Khí tiết Trương Công Định

(ĐTTCO) - LTS: Dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh cũng trùng với ngày người dân Nam bộ tổ chức cúng tế, làm lễ giỗ Trương Công Định (Trương Định) vào ngày 19 và 20-8 Dương lịch. 
Cuộc khởi nghĩa chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược của vị anh hùng dân tộc này chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 1859 đến 1864 nhưng đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Không khoan nhượng giặc cướp nước
Từ năm Tự Đức thứ 11 trở đi, đất nước đi vào khúc quanh lịch sử. Pháp bắt đầu đưa quân xâm chiếm đất nước ta: Tấn công Đà Nẵng (1858), chiếm Gia Định (1859), chiếm Định Tường (1861), Biên Hòa và Vĩnh Long (1862). Một bộ phận đất đai của Việt Nam lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Nhân dân khổ cực, lòng người ly tán.
Nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa. Đất nước trên bờ vực thẳm. Lúc ấy Tự Đức và triều thần nhu nhược, không đề ra được quyết sách nào để chống lại hiểm họa xâm lăng. Khiếp sợ trước lực lượng hùng mạnh, vũ khí tối tân của Pháp, ngày 9-5-1862 vua Tự Đức đã ký hòa ước với Pháp (còn được gọi là hòa ước Nhâm Tuất), mở đường cho thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.
Khí tiết Trương Công Định ảnh 1 Tượng đài Trương Định  ở trung tâm thị xã Gò Công. 
Trước hiểm họa bị xâm lăng, các nhóm nghĩa quân dưới sự chủ xướng và lãnh đạo của Đỗ Đình Thoại, Phủ Cậu, Thiên Hộ Dương, Quảng Tu, Nguyễn Trung Trực, Trương Định... đã đứng lên, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào, gây cho địch nhiều tổn thất. Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tác phẩm “Chống xâm lăng”, đã viết: “Trương Định thật sự là vị anh hùng xuất chúng, xuất chúng nhất nhì trong cuộc Nam kỳ kháng chiến”.
Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều  (Gia Định) để ngăn chặn. Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, Trương Định đã đánh thắng giặc Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây Mai… Năm 1860, dưới quyền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định tham gia giữ đồn Kỳ Hòa, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.
Khí tiết Trương Công Định ảnh 2 Nhóm nghĩa quân khởi nghĩa chống Pháp của Trương Định. 
Sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của Tự Đức, Trương Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Định làm Bình Tây Đại nguyên soái.
Ông là người thương dân chân thành và yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Trương Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”. Trong tuyên ngôn công bố với triều đình và nhân dân, Trương Định nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây, sẽ đề kháng, xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch. Dân chúng đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…”. Nội dung bản tuyên ngôn này thể hiện lập trường và quyết tâm chống Pháp, bảo vệ đất nước của người thủ lĩnh nghĩa quân và của nhân dân Việt Nam. 
Lúc này, lực lượng nghĩa quân của Trương Định lên đến gần 6.000 người. Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, cùng nhiều danh sĩ ở Nam kỳ nhiệt tình ủng hộ Trương Định trong công cuộc chống Pháp. Trương Định đã liên kết với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Đình Thoại… cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển Đông đến biên giới Campuchia.
Khí tiết Trương Công Định ảnh 3  Mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công. 
Trong tác phẩm Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861-1862, xuất bản tại Paris năm 1865, đã viết về lực lượng chiến đấu của Trương Định: “Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt cứ điểm nào họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công… Làm cho đối phương luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua…” . 
Từ căn cứ kháng chiến, nghĩa quân của Trương Định liên tục tấn công các đồn, bốt của Pháp. Lúc này, quân Pháp huy động lực lượng hùng hậu bao vây, tấn công căn cứ nghĩa quân, Trương Định buộc phải rút quân về Biên Hòa lập căn cứ ở Lý Nhơn và đưa một bộ phận nghĩa quân về Thủ Dầu Một - Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Tân Hòa, ông rơi vào vòng vây của quân Pháp do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn - tên này trước kia từng theo ông chống Pháp đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về làm tay sai cho Pháp. Trương Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Định rút gươm tự sát vào ngày 20-8-1864, bảo tồn khí tiết khi tuổi đời mới 44 tuổi.
Thương tiếc người anh hùng dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và 1 bài văn tế khóc người anh hùng:
“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
Thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái
Xưa còn làm tướng, giốc rạng ngời hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phúc thán…”.


Bảo vệ Tổ quốc đến cùng
Trương Định hay Trương Công Định, sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị. Năm 1844 Trương Định theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, ông ngụ ngay nơi cha đóng quân.
Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay). Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm
Tháng 2-1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Sau đó, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, và từng đánh thắng đối phương ở Cây Mai, Thị Nghè… Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa.
Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định - Định Tường. Ở đây, Trương Định tổ chức lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Sử nhà Nguyễn chép: Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thành Gia Định hữu sự, Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định. Tháng 7-1862, từ khi đã định hòa ước rồi, vua Tự Đức truyền dụ Nam kỳ nghỉ binh và đòi Trương Định ra Phú Yên.
Khi ấy trong các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa những người ứng nghĩa rủ nhau đoàn kết, tôn Trương Định làm Đại đầu mục, xin cho ra đánh, Đình thần không thuận, nhưng Trương Định không chịu về cung chức, bị cách các chức hàm.
Trên thực tế, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.
Ngày 16-12-1862, Trương Định ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Tháng 2-1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26-2-1863, Pháp đánh chiếm thành trì, ông thoát khỏi vòng vây và kéo quân về Biên Hòa.
Tháng 9-1863, tướng Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định. Ngày 19-8-1864, Huỳnh Công Tấn, một người từng theo ông chống Pháp, phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương, đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 20-8-1864.
Hay tin Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức truy tặng ông phẩm hàm, và năm 1871 cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Ngãi). Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp. Khí tiết của Trương Định mãi tỏa sáng bởi lòng yêu nước, ý chí quật khởi, không cam phận chịu thế yếu hèn. Trong thư trả lời thư dụ hàng của tướng Pháp Bonard vào cuối năm 1862, ông viết: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.
Ông trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp: “Triều đình nghị hòa cứ nghị hòa còn việc của Định, Định cứ làm. Định thà đắc tội với triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san chìm đắm...”.
Tuyên bố của Trương Định gửi các quan ở Vĩnh Long, để tỏ ý ly khai với Nam triều (vì sau hòa ước Nhâm Tuất, vua Tự Đức ra lệnh ông phải bãi binh) vào tháng 2-1863, viết: “Muốn trở lại y như xưa, dân chúng 3 tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm khác được. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu vào hướng Đông cũng như hướng Tây, chúng tôi chống đối và chiến đấu. Chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc cướp...”.

Cọp chết để da, người để tiếng
Trung úy Léopold Pallu (1828-1891), sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của Phó đề đốc Charner, và là người chỉ huy đội thủy quân lục chiến đánh vào Đại đồn Chí Hòa, thành Định Tường (Mỹ Tho), viết: Lúc bấy giờ (tháng 6-1861) có một người An Nam rất cương quyết và hào hùng tên là Trương Định cho biết sẽ dấy loạn khởi nghĩa trong toàn xứ. Là một trong số những người nhiều nghị lực nhất, anh ta đánh lừa là đã chết trong trận Gò Công, nhưng sau đó lại xuất hiện và chiến đấu trong hết mùa mưa. Mãi về sau này, khi ta đã chiếm Biên Hòa, tên Trương Định tung hoành tàn phá hết 2 vùng tứ giác của ta…
Sách Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm của nhà văn Sơn Nam, có đoạn: Yêu nước đậm đà, khẳng khái trước nghĩa lớn, đứng hàng đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam kỳ vẫn là Trương Định. Mang ơn vua, giữ đất cho vua (Gò Công là nơi phát tích của Phạm Đăng Hưng và con gái là bà Từ Dũ), nhưng chống lệnh khi cắt đất cho Pháp. Trương Định và dân đồn điền lợi dụng địa hình rừng ngập mặn Gò Công để khởi nghĩa, đắp đập, xây lũy.
Giặc phải vất vả, tổ chức nội ứng mới giết được ông, qua nhiều cuộc hành quân cấp tướng, bố trí súng lớn trên thuyền nhỏ, để di chuyển nơi nước cạn. Địch phải đem xác ông phơi trước chợ để làm chứng cớ, và chôn ông giữa chợ, nếu chôn nơi hẻo lánh, e nghĩa quân lập đàn tế cờ, phục thù cho chủ tướng. Cụ Đồ Chiểu đã đem tất cả tâm huyết viết bài văn tế ông và 10 bài liên hoàn.
Lê Thị Thưởng là con gái một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công) kết hôn với Trương Định. Theo sử sách, vào năm 1854, nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công). Sau khi chồng và con mất vì việc nước kháng chiến chống Pháp, sách đã chép chuyện: (Trương Định) sau vì thất lợi mà mất, con ông là (Trương) Tuệ cũng chết vì việc quân, vợ (Trương) Định là Lê Thị Thưởng vì không nơi nương tựa nên về quê quán (Quảng Ngãi, quê chồng) làm ăn.
Năm (Tự Đức) thứ 27 (1874), quan tỉnh Quảng Ngãi tâu rằng, (Trương) Định là người có nghĩa khí rất đáng khen mà nay vợ của (Trương) Định lại là người nghèo khổ, rất đáng thương. Vậy, xin cấp dưỡng suốt đời cho (vợ Trương Định) mỗi tháng 20 quan và 2 phương gạo… Năm (Tự Đức) thứ 34 (1881), lại cấp thêm cho người vợ (của Trương Định) mỗi tháng 10 quan, đồng thời, sai xã ấy phải thỉnh thoảng đến thăm. Khi bà mất, (vua ban) cho 100 quan tiền (để mai táng).
Trần Thị Sanh (1820-1882) là em con cô của Thái hậu Từ Dũ. Trước khi về làm vợ thứ Trương Định, bà từng có một đời chồng là ông Dương Tấn Bổn và một cô con gái tên Dương Thị Hương. Ông Bổn mất sớm, tình nghĩa vợ chồng đứt đoạn, bà Sanh quyết chí lo chuyện làm ăn và trở thành một trong những người giàu có ở xứ Gò Công.
Giàu có, bà Sanh dùng tiền mua lúa gạo, nhờ Trương Định đem cứu tế dân, và còn đưa tiền cho ông Định quy tụ dân đi khai khẩn đất đai. Khi Trương Định phất cờ đánh Pháp, bà Sanh (khi này đã trở thành vợ thứ Trương Định) lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân. Năm 1864, sau khi Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y, giao quyền trông nom gia sản cho con riêng Dương Thị Hương và rể là Tri huyện Trường Bình...
Mộ Trương Định ban đầu (1864) được làm bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ: Đại Nam - An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương Công húy Định chi mộ. Nhà cầm quyền Pháp bắt đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại tướng quân và phạt bà Sanh 10.000 quan tiền vì tội lập bia trái phép. Năm 1874, bà Sanh làm đơn xin tu sửa mộ cho chồng. Lần này mộ Trương Định được xây bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị Pháp ra lệnh đục bỏ…
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cho biết: "Trải nhiều năm Pháp thuộc, mộ Trương Định trở thành hoang phế. Sau có bà Huỳnh Thị Điệu, còn gọi là bà Phủ Hải, cho sửa chữa lại. Năm 1956, được sửa sang lần nữa"… Mãi đến năm 1973 người dân mới xây dựng mở rộng đền thờ khang trang. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia ngày 6-12 -1989.
Đối với nhân dân, đặc biệt là nhân dân Gò Công và miền Nam, xem Trương Định là người anh hùng dân tộc. Và, là vị thần bảo hộ cuộc sống của mình. Qua bao đời nay, nhân dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Định. Hàng năm, tại Gò Công long trọng tổ chức lễ cúng tế, tưởng nhớ Trương Định.
Trước năm 1975, hàng năm lễ giỗ Trương Định được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 7 Âm lịch. Từ năm 1975 đến nay, hàng năm, vào 2 ngày 19 và 20-8 Dương lịch, Gò Công tổ chức Lễ hội Văn hóa anh hùng Trương Định. Đây là một trong những lễ hội lớn ở miền Nam, nhằm hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước.

Các tin khác