K9 - Từ khu căn cứ trở thành địa chỉ đỏ

(ĐTTCO) - Những ngày giữa tháng 8-2018, theo chân đoàn 3 báo Đảng (Hà Nội Mới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng) chúng tôi có dịp ghé thăm Khu Di tích K9. Là người miền Nam, có lẽ chúng tôi chỉ biết K9 trong sách vở.
 Nay mắt thấy tai nghe, K9 từ năm 1969 - 1975 là địa điểm bí mật cất giữ thi hài của Bác, đó cũng là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện giàu xúc cảm về Người.
Hình ảnh Bác vẫn còn lưu mãi
K9 còn gọi là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm tại khu Đá Chông thuộc huyện Ba Vì (xưa Hà Tây, nay Hà Nội), cách thị xã Sơn Tây về phía Tây khoảng 25km. Diện tích rộng 234ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ rộng. Nơi đây có nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông, ngọn mác như mọc ở dưới đất lên, có lẽ vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông. Còn theo truyền thuyết, cả khu Đá Chông như một con rồng uốn khúc. Đỉnh núi cao nhất phía Đông Bắc mà dân ở đây vẫn gọi là đỉnh U Rồng. Còn vị trí K9 là đầu con rồng đang trong tư thế cúi xuống dòng sông Đà.
Theo những tài liệu ghi lại, vào tháng 5-1957, trong một lần kiểm tra Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, Bác đã dừng chân nghỉ ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, nhưng “Sơn thủy, hữu tình”, khí hậu mát mẻ, lại thuận lợi về giao thông, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm khu căn cứ, nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách, khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ, khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.
K9 - Từ khu căn cứ trở thành địa chỉ đỏ ảnh 1 Từ trái qua: Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP; Trung tá Nguyễn Quang Bình, Phó Đoàn trưởng Đoàn 285, phụ trách K9; ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới; ông Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng thư ký Báo SGGP... tham quan Khu di tích K9. 
Trung tá Nguyễn Quang Bình, Phó Đoàn trưởng Đoàn 285, phụ trách K9, dẫn chúng tôi đến tham quan ngôi nhà chính trong khuôn viên K9, cho biết đây là nơi trước đây dùng để hội họp, tiếp khách, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương, lúc xây dựng đã được Bác cắm mốc, nhắm hướng. Ngôi nhà được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn-ngôi nhà quen thuộc của Bác ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch-Hà Nội. Vì vậy, ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là “Nhà sàn”, có diện tích 275m2, gồm 2 tầng.
Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác được lưu lại: “Sau khi Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần hoàn thành việc thiết kế, Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà cụ thể, tỉ mỉ: Tầng 1 không làm cửa đóng, then cài mà thiết kế cánh cửa đẩy ra, vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng; bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao; cầu thang, hành lang phải rộng; cửa sổ không chắn song để nhìn ra bức tranh thiên nhiên xung quanh…
Ngôi nhà được khởi công vào tháng 9-1959 và khánh thành vào ngày 15-3-1960. Ngày 5-8-2010, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Doanh trại Quân đội, Cục Doanh trại đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức gắn tấm biển “Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969”.
Tầng trệt ngôi nhà có 2 phòng. Phòng lớn được bố trí làm phòng họp chính của Trung ương và phòng nghỉ của đồng chí Vũ Kỳ. Năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Khu Di tích K9 đã bồi hồi xúc động chỉ chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì hội nghị. Bên trái Bác là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng; bên phải Bác ngồi là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác. Sau đó Đại tướng đã ngồi vào chiếc ghế trước đây ông ngồi dự họp và ghi dòng chữ vào sổ lưu niệm “… ngồi nhìn ra sông Đà, nhớ Bác vô cùng”.
K9 - Từ khu căn cứ trở thành địa chỉ đỏ ảnh 2 Khu nhà kính, phía dưới là căn hầm trú ẩn, cũng là nơi lưu giữ thi hài Bác. 
Tầng trên của ngôi nhà có 4 phòng: 2 phòng khách, phòng họp và phòng Bác nghỉ. 2 phòng khách được bố trí sắp đặt giống nhau. Tại đây, năm 1961 Bác đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai), và năm 1962 Bác đã đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.M Ti Tốp. Cạnh 2 phòng khách là phòng họp nhỏ. Căn phòng này đã diễn ra nhiều cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bàn bạc và quyết định những việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau này.
Phía Tây ngôi nhà có căn hầm trú ẩn. Theo các nhân chứng, chiếc hầm này được xây dựng cùng với thời gian xây dựng ngôi nhà 2 tầng, để đối phó với chiến tranh mở rộng của Mỹ bằng không quân ra miền Bắc và đề phòng máy bay địch ném bom xuống khu vực. Nóc hầm xây cao, phía trên có trồng cây để ngụy trang. Phía dưới đào sâu xuống lòng đất khoảng 3m, lối lên xuống được xây bằng đá; lòng hầm rộng cho người trú ẩn.
Sinh thời, Bác vốn rất yêu thiên nhiên, vì vậy khi xây dựng các công trình ở khu vực này, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Văn phòng Trung ương Đảng: Một mặt phải bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, tuyệt đối không được chặt phá cây bừa bãi; mặt khác phải tạo được những mảnh vườn nhỏ để trồng cây, tăng gia, vừa lao động rèn luyện sức khỏe, vừa có sản phẩm trực tiếp phục vụ bữa ăn hàng ngày.
K9 - Từ khu căn cứ trở thành địa chỉ đỏ ảnh 3 Căn nhà 2 tầng nơi Bác làm việc, tiếp khách và nghỉ ngơi.
Mỏm đá tự nhiên nằm chính giữa trước ngôi nhà 2 tầng. Khi xây dựng ngôi nhà, Bác yêu cầu xây quây lại thành hòn non bộ trang trí cho ngôi nhà, vườn cây và cả khu vực. Những người thợ xây dựng lúc bấy giờ đã kể lại: Lúc đầu chiếc bể xây bao quanh hòn non bộ không phù hợp, Bác đã nhắc khéo “Các chú mặc quần áo chật có chịu được không?”. Sau đó những người thợ xây dựng đã nới rộng chiếc bể to ra tương xứng với chiều cao của hòn non bộ. Khi đưa nước, thả cá, thả rùa vào, hòn non bộ trở thành một “tiểu cảnh” rất đẹp. Những lần tiếp khách tại đây, Bác đều giới thiệu và chụp ảnh với các vị khách bên hòn non bộ.
Con đường chạy từ chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội. Hai bên đường trồng hàng râm bụt gợi nhớ đến hàng rào quanh nhà Bác ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Hiện nay còn một số cây râm bụt được trồng từ năm 1960. Con đường này được làm cùng với ngôi nhà 2 tầng, khi thi công anh em đề nghị lát gạch hoặc láng bê tông cho phẳng, cho sạch, tạo thuận lợi mỗi khi đi lên xuống. Nhưng Bác yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát. Ngắm nhìn Bác mỗi lần leo dốc rèn luyện thân thể, anh em tự đặt tên cho con đường: “Đường rèn luyện sức khỏe”. 

Giữ yên giấc ngủ của Người
Như một sự sắp xếp, trong những lần lên K9 làm việc, Bác đã trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Bá Đặng… quyết định việc đào hầm trú ẩn ở K9. Sau đó, bộ đội Công binh đã đào một căn hầm rộng ngay phía sau ngôi nhà 2 tầng. Khi Bác lên quan sát thấy địa thế không phù hợp (ở trên mỏm cao, không có địa hình che chắn khi địch sử dụng hỏa lực từ sông Đà), Bác đã yêu cầu chuyển xuống vị trí sườn đồi. Theo Bác, vị trí này có sự che chắn của đỉnh U Rồng, máy bay địch khó có thể đánh phá được. 
K9 - Từ khu căn cứ trở thành địa chỉ đỏ ảnh 4 Những chiếc xe đi vào lịch sử. 
Và như một định mệnh, khi Bác Hồ qua đời ngày 2-9-1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông để giữ gìn thi hài Bác, bởi bảo đảm được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm”. Đó là vào ngày 24-12-1969, thi hài Bác được di chuyển từ Hà Nội lên Khu căn cứ Đá Chông với nhiệm vụ đặc biệt: “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Mãi cho đến ngày 18-7-1975, thi hài Bác được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. 
Ban đầu, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác có ý định chỉ sử dụng ngôi nhà đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc phục vụ nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Sau đó, Quân ủy Trung ương quyết định cải tạo cả hệ thống hầm ngầm cũ để có thể đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này.
Công trình được khởi công ngày 10-9-1969 và khánh thành ngày 15-12-1969. Cải tạo hầm ngầm cũ là công việc nặng nhọc nhất, khó khăn nhất, để làm thêm một vách ngách hầm đặt máy điều hòa và dụng cụ y tế, đã phải đào một cái giếng rộng 5m, sâu 6m xuống nóc hầm ngầm rồi dùng khoan tay (không được dùng chất nổ) khoan 1.800 mũi suốt ngày đêm mới dỡ được nóc hầm bê tông cốt thép để dùng tời đưa một cánh cửa sắt nặng 3 tấn xuống độ sâu 6m không có cẩu.
Để đưa được thi hài Bác lên xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng, không rung xóc, 2 kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quý Khôi đã nghiên cứu thiết kế đường ray thay việc khiêng linh cữu từ trên xuống hoặc từ dưới lên, Xưởng 49 quốc phòng thi công và lắp đặt. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên 2 đường ray uốn cong, nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn luôn giữ được thế cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Bác.
Trong 6 năm chiến tranh (1969-1975), ngôi nhà này dùng cho các chuyên gia y tế Liên Xô ở để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Khi xây dựng ngôi nhà, cây thông ngoài hành lang được giữ lại vừa bảo vệ môi trường, vừa ngụy trang cho ngôi nhà. Mỗi khi cây lớn, chiếc lỗ lại được nới rộng ra cho cây phát triển.

Những chiếc xe lịch sử
Chỉ cho đoàn chúng tôi xem khu vực để những chiếc xe một thời gắn với Bác như người bạn chiến đấu, cũng như cùng các chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) phục vụ Bác trong những năm tháng khi Bác mất (di chuyển thi hài Bác 6 lần vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối), cô gái thuyết minh về lịch sử K9 nói: Đây là chiếc UAZ chuyên làm nhiệm vụ cứu thương biển số FH-1468, kia là chiếc xe Zin 157 biển số 470-189 và chiếc xe PAP biển số 31-162 vừa đi trên cạn vừa đi dưới nước. 
Ngày 2-9-1969, chiếc UAZ do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái đã đưa thi hài Bác từ ngôi nhà 67- cạnh Nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch về Công trình 75A trong Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Đêm ngày 5-9-1969, tiếp tục đưa thi hài Bác từ Công trình 75A về Công trình 75B (Hội trường Ba Đình) để phục vụ Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối ngày 9-9-1969 tiếp tục di chuyển thi hài Bác từ Hội trường Ba Đình trở về Công trình 75A.
 Có lần để thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 (trong khuôn viên K9) bằng đường bộ, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác đã chọn xe Zin 157 và giao nhiệm vụ cho Đội 295, Cục Quản lý xe máy, Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, cải tạo lại các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.
Đêm 23-12-1969, chiếc xe Zin 157 do đồng chí Nguyễn Văn Thinh, Đội trưởng Đội xe thuộc Tổng cục Hậu cần lái đã di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A lên K84 an toàn.  Đêm ngày 3-12-1970, tiếp tục di chuyển thi hài Bác từ K84 về Công trình 75A tại Hà Nội, đề phòng máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực Sơn Tây, Đá Chông. Trưa ngày 19-8-1971, di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A lên K84, đề phòng lũ lụt ở thủ đô Hà Nội.
Trong đội hình các phương tiện di chuyển thi hài Bác vào ngày 19-8-1971, do trời mưa to, nhiều đoạn đường bị ngập, chiếc xe PAP đã đi đầu trinh sát dẫn đường. Đến 17 giờ chiều ngày 19-8-1971, đoàn xe chở thi hài Bác đến lối rẽ vào K84. Nhưng đoạn đường từ cổng K84 và Khu A bị ngập sâu (do đỉnh lũ ở Sơn Tây lên cao, làm cho đoạn đê sông Đà ở Khê Thượng bị vỡ), xe Zin 157 chở thi hài Bác không thể đi được nữa.
Trong tình huống hết sức khẩn trương đó, thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo, Đoàn 69 đã chọn phương án: chuyển thi hài Bác lên xe hồng thập tự, rồi bắc cầu để cả xe hồng thập tự bò lên chiếc xe PAP, để chiếc xe PAP lội nước, vượt ngầm sâu đi vào khu vực nhà kính tại K84 an toàn. Hay vào đêm 11-7-1972, chiếc xe PAP đã di chuyển thi hài Bác vượt sông Đà từ K84 về H21, đề phòng Mỹ tiếp tục tấn công mở rộng bằng không quân ra miền Bắc. Sáng sớm ngày 9-2-1973 (tức ngày mồng 5 Tết Quý Sửu), chiếc xe PAP tiếp tục di chuyển thi hài Bác vượt sông Đà từ H21 trở lại K84 an toàn. Chiều ngày 18-7-1975, chiếc xe PAP đã tiếp tục làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác từ K84 trở về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tá Nguyễn Quang Bình cho biết, hiện nay Khu Di tích K9 luôn được bảo tồn, tôn tạo và phát huy tích cực các giá trị di sản lịch sử, văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa và những giá trị lịch sử của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới, thời gian tới, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng tham quan Khu Di tích K9, tổ chức đón tiếp đồng bào, chiến sĩ trong cả nước đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan tại Khu Di tích. Đây là thời cơ để cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đơn vị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đóng góp sức mình để góp phần làm cho nơi đây thật sự là địa danh lịch sử cách mạng, văn hóa, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam. 

Các tin khác