Độc đáo nhà Gươl người Cơ Tu

(ĐTTCO) - Nhà Gươl nằm ngay giữa thôn A Ka (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) phối hợp cùng Khoa Kiến trúc Trường Đại học Khoa học Huế và Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thực hiện, đã góp phần tạo môi trường duy trì bản sắc văn hóa của người Cơ Tu nơi đây. 

Ngôi nhà chung cộng đồng
Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, chia sẻ Gươl theo tiếng Cơ Tu là cộng đồng, nên nhà Gươl là ngôi nhà chung "linh hồn làng" được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu, để gắn kết các thành viên trong làng thành một khối đoàn kết, thống nhất. “Người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng chính giữa làng và làm bằng công sức của mọi người trong làng.
Những trai tráng chưa vợ, những người già mỗi đêm thường đến ngủ trong nhà làng, vì người Cơ Tu coi đây là nơi linh thiêng, luôn có sự hiện diện các các thần linh và tổ tiên, ông bà họ... Song trong những năm chiến tranh, theo thời gian, thiên tai, ngôi nhà truyền thống này đã bị hư hại, nhiều thôn bản của người Cơ Tu hiện nay không còn nhà cộng động nào, dẫn đến việc mất đi những không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào” - ông Trần Quốc Phụng nói.
Độc đáo nhà Gươl người Cơ Tu ảnh 1 Khánh thành và bàn giao nhà Gươl truyền thống cho đồng bào Cơ Tu. 
Dự án phục dựng nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu ở thôn A Ka nằm trong chương trình “Phục dựng và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống” được thực hiện với tổng vốn 316,8 triệu đồng. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại 125 triệu đồng (do Đại học Kyoto tài trợ) và vốn đối ứng 191,8 triệu đồng, được đóng góp bằng ngày công của người dân địa phương và vật liệu xây dựng.
Sau khi kết thúc tài trợ của chương trình “Phục dựng và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống”, sự đóng góp của người dân địa phương và các nguồn thu khác thông qua các chương trình tham quan nhà cộng đồng của du khách sẽ là nguồn kinh phí để tiếp tục hoạt động duy tu, bảo quản công trình.
Độc đáo nhà Gươl người Cơ Tu ảnh 2 Nét kiến trúc độc đáo của nhà Gươl. 
Nhà Gươl là nơi để hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng, là nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa 2 làng người Cơ Tu, lễ ăn mừng được mùa… Chiều cao nhà Gươl khoảng 8m, được chống bởi cây cột cái ở giữa, cùng với 8 cây cột con ở xung quanh, mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây. Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào.

Phát huy giá trị bản sắc văn hóa Cơ Tu
Khác với nhiều dự án hỗ trợ triển khai phục dựng nhà cộng đồng ở Nam Đông trong thời gian qua, việc phục dựng nhà Gươl ở thôn A Ka hoàn toàn dựa vào cộng đồng. Đây chính là điểm nổi bật nhất của dự án về phương pháp tiến hành. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết trước khi bắt tay khởi công phục dựng nhà Gươl, các chuyên gia đã trao đổi, tham vấn kỹ các ý kiến của cộng đồng từ hình thức kiến trúc, phương pháp xây dựng, vật liệu, quy mô sử dụng... phù hợp với thực tế của địa phương, giữ được bản sắc truyền thống. Người dân cũng tham gia trực tiếp việc phục dựng, góp công sức vào việc tạo nên hình hài cho không gian văn hóa của đồng bào mình. Hiện, nhiều nghệ nhân, già làng - những người nắm giữ các tri thức kinh nghiệm - hầu hết đều lớn tuổi, hoặc đã qua đời.
Và có khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi kho kiến thức đã được tích lũy qua bao đời, nếu chúng ta không nhanh chóng tạo cơ hội, môi trường cho họ thực hành, trao truyền. 
Vào thăm ngôi nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu ở thôn A Ka là dịp để chiêm nghiệm các nét kiến trúc, chạm khắc tinh tế trên những cột nhà, trên các cột vách và xem trưng bày các sưu tập nhạc cụ dân tộc, lại luôn có sẵn những người có thể biểu diễn các điệu múa hát như Dza-dzá, các điệu vũ nhạc khi được yêu cầu. Ấn tượng nhất là trong quá trình phục dựng nhà Gươl ở thôn A Ka, tất cả các công đoạn đều được các chuyên gia ghi chép, chụp ảnh, quay phim, vừa làm tư liệu lưu trữ vừa làm tư liệu giảng dạy và truyền bá kỹ thuật xây dựng truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
PGS.TS Miki Yoshizumi (Đại học Kyoto) cho biết: “Quá trình triển khai dự án, chúng tôi may mắn được trò chuyện với người dân ở thôn A Ka và mọi người phát hiện nhiều vấn đề bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống. Đặc biệt, qua thảo luận, gặp mặt nhiều lần với người dân địa phương, cuối cùng họ đã hiểu ra việc mình có cơ hội tốt để phục dựng lại ngôi nhà Gươl mới để phục vụ cộng đồng theo đúng truyền thống. Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng những nét văn hóa bản địa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu sẽ luôn được bảo tồn, gìn giữ”.

Các tin khác