Cần thanh tra toàn diện BOT giao thông

(ĐTTCO)-Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng cần thanh tra toàn diện các dự án BOT giao thông để giải quyết mọi vấn đề xảy ra vừa qua.
 
Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai đặt trên Quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) bị dư luận phản ứng Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai đặt trên Quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) bị dư luận phản ứng Ảnh: XUÂN HOÀNG

Phóng viên: - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) về phòng chống tham nhũng vào chiều 5-9, ông đã thẳng thắn đặt câu hỏi có hay không tham nhũng ở các dự án BOT giao thông. Liệu có thể hiểu là ông đã nhìn ra những khuất tất của các dự án này?

Ông Nguyễn Bá Sơn: -Câu hỏi đó không phải là của cá nhân tôi mà trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họ đã nêu vấn đề này. Thái độ chung của các cử tri, người dân hiểu biết thông tin về BOT giao thông đều nghi ngờ có tham nhũng. Vừa rồi, chúng ta có nghe báo cáo kiểm toán về các dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước và cũng thấy được hàng loạt sai phạm.

Việc tôi đặt câu hỏi là nhiệm vụ của một đại biểu (ĐB) QH đem kiến nghị của nhân dân, của cử tri, đề nghị QH cho ý kiến, yêu cầu Chính phủ xem xét đánh giá, thậm chí là điều tra hàng loạt dự án BOT giao thông mà dư luận quan tâm.

-Theo ông, trong những khuất tất thì vấn đề nào là nguy hại nhất?

- Chúng ta chưa làm rõ được vấn đề ở đâu, như thế nào và một chuỗi các công việc diễn ra trong một quá trình từ khi hình thành các ý tưởng cho đến việc triển khai tổ chức thực hiện và thu phí như thời gian vừa qua. Chúng ta cần phải làm rõ tất cả những cái đó thì mới xác định được mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu, nguyên nhân như thế nào và tìm ra giải pháp.

Trước hết, cần có một cuộc thanh tra đầy đủ, đánh giá toàn diện và chính xác mọi vấn đề về BOT giao thông. Quan điểm của tôi là sự xung đột xảy ra ở các dự án BOT giao thông là cái cần được quan tâm; còn nguyên nhân sâu xa thì phải tìm hiểu các quy trình, quy định về tổ chức, triển khai các BOT giao thông phải được xem xét một cách toàn diện.

- Chỉ định thầu liệu có phải là giải pháp chấp nhận được của các dự án BOT giao thông không?

- Tôi đang băn khoăn là bây giờ người ta giải thích rằng không có ai tham gia đấu thầu nên phải chỉ định. Điều này được hiểu là các dự án đó không đem lại lợi ích cho những người mong muốn tham gia đấu thầu hoặc là những nguyên nhân tương tự như thế.

Vậy thì tại sao những đơn vị được chỉ định thầu lại nhận mà không từ chối? Phải chăng có lợi ích gì trong đó, đây là vấn đề cần phải làm rõ. Phải chăng chỉ định thầu thì chủ đầu tư sẽ được hưởng một số đặc quyền, đặc ân nào đó. Ví dụ như được điều chỉnh dự án, được đề xuất tăng thời gian thu phí. Đó là mấu chốt vấn đề mà chúng ta phải quan tâm.

- Nỗi bức xúc của người dân liên quan đến các trạm thu phí của dự án BOT giao thông đặt sai vị trí ngày càng cao. Với cương vị là ĐBQH, ông cam kết gì khi nói thay tiếng nói của người dân?

- Không phải vô cớ mà người dân bức xúc vì những BOT giao thông vừa rồi có phải thực chất là BOT không hay mới chỉ làm một đoạn rồi vá lại, gá vào để thu phí. Không thể nói những bức xúc đó chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến người dân.

Tất cả những ai là ĐBQH đều sẽ suy nghĩ phải làm gì và bắt đầu như thế nào trong câu chuyện dự án BOT giao thông.

- Để dứt điểm các dự án BOT giao thông đặt trạm thu phí sai vị trí thì cần thực hiện các bước tiếp theo thế nào? Nếu chủ đầu tư cương quyết trả dự án và đòi tiền lại thì Chính phủ nên xử lý ra sao?

- Tôi biết nhiều chủ đầu tư dọa trả lại dự án BOT giao thông cho nhà nước. Tuy nhiên, phải xem xét lại hợp đồng chứ không đơn giản như thế, có chăng phần quốc lộ vá thêm vài cây số, bỏ thêm ít tiền không phải trong dự án BOT giao thông thì trả lại; phần khác thì phải xem trong hợp đồng, chủ đầu tư thực hiện có đúng không. 

- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác