Chống ngập cho TPHCM: Quản lý chặt quá trình đô thị hóa

(ĐTTCO)-Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, quá trình phát triển đô thị không hợp lý trong nhiều năm qua; trong đó, các yếu tố môi trường, sinh thái chưa được quan tâm đúng mức ngay từ khi hoạch định phát triển đô thị đã gây ra nhiều hệ lụy, mà hậu quả trước hết là ngập lụt đô thị.
Chống ngập cho TPHCM: Quản lý chặt quá trình đô thị hóa
Do vậy, việc xem xét lại vai trò, cách tiếp cận trong quy hoạch và quản lý đô thị là hết sức cần thiết. 

Nguyên nhân chính gây ngật lụt

Những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, tổng hợp, thống kê về tình trạng, nguyên nhân cũng như đề xuất những giải pháp kiểm soát ngập lụt của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. 

Chẳng hạn như từ năm 2011, tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu căn nguyên của vấn đề ngập lụt, biến đổi khí hậu tại thành phố trong gần 10 năm và chứng minh rằng phần lớn nguyên nhân ngập lụt đô thị không phải do địa hình thấp hay do biến đổi khí hậu-nước biển dâng mà do chính tác động của quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý. 

Để giải quyết tình trạng ngập lụt một cách bền vững, việc lựa chọn không gian phát triển đô thị là hết sức quan trọng nhằm kiểm soát được quá trình đô thị hóa, theo đó, trong quá trình kiểm soát phát triển đô thị cần thiết lập “khu vực khuyến khích đô thị hóa” và “khu vực đô thị hóa có kiểm soát” trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. 

Có thể dẫn chứng, những năm qua, các khu vực của thành phố Hồ Chí Minh như hướng Đông Bắc gắn với thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức; hướng Tây Nam dọc Quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, huyện Nhơn Trạch-Long Thành (tỉnh Đồng Nai)… có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. 

Tuy nhiên, đây là khu vực địa hình thấp nên không thể để phát triển đô thị thiếu kiểm soát, bêtông hóa tràn lan mà cần được thiết kế, quy hoạch một cách hết sức cẩn thận và “mềm dẻo” để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay. 

Việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc cần theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ. 
Hay đối với những khu vực chưa đô thị hóa của thành phố, trong tương lai, nhiệm vụ của quy hoạch đô thị trong việc kiểm soát ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu phải trả lời được các câu hỏi như: xây dựng như thế nào để thích nghi với sự biến đổi khí hậu-nước biển dâng và sự sụt lún của vùng đất yếu? khu vực nào nên phát triển, khu vực nào dự trữ phòng vệ nước? kiến trúc đô thị từng khu vực như thế nào?... là những vấn đề đặt ra cho thành phố để không lặp lại cách phát triển đô thị “truyền thống” lâu nay, sẽ khiến cho vấn đề tiêu thoát nước của thành phố ngày càng hóc búa, phải giải bằng hàng tỷ USD trong tương lai. 

Đi tìm giải pháp

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, để giải quyết được những yêu cầu bức thiết về quy hoạch đô thị nói trên, vấn đề không chỉ là trách nhiệm của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mà còn có sự tham gia trực tiếp của người dân trong quá trình xây dựng và khai thác đô thị. 

Muốn được như vậy, theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường đại học Việt Đức, nhiệm vụ trước mắt là phải số hóa các dữ liệu chuyên ngành để từ đó hình thành hệ thống quản lý phát triển tích hợp.

Đây là hệ thống cho phép các vấn đề liên ngành được xem xét và điều chỉnh đồng thời, đa chiều, đa cấp độ và đa chủ thể; trong đó, tích hợp về dữ liệu quản lý phát triển không gian là hết sức cần thiết. 

Từ năm 2017, Sở Quy hoạch kiến trúc và Trung tâm tích hợp thông tin địa lý đã công bố dữ liệu bản đồ, đây là nền tảng quan trọng trong việc quản lý phát triển không gian. 

Tuy nhiên, nhiều lớp thông tin dữ liệu số hóa quan trọng đề quản lý phát triển vẫn chưa đầy đủ như: bản đồ nền kỹ thuật số, bản đồ hệ thống mạng lưới hạ tầng-công trình ngầm chưa cập nhật đầy đủ, đặc biệt là hệ thống thoát nước mới chỉ xây dựng ở một vài phường, quận nội thành khoảng 40/6.000 km thì khó có thể lập mô hình dự báo và ban hành những khung thể pháp lý thể chế phù hợp nhằm quản lý đô thị hiệu quả. 

“Như vậy nhiệm vụ trước mắt về số hóa dữ liệu quản lý là nhiệm vụ quan trọng. Hệ thống dữ liệu tích hợp này sẽ cung cấp thông tin cho người dân, nhà quản lý và doanh nghiệp biết phải xây ở đâu, đấu nối cốt cao độ nào để được bảo vệ khỏi ngập lụt. 

Tất nhiên, số hóa và quản lý cập nhật các thông tin trên là thách thức rất lớn, khó có thể làm ngay trên diện rộng. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của vấn đề này, thành phố cần tập trung vào các khâu then chốt và cấp bách. Ví dụ như các khu vực cải tạo chỉnh trang tập trung và khu vực đô thị mới phải được số hóa và quản lý bài bản ngay từ đầu,” tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiếu kiến nghị. 

Đồng thời, giải quyết được vấn đề xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu sẽ giúp tăng cường “liên kết đa ngành” được xem là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ngập lụt. Chỉ như vậy, thành phố mới ban hành được những quy chuẩn quy hoạch cụ thể như: thoát nước, tiêu chuẩn công trình, giao thông, quy định phù hợp về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn…. 

Cũng như thành phố sẽ đưa ra được những chính sách ưu tiên, khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia phát triển đô thị bền vững hay buộc phải trả chi phí cho việc bêtông hóa.

Các tin khác