Phía sau những chuyến đi phượt

Kỳ 2: Theo phong trào, thiếu kiến thức

(ĐTTCO) - Mới đây, phượt thủ T. A. K đã tử nạn khi trekking (đi bộ khám phá) cung đường Tà Năng-Phan Dũng sau 8 ngày bị lạc. 

Việc khách du lịch bụi bị lạc, hoặc mất tích, và tử nạn không còn là chuyện mới trong những năm qua. Trên hành trình của những chuyến đi phượt có quá nhiều hiểm nguy tiềm ẩn, bất ngờ luôn rình rập. Ngay cả những phượt thủ có kinh nghiệm cũng không thể lường trước được hết.

Thiếu kiểm soát phương tiện phượt
Như đã nói ở kỳ 1 phương tiện đi phượt mà giới trẻ đang sử dụng rất đa dạng, nhưng chiếm phần đông là xe máy. Xe máy có tính cơ động cao, có thể đi các chuyến từ vài chục km cho đến cả ngàn km, xe máy đi đường núi thuận lợi, luồn lách vào các thôn, bản… Và cũng một lý do đơn giản, tự tay lái xe máy đi phượt mới chứng tỏ được cái tôi và sự đam mê của mình. Các bạn trẻ đi phượt ở Việt Nam hiện nay sử dụng đủ mọi loại xe máy, từ xe ga, xe số, đến xe tay côn, thậm chí cả những chiếc xe tự chế. Công suất của các loại xe máy cũng từ trên 90cc (phân khối) cho đến cả ngàn cc (phân khối). 
 Một số vụ tử nạn khi đi phượt
-Tháng 12-2013: Vụ tai nạn xảy ra ở đèo Thung Khe (Hòa Bình)  của đoàn đi phượt Mộc Châu, khiến nữ sinh Đ. H ( sinh năm 1992, quê Phú Thọ) tử vong, còn nam phượt thủ cầm lái bị chấn thương sọ não.
-Tháng 3-2016: Vụ tai nạn khi xe máy đâm vào dải phân cách trên cung đường Phong Nha-Đồng Hới khiến 1 nam và 1 nữ đi phượt bị tử vong.
-Tháng 6-2016: Nam phượt thủ người Anh bị tử nạn ở Sapa (Lào Cai).
-Tháng 11-2016: Nam phượt thủ tử vong tại chỗ khi điều khiển xe máy đâm phải xe tải ngược chiều ở đoạn dốc Cun (Hòa Bình).
-Tháng 5-2018: Nam phượt thủ T.A.K tử nạn khi trekking cung đường Phan Dũng-Tà Năng.
Đặc biệt, để gây sự chú ý cho đám đông và chứng tỏ cái tôi mang phong cách hầm hố, bụi bặm, hợp gu các chuyến đi,  nhiều người đã chế chiếc xe máy của mình để cho nó biến dạng đi. Có người chế pô, chế lớp sơn, dán đề can hình thù kỳ quái, rồi chế còi, độ yên… Khi ấy sự hoạt động an toàn chiếc xe cũng là một dấu chấm hỏi lớn cho chính chủ nhân của chúng.
Tất cả xe máy đủ kích cỡ, chủng loại đều được mang đi phượt. Không chỉ sử dụng lộn xộn nhiều loại xe, thiếu tính an toàn, đáng báo động ở chỗ ý thức điều khiển phương tiện. Chúng tôi đã bắt gặp trên đường nhiều phượt thủ cứ ngồi lên xe là phóng nhanh, vượt ẩu, dù đó là dưới đồng bằng hay trên các đoạn đèo dốc, núi cao.
Phóng nhanh, vượt ẩu chưa đủ, nhiều nhóm-đội phượt còn dàn hàng 3, hàng 4 khi đi trên các đoạn đường hẹp. Với áo cờ đỏ sao vàng trên người, khăn mũ, giầy, ba lô hầm hố cộng với những chiếc xế khủng… họ sẵn sàng đi nghênh ngang để khoe mẽ, phô trương đội hình, thanh thế, bất chấp những nguy hiểm về an toàn giao thông cho bản thân và người khác.
Hiểm nguy rình rập
Cuối tháng 3-2018 vừa qua, trên cung đường Tây Thiên-Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tôi đã chứng kiến một vụ tai nạn khi phượt thủ trẻ và chiếc xe máy của mình lao xuống vực. Rất may không nguy hiểm đến tính mạng và được nhóm cứu hộ kéo cả người và xe lên. Lý do của việc lao xuống vực là do phượt thủ này đi nhanh trên đoạn đường núi, cua gấp mất lái và không kịp phanh.
Đặc biệt, đáng báo động hơn khi tính sĩ diện nổi lên ở nhiều chàng trai đi phượt khi kèm bạn gái đằng sau. Một câu chuyện đau lòng từng xảy ra ở đèo Thung Khe (Hòa Bình) năm 2013 là minh chứng. Khi ấy một phượt thủ kèm bạn gái đi trong đêm, vượt xe ô tô cùng chiều đã bị chiếc ô tô ngược chiều đâm phải. Cô nữ sinh mới 21 tuổi ngồi sau mất mạng tại chỗ, còn bản thân chàng phượt thủ bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não.
Kỳ 2: Theo phong trào, thiếu kiến thức ảnh 1 Nữ du khách đứng vắt vẻo trên tường ở cột cờ Mai Châu để chụp ảnh – phía sau là vực sâu.
 Mối nguy hiểm trên những cung đường không chỉ đến từ xe cộ, ý thức điều khiển phương tiện mà còn ở yếu tố thời tiết. Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa ẩm, thời tiết ở nhiều nơi, đặc biệt vùng miền núi thường diễn ra thất thường. Có những cung đường ở các vùng núi cao đang nắng chang chang, bỗng mưa đổ ào ào, khiến đường trơn, tầm nhìn hạn chế rất nguy hiểm khi đi xe máy. Hoặc những đợt sương mù giăng khắp nơi làm cho tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế… Nếu không có kỹ thuật đi xe, kinh nghiệm và các thiết bị hỗ trợ thì hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn trong những điều kiện thời tiết xấu như thế.
Theo thống kê chưa chính thức của một số trang mạng, diễn đàn về phượt, ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10% phượt thủ trang bị các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng, đầy đủ cho những chuyến đi. Dù hiện nay có rất nhiều điểm bán đồ chuyên dụng cho dân phượt như áo, giầy, mũ đi xe máy, giầy leo núi chuyên dụng, la bàn,  đèn pin, găng tay, mũ chống nắng, thuốc chống vắt, ủng lội nước, áo mưa…nhưng hầu như các bạn trẻ không quan tâm mà vẫn cứ đi theo kiểu nổi hứng, thích thì đi, hứng là lên đường.
 Trong các chuyến đi phượt có lẽ việc băng rừng, lội suối, leo núi là chứa đựng nhiều rủi ro, hiểm nguy nhất. Một phượt thủ từng có kinh nghiệm đi du lịch bụi gần 10 năm, kể cho tôi nghe một lần hú vía của mình. D. thường hay đi phượt một mình để trải nghiệm cuộc sống. Vào năm 2017, trong chuyến đi Quảng Ninh để tìm đến Núi Đá Chồng (huyện Hoành Bồ), D. đã bị lạc đường. D. nhớ lại: “Khi đó trời sắp tối, mình đoán từ điểm gửi xe lên khu Núi Đá Chồng cũng không xa, nên liều đi tìm đến cho bằng được. Nhưng cứ đi mãi theo con đường mòn cũng không tới, trời lại tối dần, điện thoại cũng sắp hết pin, mất phương hướng. Sau đó may mắn gặp 2 người dân bản địa đi núi nên mới trở về an toàn”. 
Kỳ 2: Theo phong trào, thiếu kiến thức ảnh 2 Nam phượt thủ nhảy trên Mỏm Rùa ở Pha Luông
(Mộc Châu) rất nguy hiểm để chụp tự sướng.
Để chuyến đi phượt an toàn
Một câu hỏi đặt ra làm thế nào để có một chuyến đi phượt an toàn? Hiện nay chưa có bất kỳ một cuốn sách hướng dẫn hay lớp dạy kỹ năng đi phượt chính thức nào ở Việt Nam. Nhưng nếu để ý, mọi người sẽ thấy trên mạng có hàng tá chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn. Những chia sẻ này có thể là chỉ dẫn kinh nghiệm ở một cung phượt nhất định, hoặc là kinh nghiệm chung cho mọi chuyến đi. Đó có thể là ý kiến chia sẻ của người đi phượt lâu năm, am hiểu giàu kinh nghiệm, hoặc là chỉ dẫn kinh nghiệm của người dân bản địa ở các điểm đến dọc từ Bắc vào Nam. 
 Xin cóp nhặt một vài chia sẻ, kinh nghiệm quý báu sau:
- Nếu đi nhóm cần kiểm tra tìm hiểu thông tin về người leader  (người dẫn dắt cả đoàn, nhóm, hội). Người leader phải có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết, điềm tĩnh, quyết đoán…
- Nếu bạn chưa hoặc ít đi xe máy đường dài, hãy cân nhắc tham gia các chuyến đi phượt- du lịch bụi xa bằng xe máy. Bạn có thể đổi sang cách di chuyển bằng phương tiện công cộng khác.
- Không nên tham gia các đoàn phượt quá đông. Giới hạn thường là 6 xe máy với từ 6-12 người trở lại.
- Bảo dưỡng toàn bộ chiếc xe của bạn trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là phần lốp và phanh cần đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Đổ xăng đầy bình và luôn quan tâm tới mức báo kim xăng. Phải đổ xăng đầy bình khi đến các điểm trung tâm thị trấn, thị xã… bởi các đoạn đường núi vắng vẻ sẽ không có cây xăng hay các điểm bán lẻ.
- Không lái xe ban đêm. Ở mọi địa hình, việc lái xe trong đêm đều rất nguy hiểm,  nhưng với cung đường đèo dốc, miền núi thì sự  nguy hiểm tăng gấp bội.
- Không lái xe quá 200km/ngày. Lái xe liên tục, đường dài sẽ gây tình trạng mệt mỏi, thị lực, tinh thần và sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông.
-  Quan tâm đến thời tiết. Để an toàn cho mình và bạn đồng hành, hãy xem thời tiết trước mỗi chuyến đi. Trong trường hợp mưa lớn hoặc sương mù dày đặc, nhớ luôn luôn di chuyển chậm và bật xi nhan bên phải.
- Chỉ mang theo những vật dụng cần thiết, chuyên dụng. Việc mang theo quá nhiều đồ trên ba lô, túi xách… khi lái xe máy sẽ mất an toàn và dễ mất mát.
- Tìm hiểu trước văn hóa, thông tin nơi đến. Việc làm ấy giúp bạn giàu vốn văn hóa và cũng để tránh gây ra những điều không hay, thiếu lịch sự khi bạn đến đó.

Các tin khác