Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM

Thay thép G7 bằng thép Trung Quốc đã được Sở NN-PTNT phê duyệt

(ĐTTCO).- Chiều 13-9, tại buổi họp báo giải thích về những thông tin xung quanh dự án giải quyết ngập do triều giai đoạn 1, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc công ty TNHH Trung Nam, nhà đầu tư dự án, khẳng định không có chuyện thay thép G7 (của nhóm nước G7) thành thép Trung Quốc.

Thay thép G7 bằng thép Trung Quốc đã được Sở NN-PTNT phê duyệt
 Ông Tiến giải thích hợp đồng giữa Trung Nam và UBND TPHCM không có điều khoản nào ghi rằng thép sử dụng cho công trình là thép G7. Hơn thế, theo luật quy định trong hợp đồng không được ghi xuất xứ vật liệu mà chỉ ghi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật với các chỉ tiêu cơ lý. Việc cáo buộc công trình sử dụng thép Trung Quốc thay thế cho thép G7 là không có cơ sở.
Tập đoàn Trung Nam khẳng định không tự ý thay đổi vật liệu, việc này đã được Sở NN-PTNT TPHCM phê duyệt. Mặt khác, không có nhiều ý kiến khác nhau về đơn vị thẩm định, Bộ Xây dựng đã có ý kiến khẳng định Sở NN-PTNT là đơn vị có thẩm quyền. Và điều này được Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định tại thông báo ngày 5-3-2019. Chủ đầu tư thực hiện công trình hoàn toàn tuân thủ theo thiết kế bản vẽ.
Trước đó, ông Fernando Requena (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt, thuộc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng) có văn bản gởi UBND TPHCM cho rằng, quá trình thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trung Nam Group) xảy ra nhiều sai phạm.
Trong đó, hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô có thiết kế cơ sở là dùng thép không gỉ SUS 304 và thép S355 nhưng Tập đoàn Trung Nam sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc) - có khả năng làm chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn. Ông Fernando Requena cũng cho rằng Sở NN-PTNT đồng ý cho Trung Nam dùng thép Trung Quốc (có tiêu chuẩn tương tự vật tư thép theo quy định của các nước G7) nhưng sở này không đủ thẩm quyền ký quyết định.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Long, Chủ nhiệm thiết kế dự án (Công ty Vina Mekong) cho biết: “Không có sự thay đổi từ thép G7 thành thép Trung Quốc vì công trình vốn đầu tư Nhà nước theo quy định không ghi xuất xứ”. Tuy nhiên, ông Long lưu ý chủ đầu tư chú ý đến điểm dừng thi công vì nếu thời gian dừng thi công lâu sẽ không tốt đối với thiết kế được duyệt.
Ông Long cũng khẳng định: Tất cả các giải pháp kỹ thuật của công trình đều được thẩm định qua các tư vấn nước ngoài là Hà Lan và Tây Ban Nha. Thậm chí, ông Lê Đình Hưng, Viện Thủy lợi Công trình - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cũng khẳng định các chỉ tiêu của thép Trung Quốc đảm bảo các chỉ tiêu cơ lý cho công trình.
Theo ông Tiến, hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thép đạt tiêu chuẩn tương đương nhau (theo yêu cầu kỹ thuật) thì ở mỗi nước sản xuất lại khác nhau về chất lượng. Thậm chí ông Tiến cho rằng “Công trình được bảo hành 3 năm nhưng nếu thành phố yêu cầu thì sẵn sàng bảo hành công trình 10 năm”.
Chủ đầu tư cũng phản bác quan điểm về chi phí bị tăng, bởi chỉ đề cập trọng lượng thép để so sánh giá là không đúng. Thực tế, nếu dùng thép SUS304 công trình cần 460 tấn, trong khi dùng SUS 323L chỉ cần 320 tấn… Tổng chi phí giảm được  hơn 90 tỷ đồng.
Trả lời báo chí về thiệt hại khi công trình dừng thi công 4-5 tháng, ông Tiến cho biết mỗi tháng công trình thiệt hại 17-20 tỷ đồng. Chưa kể những thiệt hại cho người dân, nhà thầu thi công…
Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành 72% khối lượng với tổng vốn thực hiện hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó chỉ mới được giải ngân hơn 3.500 tỷ đồng, vốn chủ đầu tư bỏ ra là 803 tỷ đồng và số còn lại chưa được xác nhận để giải ngân.
Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết nếu tháng 12 mặt bằng được bàn giao thì công trình vẫn có thể hoàn thành trong năm 2019.

Các tin khác