Những bô lão chơi quan họ

(ĐTTCO) - Vùng đất Kinh Bắc cổ - vốn nổi tiếng là cái nôi ra đời làn điệu quan họ đằm thắm trữ tình. Cuộc sống mới đã đổi thay hiện đại, nhưng niềm đam mê với quan họ cổ vẫn được bao thế hệ con người nơi đây hun đúc, giữ gìn. 

Chúng tôi tìm về thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang để được nghe và trò chuyện cùng CLB quan họ với các thành viên là các bô lão tuổi đã 80-90. 

Người truyền lửa
Hỏi về quan họ, chúng tôi được mọi người dẫn vào nhà cụ Hoắc Công Chờ. Cụ Hoắc Công Chờ năm nay đã 83 tuổi, được người Trung Đồng phong nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn hóa dân gian không chính thức của làng. Ở cái tuổi bát thập cổ lai hy, cụ Chờ với mái tóc bạc, nước da bánh mật, nhưng vẫn còn tinh anh, sáng suốt. Nói về quan họ, cụ cho biết Trung Đồng là cái nôi quan họ cổ vùng huyện Việt Yên nói riêng, và bờ Bắc sông Cầu nói chung đã được UNESCO công nhận di sản phi vật thể Thế giới.
“Từ đầu thế kỷ 19, người làng Trung Đồng đã tự biết sáng tác và hát các bài dân ca quan họ của chính mình. Khi ấy những hội thi hát, hát giao lưu, giao duyên bằng quan họ cổ đối đáp ở ven sông Cầu theo kiểu trên bến dưới thuyền hoặc trong đình, chùa ngồi đối nhau giữa có mâm trầu têm cánh phượng đã diễn ra thường xuyên. Từ thời mới còn lòng lớp vỡ lòng những ngày Cách mạng Tháng 8, tôi đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy lại các bài dân ca quan họ cổ” - cụ Chờ tâm sự.
Sau 60-70 năm đam mê, bền bỉ và tâm huyết với quan họ, cụ Chờ đã xây dựng được nhiều đội quan họ cổ, sau đó là thành lập CLB quan họ thôn Trung Đồng. Với vai trò chủ nhiệm CLB quan họ cổ, hiện nay cụ Chờ vẫn ngày ngày sống với lời ca tiếng hát bằng một thứ tình yêu đam mê đến lạ kỳ. Tất cả những gì thuộc về quan họ cổ của Trung Đồng, cụ Chờ đều sưu tầm, lưu giữ lại. Để minh chứng, cụ đã cho chúng tôi xem nhiều tài liệu viết tay cũng như đã in thành sách rất quý hiếm về văn hóa quan họ vùng đất Trung Đồng.
Những bô lão chơi quan họ ảnh 1 Một liền chị U90 ở làng quan họ Trung Đồng. 
Trong kho tư liệu đồ sộ của mình, cụ Chờ chỉ cho tôi xem tên những người thuộc 3 thế hệ trước đã từng sáng tác và hát quan họ cổ. Thế hệ đầu tiên là các cụ tính đến nay đã 180-200 tuổi, Thế hệ thứ 2 với các cụ đến nay đã 130-150 tuổi, thế hệ thứ ba là các cụ đã 100-120 tuổi. Cụ Chờ chính là người chơi quan họ cổ thuộc thế hệ thứ 4 ở làng Trung Đồng. 
Tài liệu tiếp theo, cụ Chờ cho chúng tôi xem là kho tàng trên 150 lời bài hát quan họ cổ được nhiều nhà nghiên cứu đến thăm đánh giá rất quý. Vừa mở tài liệu cụ Chờ vừa cho biết: “Quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu, cụ thể ở Trung Đồng chỉ có hơn 20 làn điệu, ít hơn bờ Nam là vùng Bắc Ninh hiện nay.
Nhưng về các bài hát cổ thì có đến cả ngàn bài. Tôi mới chỉ sưu tầm được một phần trong kho tàng lời bài hát rất đồ sộ đó thôi. Hơn 50 năm nay tôi đã đi khắp làng trên xóm dưới, nghe các cụ cao niên hát để ghi lại lời, nhịp điệu. Tôi làm công việc sưu tầm, nghiên cứu không vì mục đích danh vọng, tiền bạc mà chỉ vì đam mê, sợ mất đi vốn văn hóa cổ của cha ông để lại”. 
Những bô lão chơi quan họ ảnh 2 Cụ Chờ mặc áo the, khăn xếp để dẫn dắt CLB hát cao niên. 
Hiện nay, cụ Chờ là người có chất giọng tốt nhất khi hát những bài quan họ cổ. Không chỉ là người chủ nhiệm CLB hát quan họ gồm các cụ cao niên, hiện nay cụ Chờ đang truyền dạy quan họ cho lớp trung niên ở lứa tuổi 50-60. Người dạy không nhận bất cứ đồng tiền công nào, còn kẻ đến học cũng bằng tinh thần nhiệt tình, tự nguyện - tất cả chỉ có một điểm chung là lòng đam mê. Anh Lê Văn Đoàn, thành viên của đội hát quan họ trung niên ở Trung Đồng cho biết một bất ngờ rằng ngoài quan họ cổ ra, cụ Chờ còn biết hát và dạy cả tuồng và chèo.

CLB quan họ già nhất Việt Nam
Có một điều cụ Chờ nói chắc như đinh đóng cột là ở Trung Đồng đang có đội quan họ cao niên già nhất Việt Nam. Dù có đi tìm hàng trăm ngôi làng ở vùng đất quan họ Kinh Bắc cũng sẽ không thấy nơi đâu có đội quan họ già đến thế. Có đến 11 cụ trong CLB quan họ cổ Trung Đồng hiện nay nằm ở độ tuổi từ 79 đến 90 tuổi. Cụ Nguyễn Thị Hôm (90 tuổi) hiện nay là liền chị cao tuổi nhất ở Trung Đồng.
Trong CLB có đến 5 cụ mang họ Hoắc như cụ: Hoắc Thị Chướng, Hoắc Công Chờ, Hoắc Thị Lịch, Hoắc Thị Ngoan, Hoắc Thị Có… Có một trường hợp rất đặc biệt khác, đó là cụ Vũ Thị Sáu 86 tuổi có cả con dâu và con gái, cháu nội, cháu ngoại đang tham gia vào lớp quan họ cổ kế cận do cụ Chờ truyền dạy. Cụ Hoắc Thị Chướng, 85 tuổi tuy đau lưng mấy năm nay, nhưng vẫn bảo cháu nội chở ra hát cùng mọi người.
Cụ Chướng tâm sự: “Dù đi lại rất khó khăn, nhưng khi đã biết có vụ hát quan họ cổ là nhất định tôi phải tham gia. Từ trước tới nay đã có nhiều đoàn thể, cá nhân về Trung Đồng yêu cầu được nghe hát, tôi và toàn CLB chưa bao giờ từ chối ai cả”. Cụ Chướng cũng cho biết thêm, hiện nay mình có thể hát được gần 100 bài quan họ cổ Trung Đồng.
Khi có lời đề nghị của cụ Chờ, các thành viên siêu cao tuổi nhanh chóng ngồi vòng tròn khoanh chân và tự nhiên cất lên lời ca, tiếng hát véo von, trong trẻo. Nếu chỉ nghe giọng hát bài “Dặn bạn lúc ra về”- bài quan họ cổ do chính người Trung Đồng sáng tác ra để đối đáp lại bài “Giã Bạn” của vùng dân ca quan họ cổ Bắc Ninh, có lẽ sẽ không ai có thể đoán ra các cụ đã ở độ tuổi 80-90.
Cụ Chờ chia sẻ mọi người lập ra CLB hát quan họ cao niên là hoàn toàn tự nguyện để giữ gìn những giá trị văn hóa cổ của quê hương đã bao năm nay. Ông hy vọng để quan họ cổ không bị mai một, vang lên trên mảnh đất này mãi mãi rất cần những thế hệ trẻ kế tiếp giầu lòng đam mê và tâm huyết.
Anh Dương Ngô Hoan, cán bộ văn hóa xã Vân Trung, Việt Yên cho biết: “Thôn có gần 500 hộ với khoảng 1.900 nhân khẩu. Hiện nay thôn đã có 3-4 đội hát thuộc CLB quan họ cổ với đủ các lứa tuổi. Riêng nhóm hát gồm các cụ cao niên ở thôn cũng có đến gần 30 cụ từ 70-90 tuổi sẵn sàng đi hát, giao lưu. Các cụ cao niên ở Trung Đồng chính là kho tàng văn hóa sống về làn điệu quan họ cổ của chúng tôi”.

Các tin khác