Hai trang nam nhi bí danh Mã

(ĐTTCO) - Mỗi lần về Việt Bắc, tôi lại nhớ đến 2 anh em chiến tướng Dũng Mã và Sơn Mã nổi danh thời đánh Pháp. 
Dũng Mã tên thật Nguyễn Xáng, sinh năm 1923, còn người em kế Sơn Mã tên thật Nguyễn Huynh sinh năm 1925, nhỏ hơn anh 2 tuổi. Hai anh em không ai cầm tinh con ngựa, nhưng lại đều lấy bí danh có chữ Mã.
“Ngựa chiến” núi rừng Việt Bắc

Cách đây tròn 20 năm, vào tháng 7-1997, lần đầu tiên tôi được gặp và phỏng vấn Thiếu tướng Dũng Mã tại nhà riêng của ông ở Thủ Đức, TPHCM. Từ đó tôi trở thành khách quen của gia đình ông. Chiến tướng cho hay anh em ông vốn rất yêu thích hành khúc "Chiến sĩ Việt Nam" của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác khoảng năm 1944.
Ca khúc được phổ biến khắp nơi, có sức thôi thúc bao lớp thanh niên tòng quân giết giặc cứu nước, với nhạc và lời hùng tráng: Bao chiến sĩ anh hùng. Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước Nam đang chờ, mong tay người hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời. Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng. Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống thác coi thường, mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai…

Bước vào con đường cách mạng, hoạt động bí mật, mỗi người đều cần có bí danh. Chàng trai Nguyễn Xáng vốn ham cưỡi ngựa, lại mê bài hát "Chiến sĩ Việt Nam", nhất là câu Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng, nên đã lấy tên Dũng Mã. Sau đó, người em Nguyễn Huynh từ miền Trung ra Việt Bắc, noi theo anh đặt bí danh cho mình là Sơn Mã. Quê nội ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng Dũng Mã - Sơn Mã đều sinh ra và lớn lên ở quê ngoại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
“Cha tôi là nông dân rất hiếu học nhưng không có điều kiện đi học đến nơi đến chốn. Ông tự học chữ Nho và chữ Quốc ngữ, viết được văn tự, giúp bà con trong làng khi có việc. Ông là người nghiêm khắc, còn mẹ tôi là phụ nữ chân quê, hiền lành, hết lòng vì chồng con. Nhà tôi đông anh chị em, 2 gái 7 trai. Cha tôi bảo rằng do không có điều kiện nên chỉ đứa nào lanh lợi, tiếp thu nhanh, sức khỏe tốt mới được học lên cao. Tôi học hết cấp 2 thi đậu diplome, đang học tiếp cấp 3 thì thi đỗ vào Trường cao đẳng Công chính Hà Nội. Nếu không vào bộ đội, sau 4 năm sẽ tốt nghiệp kỹ sư xây dựng” - Thiếu tướng Dũng Mã tâm sự.
Hai trang nam nhi bí danh Mã ảnh 1 Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung đoàn trưởng Thái Dũng trước hang đá Lam Sơn ở Cao Bằng năm 1950 - Ảnh: Vũ Năng An 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Xáng học tiếp năm thứ 2 Trường cao đẳng Công chính Hà Nội, tham gia hoạt động trong Hội Sinh viên cứu quốc. Tình hình đất nước ngày càng lâm nguy, ông cùng nhiều sinh viên khác đã “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ và được cử đi học Trường Quân chính Bắc Sơn tại Thái Nguyên đầu năm 1946.
Cũng năm 1946, tốt nghiệp Trường Quân chính Quảng Ngãi, Nguyễn Huynh - Sơn Mã được điều ra Việt Bắc làm huấn luyện viên Trường Sĩ quan Trần Quốc Tuấn. Giữa năm 1949, Đại đoàn 308 Quân tiên phong, đại đoàn đầu tiên của quân đội ta được thành lập, anh em Dũng Mã - Sơn Mã cùng về công tác ở đại đoàn này. Tuy ở 2 tiểu đoàn khác nhau, nhưng họ thường tham gia cùng chiến dịch, cùng phối hợp tác chiến, chia sẻ thắng lợi lẫn khó khăn. 

Tấm ảnh lịch sử quý giá

Cuối năm 1950, lúc vừa bế mạc Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới tại khu rừng núi đá gần phía Nam thị xã Cao Bằng, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đến bảo Dũng Mã: "Theo đề nghị của anh Văn, Bác cho gọi 3 cậu Dũng đến gặp Bác tại nhà riêng". Dũng Mã phấn khởi thu xếp ngay lên đường. "3 cậu Dũng" là Thái Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, Thế Dũng - Chính trị viên Trung đoàn 102 và Dũng Mã - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 - Phủ Thông. Tất cả đều thuộc Đại đoàn 308. 

"Nhà riêng" của Hồ Chủ tịch theo lời nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An thật ra là cái lán nhỏ ở cửa hang núi đá Lam Sơn. Thái Dũng và Dũng Mã đến trước. Sau khi nghe 2 chỉ huy trẻ báo cáo, lãnh tụ gật đầu khen: "Hai Dũng đánh giặc giỏi, tên xứng với người". Rồi Người ân cần căn dặn: "Dũng cảm nhưng cần phải mưu trí nữa". Nhìn thấy cánh tay phải của Thái Dũng bị cụt bàn tay, Hồ Chủ tịch xúc động hỏi: "Chú có gặp khó khăn lắm trong sinh hoạt và chiến đấu không?". Trung đoàn trưởng Thái Dũng trả lời: "Thưa Bác, dần dần cháu cũng quen. Chỉ có trèo cây và leo núi đá là khó thôi ạ!". Mọi người cùng ồ lên cười vui vẻ… 

Chờ mãi mà không thấy Chính trị viên Trung đoàn 102 Thế Dũng đến, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An sợ trời hết nắng, xin phép cho chụp bức ảnh kỷ niệm nhân buổi gặp thân mật. Đó chính là 1 trong những bức ảnh lịch sử nổi tiếng nhất trong thời đánh Pháp ở Việt Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, Bảo tàng Quân đội đã tặng lại tướng Dũng Mã bức ảnh này khổ lớn để làm kỷ niệm.

Sự động viên của 2 nhà lãnh đạo tối cao

Thu Đông 1952, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 2 giải phóng Tây Bắc. Lúc đó, Dũng Mã đã được thăng chức Trung đoàn phó Trung đoàn 209 - Sông Lô thuộc Đại đoàn 312. Còn người em Sơn Mã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.
Bấy giờ, quân ta đang thắng lớn trên chiến trường phía Tây Bắc, quân Pháp cho một binh đoàn tinh nhuệ nhảy dù xuống Đoan Hùng, giáp ranh hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, nhằm đánh vào hậu phương ta để đỡ đòn cho hướng Tây Bắc. Trung đoàn 36 được lệnh cấp tốc quay về đánh quân Pháp rút lui từ Đoan Hùng về Việt Trì thuộc Phú Thọ, giành thắng lợi lớn, tiêu diệt trên 400 tên địch và nhiều xe cơ giới. 

Trên đường truy kích địch tháo chạy theo đường số 2, đoạn cầu Hai - Trạm Thản, Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã dẫn đầu một bộ phận Tiểu đoàn 84 đánh địch thì bất ngờ bị trúng đạn và hy sinh khi trận đánh sắp kết thúc. Đầu tháng 12-1952, Dũng Mã cũng bị thương trong trận tấn công cứ điểm Bản Vây của quân Pháp ở Nà Sản. Ông được đưa về điều trị tại bệnh viện dã chiến gần thị xã Hòa Bình.
Khoảng mười ngày sau, ông bất ngờ nhận được thư của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng thiệp chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo một chiếc áo lụa. Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Lúc đầu tôi được tin Sơn Mã và Dũng Mã đều hy sinh nên rất buồn, nhưng sau được biết Dũng Mã chỉ bị thương nên viết thư thăm và chia buồn. Cậu tranh thủ viết kinh nghiệm về trận đánh vừa qua. Bác có quà gửi tặng cậu đây...".
Còn tấm thiệp chúc Tết Quý Tỵ 1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính tay Người viết mấy dòng bằng mực đỏ: "Bác gửi biếu chú 1 cái áo lụa và chúc chú mau lành mạnh. Nhờ chú chuyển cho anh em thương binh, bệnh binh, cán bộ và nhân viên ở nhà thương - lời thân ái chúc năm mới của Bác". 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Dũng Mã là Trung đoàn trưởng - Đặc phái viên tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng Pháp, ông về Hà Nội được phân công làm Trưởng khoa Chiến thuật Trường Quân sự trung cao cấp - tiền thân của Học viện Lục quân ngày nay. Sau đó, ông được điều sang làm Tham mưu trưởng Quân khu Đông Bắc, rồi Tham mưu trưởng Hải quân Đông Bắc. Đến năm 1970, ông sang Lào làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận 31 Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng phối hợp tác chiến với bộ đội Pathét Lào. 

Cuối năm 1973, Dũng Mã bị thương khá nặng tại sở chỉ huy tiền phương đặt ở sườn núi Phu - Húa - Sạn (điểm cao 1.830m), trong lúc trực tiếp chỉ huy đánh trả cuộc tiến công lấn chiếm của địch ra phía Nam Cánh đồng Chum. Ông được đưa cấp tốc về Hà Nội rồi sang Liên Xô điều trị gần 1 năm. Sức khỏe bình phục, ông được chuyển về công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Đến cuối năm 1977, ông lại được điều về làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử quân sự, rồi Cục trưởng Cục Kế hoạch huấn luyện của Học viện Quân sự cấp cao, nay là Học viện Quốc phòng.

Cách đây 15 năm tướng Dũng Mã bất ngờ ra đi sau một tai nạn vào tháng 6-2002. Ở dưới suối vàng, chắc ông cũng tìm về Việt Bắc sum họp cùng người em Sơn Mã và bao đồng đội năm xưa.

Các tin khác