Sức sống những cô gái mở đường năm xưa

(ĐTTCO) - “Bây giờ, tôi nhìn con gái mình lớn lên, mới thấy hết sự phi thường của các cô gái Trường Sơn. 

Đúng là anh hùng vô song. Họ xứng đáng với tất cả mọi lời ca ngợi” - Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, nói về các cô gái mở đường, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Độc lập (7/1960 – 7/2018).

1. Trong tiểu thuyết Chân trời xa thẳm mới đây của nhà văn Trần Huy Quang, nhân vật chính xưng “tôi” là một cô gái sinh vào thời điểm đất nước vừa thống nhất. Cô gái đẹp và đầy cá tính, có cha xuất thân nông dân sang làm cán bộ thủy lợi, thợ tiện rồi cán bộ tổ chức chuyên xây dựng gương điển hình tiên tiến. Còn mẹ cô từng là thanh niên xung phong mở đường dưới mưa bom bão đạn, về sau làm công nhân thợ tiện ở nhà máy chung với chồng. 
“Mẹ tôi mới 43 tuổi. Ở nhà mẹ đóng vai trò hai người đàn bà. Một là chị thợ tiện với bộ quần áo xanh bảo hộ lao động từ thứ hai đến thứ bảy. Hai là bà nội trợ với bộ quần áo ngủ nhàu nát, không biết nguyên thủy màu gì, nấu cám lợn, nấu cơm, rán cá và đi chợ trong sân khu tập thể. Thế mà người đàn bà ấy coi mình như vua bà, oai phong, hạch sách và cáu bẳn”. Đó là lời tự thuật của nhân vật chính cô gái trong tiểu thuyết. Hình ảnh nhân vật với “vai trò hai người đàn bà”, cộng với tính cách mạnh mẽ “coi mình như vua bà”, dù chỉ trong gia đình nhưng cứ mãi ám ảnh tôi, gợi cho tôi nhớ những nữ thanh niên xung phong từng trải thời chiến tranh. 
Lực lượng thanh niên xung phong đầu tiên dưới hình thức đội công tác trung ương được thành lập thời chống Pháp vào ngày 15-7-1950, để phục vụ Chiến dịch Biên giới. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cả nước ước tính có 530.000 người tham gia lực lượng này. Trong đó phái nữ có 170.316 người, có mặt hầu khắp chiến trường trọng điểm từ Điện Biên Phủ ở Tây Bắc đến Trường Sơn, Nam bộ và cả ở nước bạn Lào, Campuchia.
Nhiệm vụ chủ yếu của họ là xây dựng, bảo vệ các cung đường vận tải chiến lược, bắc cầu, rà phá bom mìn, tải đạn, tải lương, tải thương… như lời bài hát Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao mãi âm vang: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát/ Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/ Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu/ Em đi bắc những nhịp cầu, nối những con đường Tổ quốc yêu thương/ Cho xe thẳng tới chiến trường…”.
Sức sống những cô gái mở đường năm xưa ảnh 1 Tượng đài chiến thắng tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.  
2. Trong một cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn 559, khi tôi đề cập tới lực lượng nữ trên tuyến đường chiến lược thời chống Mỹ, ông nói rằng: “Lực lượng nữ chiếm một phần ba trong số hơn mười vạn quân thuộc Đoàn 559 Trường Sơn. Họ có mặt nhiều nhất ở lực lượng thanh niên xung phong, bảo vệ giao thông, giao liên, hỏa tuyến, quân y và hậu cần. Để bảo đảm giao thông được xuyên suốt, các cô phải túc trực thường xuyên tại các điểm nóng. Mà nơi đây, máy bay Mỹ lại hay ném bom tọa độ bằng B52 rải thảm. Trong tích tắc, họ có thể biến mất theo mảnh bom, đất đá nát vụn. Nhiều lần tôi đã chứng kiến tận mắt sự hy sinh anh dũng ấy”. 
Sức sống những cô gái mở đường năm xưa ảnh 2 Nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu 
Chiến trường ác liệt. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề. Lại thiếu cả sự giao lưu với người khác giới nên nhiều cô gái sinh bệnh về giới tính. “Có những đơn vị toàn nữ, sống chiến đấu biệt lập, nên mỗi khi gặp được nam giới, họ rất mừng. Do điều kiện sống như thế, nên nhiều người đã mắc bệnh cười. Lạ lắm, thỉnh thoảng tự nhiên họ cười ngất. Chẳng nói gì, chỉ cười. Cứ thế. Hình như một căn bệnh về sinh lý. Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ vì lớn tuổi, không lập được gia đình, bệnh cười vẫn không dứt” – Tướng Phan Khắc Hy cho biết thêm. 
Dù hiến thân cho lý tưởng độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng là con người ai cũng khao khát tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Những nam nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cũng vậy. “Mỗi lúc có dịp gặp nhau qua trọng điểm, lúc dừng chân binh trạm giao liên, tiếng chào hỏi, tiếng hát, tiếng cười, những cái liếc mắt đưa tình hoặc câu đùa ghẹo là lúc biểu lộ khát khao đó của họ, để rồi kẻ ở người đi, dấn mình trong đạn lửa, mang theo một kỷ niệm êm đềm.
Có khi trở lại chỗ cũ, họ đã khóc thầm, cắm bông sim tím lên mộ người yêu mà mình chưa kịp tỏ tình! Và con người vẫn là con người, có lúc họ đã “cho nhau” để rồi chịu đựng những búa rìu của dư luận bởi ảnh hưởng nặng nề đạo đức phong kiến và sinh nở nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn” - Vị chỉ huy bộ đội Trường Sơn năm xưa, không kiềm được nước mắt khi nhớ về những người lính chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát. 

3. Cái hạnh phúc được làm mẹ như lão tướng của Trường Sơn tâm sự, dù có đau buồn nhưng là niềm hạnh phúc có thật, thậm chí may mắn. Bởi nhiều đồng đội của họ khi chiến tranh kết thúc đã không còn cơ hội trở về, hoặc trở về trong thương tật, suốt phần đời còn lại sống trong cô đơn.
Trở lại với tiểu thuyết Chân trời xa thẳm của nhà văn Trần Huy Quang. Ở đoạn đối thoại giữa người mẹ vốn là thanh niên xung phong với cô con gái, người mẹ trả lời chuyện nhan sắc mình ngày xưa có xinh như con gái bây giờ: “Chiến tranh ngày đêm làm đường phá bom lấy đâu mà xinh mà giòn.
Một ngày hai buổi trèo non, lấy gì mà đẹp mà giòn hả anh”. Ngòi bút sắc sảo của nhà văn Trần Huy Quang đã thẩm thấu được nỗi đau khuất lấp của nhân vật đại diện cho một thế hệ thanh nữ vì nước quên mình, cho dù nhân vật của ông còn may mắn hơn những con người phi thường ở ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, hang Tám Cô - Quảng Bình.

Các tin khác