TPHCM: Xây dựng quy trình quản lý các dự án BT

(ĐTTCO) – Sáng nay 7-11, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trao đổi về quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học.  

Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh vấn đề làm thế nào để khi triển khai các dự án BT đạt được sự công bằng, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tối đa các vấn đề thông thầu, lợi ích nhóm.

Tại Hội nghị, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết trong điều kiện của TPHCM nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của TP vẫn là khai thác giá trị từ đất đai. Song, đây cũng là phương án mang nhiều rủi ro. Thời gian qua, khi thực hiện các dự án theo hình thức BT, TPHCM triển khai theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Nhà đầu tư thường được lựa chọn theo phương thức chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai.
Hình thức trên rất rủi ro khi các nhà đầu tư lại phụ thuộc quá nhiều vào tiền vay ngân hàng, do năng lực tài chính có hạn. Bình thường không sao, nhưng khi lãi suất ngân hàng biến động, ngay lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng lên.
TS. Huỳnh Thế Du khuyến nghị cần phải có cách thức mới trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, TPHCM đừng thực hiện việc đổi đất lấy hạ tầng nữa. Phương thức hợp lý hơn là hãy bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ.
Chia sẻ thêm về việc thực hiện các dự án theo hình thức BT trên địa bàn TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP (HoREA), cho rằng cách làm BT như hiện nay đã tạo quá nhiều ưu ái cho nhà đầu tư. Trong lĩnh vực bất động sản, cơ chế chỉ định thầu đã triệt tiêu yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước dường như chỉ còn giữ vai trò thẩm định, nhưng khi thẩm định cũng khó đảm bảo yếu tố ngang giá.
Đơn cử như tại khu đất vàng số 23 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM), giá khởi điểm đấu giá là 558 tỷ đồng, có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá, sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị khu đất. Chính vì vậy, ông Châu đề nghị phải tiến tới đấu thầu, đấu giá công khai rộng rãi trong nước và quốc tế, nhất là với những khu đất vàng của TPHCM. Bên cạnh đó, cần phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa đầu tư, dưới hình thức hợp tác công tư (PPP), kể cả đối với các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan chức năng của TPHCM xây dựng quy trình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức BT đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, tài sản nhà nước... Sự minh bạch rất quan trọng, sẽ tránh tình trạng lợi ích nhóm, thân hữu, từ đó ngăn ngừa tình trạng tiêu cực.
Hiện TP đang có những mảnh đất đẹp, đắc địa được nhà đầu tư quan tâm. Nếu các cơ quan chức năng quản lý không khéo sẽ dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. Do vậy, TP sẽ tổ chức đấu giá công khai, nhà đầu tư có thể không vui nhưng quy trình phải rõ ràng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP lưu ý các sở, ngành chức năng, xây dựng quy trình nói trên cũng phải tạo được môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân – doanh nghiệp – Nhà nước…

Các tin khác