sen bà Thuận kể, lần đầu bà được nghe đến loại lụa dệt từ tơ là nhờ một vị khách đến thăm xưởng. Câu chuyện về tơ sen của người Myanmar, Campuchia cứ luẩn quẩn với bà mãi bởi ao sen trong vùng nhiều, thân sen trước nay là thứ bỏ đi nên việc “bắt” loài cây ấy nhả tơ chưa ai từng nghĩ tới. Được gợi ý, khuyến khích của nhiều người bà Thuận mới bắt tay vào làm thử. Những sợi tơ sen đầu tiên đã ra đời vào tháng 1-2017.
Dệt ước mơ với tơ sen ảnh 2 Khăn dệt từ tơ sen nhẹ, thoáng và thân thiện với con người. 
Tấm lụa mang tinh hoa của đất, trời
Cho tới thời điểm này bà Thuận là phụ nữ duy nhất có những khung cửi tơ sen ở Việt Nam, song cũng không vì thế bà từ chối chia sẻ những kinh nghiệm từ sự mày mò, chắt chiu học được. Bà nói: “Tất cả công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều phải chỉn chu và rất cầu kỳ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lần nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch tơ mới sạch và đẹp. Cuống nào cũng làm được tơ sen, riêng cuống non cho tơ dẻo và đẹp.
Cọng làm sạch sẽ được phân loại bên cứng, bên non, cọng to, cọng nhỏ xếp riêng và khi ấy việc rút tơ mới bắt đầu. Người thợ khéo léo dùng dao tiện một vòng quanh thân rồi dùng tay nhẹ nhàng kéo các sợi tơ, miết qua tấm gỗ tẩm ướt, kéo dài và bện lại với nhau. Quy trình này lặp đi lặp lại vài lần để sợi tơ đủ dày. Những sợi tơ của các cọng sen sau đó được quấn tiếp vào sợi tơ trước, và cứ thế cho đến khi cọng sen hết tơ. Tơ sau khi rút xong được bỏ vào cái bát lớn và quấn vào con suốt lớn. Cuộn tơ này đã sẵn sàng để được nhuộm, dệt và cắt may…”.
Qua lời kể của bà những tưởng mọi việc không mấy khó khăn. Song khi được ngồi bên quan sát người nghệ nhân ấy bắt tay vào se những sợi tơ mong manh, dọa đứt bất cứ lúc nào, mới cảm nhận được sự tỉ mỉ, nhẫn nại và kiên nhẫn hiếm có của người làm nghề. Để có một chiếc khăn quàng cổ bản nhỏ dài cỡ gần 2m cần 4.800 cuống sen phải nhả tơ.
Bà Thuận kể: Thủa ban đầu mày mò khó khăn lắm. Tơ sen mong manh, se được sợi rồi nhưng khi đưa vào khung dệt đứt liên lục, bởi sợi thuần từ thực vật không có cái dai dẻo như tơ tằm. Tấm lụa đầu tiên được dệt ra từ tơ sen không như mong đợi của nhiều người. Nhiều mối nối quá vừa tốn công, tốn sợi mà miếng lụa cũng không mềm mại, mượt mà như mong muốn. Vậy là lại mày mò, cải tiến, nhiều ngày sau, dựa trên một khung dệt truyền thống, một khung dệt mới dành cho tơ sen, nhẹ hơn, độ giật cũng êm hơn đã ra đời.
“Nâng miếng lụa tơ của hoa sen quê mình, tơ của trời đất, trên tay mà nước mắt trào ra… ” - bà Thuận nhớ lại. Bà biết, sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp phần góp thêm 1 viên gạch mới trên con đường gìn giữ khung nghề truyền thống của Phùng Xá quê bà.
 Là người được tận mắt quan sát quá trình se sợi, dệt lụa từ tơ sen truyền thống ở làng In Paw Khon trên hồ Inle, Myanmar, song cảm nhận của phóng viên ảnh Nguyễn Việt Cường về những tấm vải được dệt ở làng Phùng Xá vẫn vô cùng đặc biệt. Anh nói:“Về mặt trình diễn rõ ràng các nghệ nhân ở làng In Paw Khon khéo léo và tạo ra sức hút đặc biệt với du khách, song những sợi sen được tạo ra do nghệ nhân Thuận lại rất mảnh và săn chắc. Tấm lụa tơ sen được dệt ra bởi các khung cửi truyền thống ở làng Phùng Xá, tuy màu sắc còn giữ nguyên bản nhưng lại mịn màng hơn so với sản phẩm mang về từ Myanmar”.
Cũng giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác, lụa tơ sen do làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều công sức, nên giá khá cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm. Kén khách, kén cả cách sử dụng nhưng lụa làm từ nguyên liệu đặc biệt, thân thiện với thiên nhiên và con người nên sản phẩm làm ra đều được nâng niu đón nhận. Có vị khách đã không kiềm chế được cảm xúc đã thốt lên rằng “Ấp vuông lụa dệt thử lên, hít một hơi thật sâu sẽ thấy những đầm sen cất tiếng. Tiếng nói của đất đai thơm thảo, của cội rễ ngàn năm vọng lại lòng mình”.
Đến thời điểm này, xưởng dệt của bà Thuận có gần 20 nhân công. Vì sen miền Bắc mọc 1 mùa nên việc chủ yếu của những thợ vẫn là dệt tơ tằm truyền thống, đó cũng là nguồn thu nhập chính của xưởng. Song dệt tơ sen với bà Thuận cũng như những người thợ dệt không đơn thuần là công việc, mà đó còn là niềm vui, là nơi để biến mơ ước thành những điều hiện hữu.

Các tin khác