Hủy dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM

(ĐTTCO) - Bộ KH&ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng giao bộ này phối hợp với UBND TPHCM, các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành các thủ tục hủy dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM sử dụng vốn vay WB. 
Hủy dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM
Dự án có tổng mức đầu tư 437 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc nhóm WB 400 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ do TPHCM cân đối 37 triệu USD.
Lý do hủy dự án do có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đó là cách xác định giá trị bồi thường, diện tích bồi thường cho từng loại đất khác nhau giữa pháp luật Việt Nam và khung chính sách WB có sự khác biệt lớn.
Đơn cử đối với đất vườn thổ cư, pháp luật Việt Nam quy định hạn mức đất ở để bồi thường, phần còn lại sẽ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, nhưng khung chính sách OP 4.12 của WB lại tính bồi thường toàn bộ theo giá đất ở, cho chuyển toàn bộ đất nông nghiệp thành đất ở mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Dự án trên thuộc quy hoạch chống ngập TPHCM. Năm 2014, WB thống nhất đề xuất sử dụng nguồn vốn từ quỹ chuẩn bị dự án PPTAF, do WB tài trợ để tiến hành một số công tác chuẩn bị dự án thông qua Tiểu dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2,1 triệu USD, trong đó WB hỗ trợ 1,75 triệu USD để thực hiện 12 gói thầu tư vấn dịch vụ chuẩn bị hồ sơ liên quan.
Trong đó có hồ sơ phục vụ đàm phán hiệp định vay vốn như khung chính sách đền bù tái định cư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cống kiểm soát chiều nước lên… Đến nay cơ bản phần vốn giải ngân để thực hiện tiểu dự án này đều được bố trí từ ngân sách TPHCM và đã bố trí khoảng 26,9 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị dự án.
Theo UBND TPHCM, nếu thực hiện theo đề nghị của WB sẽ không phù hợp quy định Luật đất đai 2013, không công bằng cho hơn 2.000 trường hợp trong giai đoạn I dự án đã nhận tiền đền bù và di dời trước thời điểm tháng 3-2014, dễ dẫn đến khiếu nại giữa các hộ dân trong phạm vi dự án, và các dự án khác.
Trong văn bản cho ý kiến về việc hủy dự án, Bộ Tài chính cũng thống nhất với kiến nghị của Bộ KH&ĐT tiến hành hủy dự án theo quy định. Riêng với tiểu dự án PPTAF, để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, trong trường hợp WB không chấp thuận thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành, UBND TPHCM phải tự bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để chi trả.
Còn theo Bộ Xây dựng, việc dừng dự án vào lúc này sẽ ảnh hưởng đến nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đang được xây dựng theo BT đã xong giai đoạn I, công suất  131.000 m3/ngày đêm, không thu gom được lượng nước thải từ quận Gò Vấp về nhà máy theo kế hoạch, nhà máy nước thải Tham Lương - Bến Cát sẽ thiếu nước thải để xử lý.

Các tin khác