Tình gốm

(ĐTTCO) - Từ xa xưa, làng Thổ Hà, xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhà nhà đỏ rực ánh lửa men gốm. Nghề gốm đã mang lại cho mảnh đất miền Kinh Bắc này vẻ đẹp, sự ấm cúng của tình người và gốm. 

Nhưng trải qua bao bước thăng trầm, hưng thịnh của một làng nghề, giờ đây người dân Thổ Hà đang trăn trở tìm hướng đi mới cho nghề gốm truyền thống của quê hương.

Nét tinh hoa của đất Ông tổ của nghề gốm Thổ Hà vẫn được các nghệ nhân trong làng nhắc đến bằng một sự kính trọng. Tương truyền đời Lý, có 3 ông quan nước Đại Việt được Vua Lý Nhân Tông cử đi sứ sang Trung Quốc. Đó là Tiến sĩ Đào Trí Tiến, Thái học sinh Lưu Phong Tú và Hứa Vĩnh Cảo. Khi đi sứ qua Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), thấy những người thợ thủ công ở đây nặn đất làm những đồ vật lạ mắt, các ông đã học được kỹ thuật và trở về truyền nghề cho nhân dân trong nước. 
Tình gốm ảnh 1 Cụ Cáp Trọng Chuyện bên cây hương bằng gốm cổ sót lại duy nhất ở Thổ Hà. 
Ông Đào Trí Tiến về làng Thổ Hà (Bắc Giang) truyền kỹ thuật làm gốm sắc men rạn đỏ vàng, Ông Hứa Vĩnh Cảo về  Bát Tràng (Hà Nội) truyền nghề gốm sắc men rạn trắng và ông Lưu Phong Tú về Phù Lãng (Bắc Ninh) truyền nghề gốm sắc men rạn vàng thẫm. Sau đó cả 3 làng gốm của đất Bắc đều trở nên nổi tiếng. Sau khi mất, ông Đào Trí Tiến được người dân Thổ Hà suy tôn là Khởi nghệ Tổ sư. Mới đó đã ngót nghét gần mười thế kỷ... Cụ Cáp Trọng Chuyện, một nghệ nhân trong làng, đã kể với chúng tôi như thế. Thổ là đất, Hà là sông, đất trộn với nước sông, sau đó đạp thật nhuyễn, dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân Thổ Hà, những sản phẩm gốm duyên dáng như chõ, chum, chĩnh, vại, niêu, chậu… lần lượt ra đời. Đất sét trên đồng chiêm Thổ Hà vốn nổi tiếng với loại búp dong và loại lõi mít, chất đất sét béo, với óc sáng tạo của người Thổ Hà, những sản phẩm gốm mang một phong cách phong phú nhưng rất riêng, lại được bao phủ bởi một lớp men tự nhiên. Theo những nghệ nhân trong làng, gốm Thổ Hà vốn hơn gốm Bát Tràng và gốm Phù Lãng ở chỗ sản phẩm khi ra khỏi lò nung không phải tráng men. Đây chính là do chất đất. Chất đất diệu kỳ có ở làng Thổ Hà xưa đã làm nên những sản phẩm tinh xảo, và làm cho nghề gốm nơi đây ngày càng phát triển.  Khi ấy, trên bến dưới thuyền, khách hàng từ Bắc Kạn, Thái Nguyên xuôi dòng sông Cầu xuống, thương thuyền từ Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình ngược dòng  lên bến Thổ Hà đóng hàng. Chính gốm đã làm cho người dân nơi đây có cuộc sống sung túc, no đủ. Cả vùng, Thổ Hà là nơi giàu có nhất. Con gái các làng khác ước ao lấy được con trai Thổ Hà, vừa chịu khó, vừa khéo tay. Thời hoàng kim của gốm Thổ Hà từ các thập niên 60 đến 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, Xí nghiệp Gốm Thổ Hà được thành lập. Đây là thời kỳ nối tiếp thời vàng son trước Cách mạng Tháng Tám của nghề gốm. Gốm Thổ Hà theo dòng sông Cầu đi khắp mọi nơi. Cả một làng chài trên sông với tên gọi Nguyệt Đức, sống bằng nghề vận chuyển gốm cho Thổ Hà.
Tình gốm ảnh 2 Các sản phẩm gốm sứ cải tiến tiêu biểu của làng Thổ Hà hiện nay. 
Thăng trầm Thế rồi, cơ chế thị trường mở ra, các sản phẩm làm bằng nhựa, nhôm tràn ngập đã đẩy gốm Thổ Hà, vốn không đa dạng về mẫu mã, khó vận chuyển lại cồng kềnh dễ đổ vỡ vào tình thế lao đao. Đến năm 1995, Xí nghiệp Gốm Thổ Hà đã phải ngừng hoạt động. Người dân làng Thổ Hà quay sang tráng bánh đa nem, nấu rượu... Một bộ phận khác "tha phương", mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay cả 4 người con trai của cụ Cáp Trọng Tuất, một nghệ nhân trong làng, cũng phải đi lập nghiệp trên những vùng quê mới. Hôm tôi đến Thổ Hà, cụ Cáp Trọng Tuất đang loay hoay chế tác các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Chả là tuy tuổi cao sức yếu, song cụ vẫn cố gắng làm một chuyến "công du" đi Đồng Nai, Bình Dương để học kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ. Vừa về, cụ đã bắt tay vào công việc "phục sinh" nghề gốm. Ngồi nói chuyện với cụ, tôi hình dung được phần nào sự nuối tiếc quá khứ, trăn trở với nghề gốm. Thi thoảng tôi lại thấy cụ đưa khăn tay lên chấm đôi mắt mờ đục vì thời gian và vuốt lại mái tóc đã bị nắng gió phong trần gội thành bạc trắng.
Cụ Tuất bảo, để nghề truyền thống bị thất truyền là có tội với vị Tổ sư, có tội với ông bà tiên tổ. Chính vì thế cụ Tuất, cụ Chuyện và cụ Trịnh Hữu Triệu, những cán bộ của Xí nghiệp Gốm Thổ Hà xưa kia, đã chung công, chung sức để xây một lò gốm, những mong khôi phục lại nghề truyền thống. Cụ Tuất kể, năm ngoái, mẻ gốm đầu tiên vào lò cũng là đêm cả 3 cụ ngồi thức trắng để hồi tưởng lại quá khứ. Từ bé đã tiếp xúc với đất, với nước, với củi lửa và những "mẻ phơ", tình yêu nghề gốm có lẽ đã ăn sâu vào con tim các cụ. Chả thế khi ngồi hầu chuyện, tôi không thể dứt ra cũng như chen ngang vào câu chuyện các cụ kể về nghề gốm. Chính vì lý do sợ thất truyền, cụ Tuất đã đưa 3 đứa cháu nội từ trong miền Nam về làng để vừa cho học, vừa truyền nghề cũng như truyền cho chúng sự đam mê, sự sáng tạo của bao thế hệ cha ông. 

Cụ Tuất cho tôi xem một sản phẩm gốm mỹ nghệ mà cụ đã cất công mang ra từ Đồng Nai, đó là tòa tháp 2 tầng được chế tác tinh xảo. Cụ nói: "Chúng tôi sẽ làm gốm mỹ nghệ, sẽ tìm lại được thị trường và xa hơn nữa là có thể xuất khẩu gốm". Nhưng vì nhiều lý do, đến nay, hàng trăm sảm phẩm gốm phơ mỹ nghệ do 3 cụ làm ra vẫn phải chất đống chờ đến lượt... vào lò. 

"Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", đã có câu hát như thế. Bởi vậy cả 3 cụ cứ loay hoay, cứ làm nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Thời gian cứ trôi đi và tuổi của các cụ cũng đã "xế chiều"...

Bao giờ tìm lại thủa xưa

Bây giờ, cả làng gốm Thổ Hà, chỉ còn vài lò gốm của nhà cụ Tuất, cụ Chuyện, anh Tân còn đỏ lửa. Cả làng đã chuyển sang nghề tráng bánh đa nem. Còn 2 làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng, do thích hợp nhanh với cơ chế thị trường, sản phẩm của họ đã có thị trường ổn định và ngày càng phát triển. "Trông người lại ngẫm đến ta", gốm Thổ Hà bao giờ tìm lại thời hoàng kim không đơn giản. Theo Chủ tịch UBND xã Vân Hà, ông Nguyễn Trọng Hội  sản phẩm gốm của làng Thổ Hà quá đơn điệu về mẫu mã, không phù hợp với nhu cầu của thị trường nên không tìm được đầu ra. Một khó khăn nữa do đất làng quá chật chội, diện tích đất công ích của xã còn lại không đáng kể nên không có mặt bằng để sản xuất. Vả lại, những nghệ nhân thạo nghề như cụ Tuất, cụ Chuyện... còn lại trong làng rất ít, chỉ có thể đếm  trên đầu ngón tay. 

Thương hiệu gốm Thổ Hà vẫn còn vang vọng trong thiên hạ, người Thổ Hà chịu khó cần cù, luôn biết vươn lên trong gian khó… Hiểu được điều này, Đảng ủy, UBND xã Vân Hà đã có đề án khôi phục làng nghề với các giải pháp cụ thể khắc phục những rào cản phát triển nghề gốm. Hy vọng đề án trên nhanh chóng được triển khai để chắp cánh cho những khát vọng “đánh thức” nghề gốm của người dân Thổ Hà. Những thanh, thiếu niên như anh Tú, anh Khang, anh Tân… cháu của cụ Tuất, cụ Chuyện đang rất mong chờ những thời cơ mới để gốm Thổ Hà tỏa sáng như thủa xưa.

Các tin khác